BS Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc BV Nhi Đồng TP HCM cho biết, bệnh nhi V.G.B (17 tháng tuổi, ngụ tại Cẩm Mỹ, Đồng Nai) được chuyển đến trước đó trong tình trạng suy hô hấp, tím tái phải giúp thở qua ống nội khí quản, thở máy, mạch nhanh trên 200 lần/phút.
Kết quả thăm khám, chẩn đoán xác định bệnh nhi bị tổn thương các cơ quan gan thận, xuất huyết phổi, hôn mê.
Em V.G.B khi nhập viện nguy kịch phải chạy máy Ecmo suốt 10 ngày. |
Cha mẹ bé V.G.B vui sướng vô hạn khi thấy con mình đã qua nguy kịch, được các BS và cộng đồng chung tay cứu sống. |
Trước lúc nhập viện, bệnh nhi chơi với người em họ ở sân nhà. Hai anh em thấy chai nước giải khát bên gốc cây, cậu bé mở nắp, ngửa cổ uống. Ngay lập tức cháu ho sặc sụa, nôn ói.
Nghe tiếng ho, ông nội của bé từ trong nhà chạy ra thì tá hỏa khi ngửi thấy mùi xăng nồng nặc từ miệng cậu bé. Ngay lập tức cháu được người dân đưa đến BV địa phương cấp cứu.
Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc diễn tiến ngày càng xấu, bệnh nhi tím tái khó thở, lơ mơ nên được chuyển lên TP.HCM điều trị. Tại BV Nhi Đồng thành phố, bệnh nhi rơi vào hôn mê, suy đa cơ quan, viêm phổi.
Y bác sĩ BV Nhi Đồng thành phố vui mừng khi cứu sống được em V.G.B. |
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 chia sẻ về trường hợp của em L. |
Sau gần 1 tuần lọc máu, chăm sóc tích cực, điều trị kháng sinh thích hợp, cho bé thở máy, nuôi ăn qua tĩnh mạch, ...phổi cháu V.G.B sáng dần. Sang tuần tiếp theo, các chỉ số huyết áp, khí máu và nội môi của bệnh nhi trở lại bình thường, cho phép ngưng lọc máu, những ngày tiếp theo, cháu tiếp tục được cai máy thở.
Niềm vui của các bác sĩ ở đây còn được nhân đôi khi biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình em V.G.B, các Mạnh thường quân đã ủng hộ với số tiền trên 150 triệu đóng chi phí chạy máy lọc máu Ecmo cứu tính mạng em.
Ngày 29-3, em vừa được chuyển về khoa Tim Mạch để theo dõi vài ngày và sẽ được xuất viện.
Bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, ngày 23-3, BV cũng phẫu thuật thành công tạo hình dạ dày cho em Đ.K.L, 16 tuổi, ngụ Bạc Liêu bị hỏng toàn bộ dạ dày do uống nhầm hóa chất (chất xúc tác làm composit chuyên dùng cho tàu, thuyền), có tính oxy hóa cực mạnh, chưa từng được ghi nhận trong y văn.
Bệnh nhân này cách đây 6 tháng, do quá khát nước nên khi nhìn thấy chai nước màu trắng, không mùi, em tưởng chai nước lọc nên đã uống 1 ngụm, ngay sau đó em cảm thấy cổ họng và ngực nóng rát. Em L. được đưa đến BV tại Cà Mau để điều trị nhưng không khỏi. Suốt 6 tháng, em L. luôn trong tình trạng ăn vào, ói ra, sụt 12 kg, cân nặng chỉ còn 28kg.
Tại BV Nhi Đồng 1, em L. được chẩn đoán bị bỏng thực quản, dạ dày bị teo và xơ cứng, không ăn được mà chỉ uống. Các bác sĩ đã tạm thời đặt ống truyền dưỡng cho em L. Tuy nhiên, vài ngày sau em L. cũng không uống được nước. Dạ dày của em L. ngày càng teo nhỏ và gần như không còn nữa, phần thực quản nối vào dạ dày bị bít lại, không có lối cho thức ăn vào. Do đó, các bác sĩ đã tạo hình dạ dày cho em L. bằng chính ruột non của em và nới rộng dạ dày cho em (đường kính dạ dày tăng gấp 5 lần so với ban đầu).
Sau phẫu thuật, sức khỏe em L. đã ổn định, em ăn uống được qua đường miệng, uống sữa không còn nghẹn, ăn được cháo loãng, ngày 27-3 vừa qua em đã được xuất viện.
Qua 2 ca này, theo các BS, các bậc cha mẹ, khi để hóa chất trong chai, lọ nên có nhãn mác và tránh xa tầm với nhất là với trẻ nhỏ, đồng thời không để lẫn vào đồ uống khác, nhất là trong dịp nắng nóng cao điểm như đang diễn ra tại khu vực phía Nam.
Tác giả: Huyền Nga
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân