Trận ngập lịch sử ở Đà Nẵng vừa diễn ra trong ngày 9-12 cần được xem xét lại một cách toàn diện. Trước hết, các cơ quan chức năng phải kiểm tra các hệ thống tiêu úng và thoát nước.
Ngập một lần thì được
Đặc biệt, TP phải kiểm tra 2 dòng sông lớn là sông Hàn (chảy qua trung tâm TP) và sông Cu Đê (huyện Hòa Vang), nếu đầy ứ nước thì chứng tỏ đang trong chu kỳ ngập úng và điều này trong quy hoạch đô thị đã tính toán rồi. Tần suất ngập úng trên các dòng sông từ 25 năm trở lên xảy ra một lần thì được coi là cho phép.
Ngoài việc kiểm tra các dòng sông thì cái cần tính đến trong ngập úng ở đô thị là hệ thống ao hồ. TP Đà Nẵng trong 5 năm gần đây, các ao hồ, chỗ trống được các nhà đầu tư xin phép rồi lấp hết. Đặc biệt ở phía quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn…, nhà đầu tư đã lấp hết các ao hồ. Ngày trước, phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ) là rốn nước, không biết trong quy hoạch tính toán quản lý như thế nào mà các nhà đầu tư lại nâng nền làm đô thị. Quá trình đó, các nhà quản lý không nghĩ đến những kênh tiêu thủy, ao hồ vốn có một cách tự nhiên. Đô thị hóa thế nào nhưng kênh tiêu thủy là phải bảo đảm để thoát nước. Ngập nước có thể là điều kiện tự nhiên trong mức độ cho phép.
Các tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên - Huế giống như một bình thông nhau nên vừa qua đều ngập cả. Cũng có thể nói hiện tượng trên là do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt không thể tránh khỏi. Việc Đà Nẵng nên làm lúc này là cần mở một cuộc đánh giá với đầy đủ các nhà chuyên môn, rút kinh nghiệm đồng thời đề ra những biện pháp xử lý để hạn chế tối đa tình trạng ngập úng. Về lâu dài, phải trích nguồn ngân sách nhất định để thực hiện định kỳ nạo vét ao hồ và sông.
Ngày 11-12, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn ngập nặng. Ảnh: TRẦN THƯỜNG |
Phải khơi thông các lòng sông
Độ dốc của TP Đà Nẵng là khá lớn nên khi trời mưa liên tục đã kéo đất xuống lòng sông gây bồi lắng khá nhiều. Vì thế, phải nạo vét để các dòng sông trở thành hệ thống điều tiết. Việc này nhất thiết phải làm để chống ngập. Nếu kinh phí hạn hẹp, tiền ít thì trước mắt cần nạo vét ao hồ rồi dần dần mới nạo vét sông. Chắc chắn các dòng sông ở Đà Nẵng đã bị bồi lắng nhiều. Đà Nẵng chưa bao giờ nạo vét dòng sông trong khi TP HCM và Hà Nội đã thực hiện 2 lần.
Tôi đã đề xuất giải pháp chống ngập cho Đà Nẵng nhiều lần. Trước mắt là phải khơi thông cho sông Cẩm Lệ và sông Túy Loan vì các hệ thống tiêu thủy liên quan nhau để trở thành bình thông nhau xử lý nước vào mùa mưa. Nếu khơi thông 2 dòng sông này thì sẽ giải quyết được một phần ngập úng ở trung tâm Đà Nẵng vào mùa mưa. Trước đó, sông Túy Loan từng một lần xảy ra lũ quét và việc giải quyết hậu quả cũng rất vất vả. TP nên giải quyết dần dần từng biện pháp thì chắn chắn sẽ khắc phục được tình trạng ngập úng như vừa qua.
Nói lượng mưa vượt ngưỡng thiết kế của hệ thống cống rãnh của Đà Nẵng là chưa chính xác. Bởi khi tôi còn làm Hội Quy hoạch TP Đà Nẵng cũng đã huy động toàn bộ lực lượng chuyên môn, những "ông trùm" trong lĩnh vực này tính toán, hệ thống cống rãnh của TP bảo đảm cả rồi. Mưa ngập không phải do hệ thống cống rãnh, bởi nguyên tắc mưa to như vậy thì lượng nước sẽ chảy tràn chứ không vào cống. Hệ thống cống dù có to mấy cũng không thể gom hết nước vào được mà chủ yếu là nước sẽ chảy tràn. Kể cả cống có chứa được thì khi có mưa lớn, nước chảy tự do trên mặt đường. Trong khi đó, mặt đường tự nhiên không thể thu gom nước mưa vào hệ thống cống. Cái này gọi là hiện tượng tự nhiên mưa lớn chảy tràn trên mặt.
Miền Trung: Mưa lũ làm 8 người chết Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến chiều 11-12, mưa lũ trong những ngày qua ở các tỉnh miền Trung đã làm 5 người chết, 4 người mất tích. Mưa lũ ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Trị, Quảng Ngãi đã khiến hơn 23.000 ngôi nhà bị ngập; gần 2.000 hộ ở Quảng Nam phải di dời khẩn cấp. Về sản xuất nông nghiệp, có hơn 8.000 ha lúa, hoa màu bị hư hại; hơn 60.000 gia súc, gia cầm chết và cuốn trôi. Dự báo ngày 12-12, từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 50-80 mm, riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi phổ biến 100-150 mm, có nơi trên 200 mm. Trong ngày, tại Quảng Nam, lũ rút rất chậm, nhiều khu vực vẫn bị nước bủa vây. Chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều lực lượng đưa hàng hóa, lương thực đến với dân các vùng bị lũ chia cắt. Tại Đà Nẵng, sạt lở 3 km bờ biển Xuân Thiều (quận Liên Chiểu). Nhiều đoạn bờ biển nằm cạnh các tuyến cống xả dọc tuyến đường biển Nguyễn Tất Thành bị sóng lớn đánh, gây xé toạc cả diện tích rừng thông phòng hộ nằm bên trong. Bán đảo Sơn Trà cũng xảy ra sạt lở nghiêm trọng... V.Duẩn - T.Thường - Đ.Anh - B.Vân - V.Quyên |
Tác giả: KTS HOÀNG QUANG HUY
Nguồn tin: Báo Người lao động