Tin địa phương

Đà Nẵng bắt tay xây dựng ‘thành phố đẳng cấp châu Á’

Sau khi được Bộ Chính trị định hướng chung cho sự phát triển trong vòng 25 năm tới, TP.Đà Nẵng đang khẩn trương cụ thể hóa nghị quyết với đích đến là “thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”.

Với cơ chế đặc thù, Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ trở thành thành phố đẳng cấp ở khu vực châu Á. ẢNH: HOÀNG SƠN

Gấp rút xây dựng chính sách từng ngành

Hôm nay (20.2), Ban cán sự Đảng UBND TP.Đà Nẵng sẽ họp để nghe báo cáo chương trình hành động, kế hoạch triển khai cũng như dự thảo đề án cơ chế đặc theo Nghị quyết số 43 NQ/TW (gọi tắt Nghị quyết 43) về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trước đó, tại cuộc họp với các sở, ban, ngành liên quan của TP.Đà Nẵng vào chiều 18.2, lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương có những đề xuất về cơ chế đặc thù liên quan đến từng ngành, từng lĩnh vực… để cuối tháng 3 báo cáo Ban chấp hành Đảng bộ TP.Đà Nẵng.

Theo ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng, các ngành cần xây dựng kế hoạch cụ thể, sau đó Sở KH-ĐT TP.Đà Nẵng sẽ tổng hợp, xây dựng đề án mang tính chất đề cương. “Đầu tiên, Quốc hội phải thông qua nghị quyết đặc thù cho Đà Nẵng, theo đó Sở Tư pháp TP.Đà Nẵng cần phải tham mưu việc này”, ông Sơn nói.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT, cho biết đối với ngành, trong Nghị quyết 43 có đề cập việc xây dựng thành phố thông minh, vì vậy phải làm rõ việc xây dựng thành phố thông minh và vai trò đối với thành phố môi trường. Hai kiểu thành phố này không gắn bó với nhau, nên cần phải làm rõ mối quan hệ. Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, không riêng gì ngành thông tin, để triển khai Nghị quyết 43 các ngành phải tự đề xuất chương trình, chính sách đặc thù của ngành và cần phải làm gì để triển khai nghị quyết.

Theo đó, trên cơ sở đề xuất, Sở KH-ĐT sẽ tiến hành bố trí vốn. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thương, Phó giám đốc Sở Nội vụ, cho rằng về tổ chức chính quyền đô thị, trong triển khai Nghị quyết 43 ngành nội vụ nhất thiết phải có cơ chế trả lương theo kết quả làm việc để giữ chân nhân sự.

Để triển khai Nghị quyết 43, TP.Đà Nẵng đã thành lập tổ giúp việc do ông Hồ Kỳ Minh làm tổ trưởng, ông Trần Phước Sơn làm tổ phó. Dự lường quá trình triển khai sẽ có nhiều vướng mắc cần phải tháo gỡ kịp thời (do đây là việc làm mới mẻ) nên Phó giám đốc Sở Tư pháp Tạ Tự Bình được đề nghị tham gia làm tổ phó, còn lãnh đạo các sở tham gia thành viên. Tổ giúp việc sẽ đưa ra các cơ chế đặc thù trên từng lĩnh vực và làm việc với các chuyên gia, kết nối với các bộ, ngành.

Phấn khởi vì có cơ chế đặc thù

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, nhấn mạnh các lãnh đạo sở tham gia triển khai nghị quyết 43 phải “theo suốt” không thay đổi người để tránh xáo trộn, sở nào chậm bắt tay vào việc sẽ chịu trách nhiệm trước lãnh đạo TP.Đà Nẵng.“Trước 10.3 phải xong các dự thảo để báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy nên rất gấp rút”, ông Minh nói

Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, cơ chế đặc thù dành riêng cho địa phương thường là nội dung được chờ đợi nhất trong các nghị quyết kiểu như Nghị quyết 33 cách đây 15 năm, hoặc như Nghị quyết 43 hiện tại.

Ông Tiếng cho rằng không phải ngẫu nhiên mà nhiều người dân Đà Nẵng đã… nôn nóng tìm đọc phần cơ chế, chính sách đặc thù trong Nghị quyết 43 và phấn khởi khi thấy nghị quyết nêu rõ: “Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây nguyên và cả nước”.

Ông Tiếng tỏ ra tâm đắc với 2 cơ chế đặc thù mà Bộ Chính trị khóa 12 dành cho Đà Nẵng lần này, đó là: đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế; xây dựng và thực hiện đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật.

“Hai cơ chế này thuộc nhóm việc “mới, phức tạp nhưng cấp thiết” để làm thí điểm. Tôi nghĩ Đà Nẵng hoàn toàn có đủ điều kiện để thí điểm thực hiện thành công 2 cơ chế này. Tôi cũng rất tâm đắc khi Nghị quyết 43 yêu cầu sự vào cuộc cụ thể của các cơ quan T.Ư ”, ông Tiếng nói.

So sánh với Nghị quyết 33 ban hành hồi năm 2003, theo ông Tiếng, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo đồng bộ hơn khi yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước, nhất là các tỉnh ủy, thành ủy khu vực miền Trung - Tây nguyên tích cực xây dựng và củng cố mối quan hệ liên kết, hợp tác với Đà Nẵng, tạo không gian kinh tế thống nhất để thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây nguyên.

Tiếp tục gỡ vướng trong sai phạm đất đai

Nghị quyết 43 có nhiều nội dung rất quan trọng, được kỳ vọng sẽ đặt nền tảng cho bước phát triển của TP.Đà Nẵng trong 25 năm tới.

Tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á. Đáng chú ý, Bộ Chính trị cũng giao nhiệm vụ cho Đà Nẵng tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục hậu quả liên quan đến vi phạm về quản lý đất đai theo các kết luận của cấp có thẩm quyền, bảo đảm quyền lợi của các tổ chức và cá nhân, nguồn thu ngân sách nhà nước.

TP.Đà Nẵng cần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, chủ động thu hút có chọn lọc các các dự án…

H.S

Tác giả: Hoàng Sơn

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP