Quán bar Lost and Found |
Muôn kiểu tra tấn!
Bar Lost and Found (số 28 Bạch Đằng, phường Thạch Thang), một trong những “điểm nóng” vừa bị cơ quan chức năng kiểm tra. Theo người dân địa phương, quán bar này thường xuyên kê bàn ghế lấn chiếm vỉa hè người đi bộ. Đặc biệt, quán còn gây bức xúc chuyện mở nhạc ầm ĩ dù 1 hay 2h sáng.
“Cả khu dân cư đã chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn của quán số 28 từ rất lâu. Vẫn biết làm nghề kinh doanh nhưng cách quán vì lợi nhuận đã “tra tấn” hàng xóm liên tục, khiến không ai chấp nhận được. Ngoài mở nhạc quá to, còn “giật đùng đùng”, nên trẻ em, người già, công nhân lao động ở đây nhiều hôm thức trắng đêm. Vì thế, khu phố liên tục kiến nghị Cơ quan chức năng xem xét, yêu cầu quán nên xây dựng bar khép kín, cách âm”, đơn thư của các hộ dân trên đường Bạch Đằng nêu.
Còn lại các khu vực dân cư quận Hải Châu hay ven sông Hàn thuộc khu An Hải, Phước Mỹ (thuộc quận Sơn Trà)… lại nhiều lần phản ánh tình trạng tiếng nhạc sàn từ Sky 36 thuộc khách sạn Novotel (quận Hải Châu). Tuy không lớn nhưng dai dẳng, thình thịch, kéo dài đến tận nửa đêm về sáng và liên tục trong tất cả các ngày đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, sinh hoạt của bà con.
Bà Lê Thị Thanh (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cho biết, Sky 36 tọa lạc tại tầng 35, 36 của khách sạn Novotel được đánh giá bar cao nhất Việt Nam, trở thành trung tâm của những buổi đại tiệc âm thanh và ánh sáng. Nhưng từ khi đi vào hoạt động, gia đình bà nhiều tháng liền không thể ngủ trước 3 giờ sáng với tiếng nhạc có âm lượng vừa phải, nhưng giật liên tục, với nhịp điệu dồn dập, cao trào xen lẫn với tia đèn xanh trắng phát ra từ hướng tòa nhà Novotel rọi thẳng vào nhà.
Tương tự, người dân sống ở tuyến đường Hà Chương (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cũng “khốn khổ” bởi tiếng nhạc chát chúa phát ra từ dãy dài những quán nhậu xếp sát cạnh nhau tại khu phố. Nhiều bà con bức xức: “Mỗi quán theo đuổi một thể loại âm nhạc: dân ca, nhạc cách mạng, nhạc vàng, nhạc quốc tế đến cả nhạc sống do khách hàng của quán thể hiện. Tất cả tạo nên thứ âm thanh hỗn tạp từ chiều cho đến tận khuya. Không chỉ người dân, những ai kinh doanh loại hình khách sạn hay tiệm bánh nhẹ nhàng cũng dần mất khách vì quá ô nhiễm đủ loại tạp âm… ”.
Lúng túng trong xử lý
Công an phường Thạch Thang (quận Hải Châu) xác nhận, quán bar Lost and Found thường xuyên hoạt động về khuya, quá giờ quy định và gây ồn ào. Nhận được phản ánh chính xác từ người dân, Công an đã nhiều lần kiểm tra, kết quả đo lường của liên ngành thể hiện âm thanh vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Đáng nói, lực lượng chức năng quận nhắc nhở nhiều lần nhưng Lost and Found vẫn tái phạm.
Ông Mai Công Nghị, Trưởng phòng Văn hóa thông tin quận Hải Châu thông tin thêm, trong năm 2017, UBND quận Hải Châu tiến hành kiểm tra, xử lý hành chính 12 cơ sở (2 quán bar, 4 massage, 6 đại lý Internet) vi phạm hành chính do gây ồn ào, mất ANTT, với số tiền phạt hơn 95 triệu đồng. Ngành chức năng quận cũng chấn chỉnh 20 lượt cơ sở mở nhạc gây ồn, cảnh cáo 30 cơ sở kinh doanh dịch vụ Internet và trò chơi điện tử không chấp hành tốt nội quy, giờ giấc theo quy định. Ngoài ra, quận Hải Châu cũng đề nghị thành phố cắt 92 số điện thoại quảng cáo rao vặt trái phép. Song, thực tế cũng chỉ mới dừng lại ở xử lý hành chính.
Trong khi đó, thời gian qua, Tổ liên ngành 43 Đà Nẵng (thành lập 20/1/2015), nơi tiếp nhận, trả lời và tiến hành xử lý nhanh phản ảnh của người dân về hoạt động ảnh hưởng đến văn hóa, văn minh đô thị thành phố, cũng ghi nhận nhiều trường hợp nêu trên. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Duy, Tổ phó Tổ liên ngành 43, những vi phạm liên quan đến lĩnh vực tiếng ồn luôn khiến người xử lý lúng túng bởi chưa có quy định cụ thể của pháp luật.
Ông Duy nêu ra trường hợp cụ thể đối với Sky 36, không khí sôi động và âm nhạc bên trong Sky 36 không tràn ra những tuyến đường lân cận hoặc ngay dưới chân khách sạn Novotel nhưng lại phóng đến những khu dân cư xa hơn. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn, âm thanh cho phép nằm ở ngưỡng từ 52 đến 55 dB, nếu quá 70 dB sẽ gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Nhưng việc đo lường cường độ tiếng ồn chỉ được thực hiện ở tại nơi phản ánh (tại nhà người dân, chứ không phải Sky 36). Vì lý do này nên Tổ liên ngành 43 không có cách giải quyết triệt để bởi tiếng ồn từ Sky 36 luôn nằm trong ngưỡng cho phép.
“Lắng nghe tiếng nhạc sàn không có khả năng gây điếc, âm thanh không lớn nhưng lại đều đều, liên tục suốt đêm, tôi hiểu lắm sự căng thẳng của người dân khi hoàn toàn bị động trong việc kiểm soát môi trường sống xung quanh mình, có thể mất ngủ triền miên, tinh thần, trí lực xuống dốc… Song, tất cả những gì mà Tổ liên ngành 43 có thể làm, chỉ có thể liên tục vận động giảm số lượng loa, điều chỉnh âm lượng ở mức nhỏ nhất và hy vọng những… cơn gió, cụm mây sẽ góp phần giảm bước sóng của âm thanh”, ông Duy nói.
Ông Duy nói thêm, thời gian quan, đơn vi ông cũng nhận thêm các phản ánh của người dân về một loại hình tra tấn âm thanh từ karaoke gia đình. Loại hình giải trí này được phát huy triệt để vào dịp Tết, kỳ nghỉ lễ... Do trình độ dân trí thấp kết hợp với cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, không có cách âm…nên dẫn đến tình trạng người hát cố gắng hát to khiến xóm làng xích mích, ghen ghét, thưa kiện… Để giải quyết, chỉ có thể tăng cường tuyên truyền thấu đáo cho người dân về tác hại của ô nhiễm tiếng ồn thông qua cuộc họp tổ dân phố, chứ không có hình thức xử lý nào.
Tác giả: Vũ Vân Anh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam