Giáo dục

Cựu Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng Lê Vinh Danh nói gì về thông tin "nhận lương hơn 500 triệu/ tháng"?

Ông Lê Vinh Danh cho biết, thời điểm dịch bệnh bùng phát, ông chỉ nhận 40% thu nhập và được trả bổ sung 60% còn lại vào các tháng 6, 7 và 8. Đây là nguyên nhân khiến con số tổng thu nhập ông nhận (trước thuế) lên tới hơn 500 triệu đồng.

Ông Lê Vinh Danh bị cách chức hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng vào chiều 23/10. Ảnh: TDTU.

Chiều 27/10, trao đổi trên VnExpress, ông Lê Vinh Danh, cựu Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, trung bình mỗi tháng nhận 407 triệu đồng. Sau khi đóng thuế và các khoản khác theo quy định, ông thực lãnh 286 triệu. Hồi đầu năm dịch bệnh bùng phát, Đại học Tôn Đức Thắng gặp khó khăn tài chính. Nhiều cán bộ tự nguyện nhận lương ít hơn trong tháng 3 và 4, phần còn lại để trường trả chậm. Ông khi đó chỉ nhận 40% thu nhập và được trả bổ sung 60% còn lại vào các tháng 6, 7 và 8. Đây là nguyên nhân khiến con số tổng thu nhập ông nhận (trước thuế) lên tới 556 triệu đồng.

Theo ông Danh, thu nhập mà Đại học Tôn Đức Thắng trả cho giảng viên, viên chức không theo chức danh mà theo vị trí công việc, số đầu việc họ phụ trách, khối lượng công việc và hiệu quả sản phẩm đầu ra. Tất cả các tiêu chí này đều định lượng, rõ ràng.

Do đó, một chức danh nghề nghiệp giống nhau, song khác nhau về số lượng sản phẩm đầu ra thì thu nhập giữa nhiều người rất chêch lệch. Chẳng hạn, cùng là giảng viên nhưng có người thu nhập gấp 4-5 lần người khác, cùng là nghiên cứu viên có thể chênh nhau 10 lần.

Trả lời về việc đại học Tôn Đức Thắng là đơn vị sự nghiệp của cơ quan Nhà nước, cơ chế trả lương phải theo quy định của pháp luật, ông Lê Vinh Danh khẳng định trường bảo đảm cơ sở pháp lý, phù hợp với pháp luật hiện hành và Quyết định 158/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng về phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Đại học Tôn Đức Thắng. Từ khi trường là đại học dân lập đến giai đoạn 2003-2008 chuyển sang đại học bán công vẫn hưởng cơ chế như dân lập. Khi trở thành trường công lập, trường vẫn thu và chi như trường ngoài công lập theo đúng quy định.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trước đó, trao đổi trên Tuổi Trẻ Online, một cán bộ lãnh đạo cấp phòng của Trường ĐH Tôn Đức Thắng khẳng định: "Đến nay, nhà trường chưa có bảng lương nào trả cho ông Lê Vinh Danh mức lương 556 triệu đồng/tháng".

Cụ thể, hàng tháng Trường ĐH Tôn Đức Thắng thanh toán thu nhập cho nhân sự theo ba khoản chính: (1) lương cơ bản (lương theo ngạch, bậc đúng quy định của nhà nước) như của ông Danh có hệ số 6.92 (ngạch giảng viên cao cấp), phụ cấp chức vụ là 1.00 và phụ cấp thâm niên nhà giáo theo quy định; (2) các khoản phụ cấp và thu nhập theo năng lực và (3) phụ cấp thi đua dựa trên quy chế chi tiêu nội bộ.

Tổng cộng 3 khoản này (trong đó, (2) và (3) là mức thu nhập không có tính ổn định hàng năm) của ông Danh là 407 triệu đồng/tháng, nếu trừ thuế và các khoản phải nộp khác theo quy định thì thực nhận của ông Danh còn khoảng 286 triệu đồng/tháng. Đây là khoản thu nhập của nhà trường trả cho ông Danh bao gồm lương và tất cả các khoản phụ cấp (ăn trưa, đi lại, trang phục, thi đua…).

Về nguồn gốc mức lương 556 triệu đồng/tháng, qua rà soát, bộ phận tính lương của trường cho biết trong thời gian dịch bệnh COVID-19, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng bị ảnh hưởng, thanh toán các khoản chi thường xuyên và thanh toán các hạng mục đầu tư xây dựng cơ bản là bài toán sống còn.

Trước tình hình này, giảng viên, viên chức đã tự nguyện nhận lương ít hơn trong các tháng 3 và 4-2020, phần còn lại cho phép nhà trường chậm trả. Đây như là một hành động chia sẻ khó khăn với nhà trường. Có người tự nguyện cho nhà trường chậm trả 50%, 60%, thậm chí là 100% thu nhập…

"Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, tình hình tài chính của nhà trường dần quay về bình thường, nhà trường trả lại khoản thu nhập đó cho giảng viên viên chức. Do số tiền mà cán bộ tự nguyện cho trường chậm trả trong tháng 3, 4/2020 khá nhiều, nên không thể thanh toán một lần, mà tiến hành trả bổ sung trong ba tháng 6, 7 và 8/2020.

Trong 3 tháng này, ngoài mức thu nhập bình thường của giảng viên viên chức thì họ còn được nhận lại một phần thu nhập của tháng 3 và 4/2020. Ông Lê Vinh Danh đã tự nguyện cho nhà trường chậm trả 60% thu nhập, tháng 3 và 4/2020 ông chỉ nhận 40% thu nhập của một tháng bình thường.

Như vậy, trong tháng 8/2020 ông sẽ được nhận thu nhập của tháng này và một khoản thu nhập của tháng 3 và 4/2020. Đến đây có thể thấy được "xuất thân" chính xác của con số 556 triệu đồng/tháng của hiệu trưởng, cũng như con số hơn 200 triệu đồng của trợ lý hiệu trưởng mà báo chí có đề cập" - một cán bộ nhà trường lý giải.

Cũng trao đổi trên Dân trí, một cán bộ nhà trường cho hay, Trường Đại học Tôn Đức Thắng quyết định thu nhập tăng thêm của người lao động (ở đây gọi chung là GVVC), từ nguồn chênh lệch thu lớn hơn chi theo quy chế chi tiêu nội bộ (được Hội nghị GVVC hàng năm nhất trí và Hội đồng trường thông qua theo điểm c, khoản 3, mục II, Điều 1 của Quyết định số 158/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) để đảm bảo đủ nhân lực có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu có chất lượng của Nhà trường.

Công tác này đã trở thành một thông lệ được duy trì nhiều năm qua, nhằm cải thiện đời sống của GVVC, khuyến khích tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc.

Được biết, trường ĐH Tôn Đức Thắng thành lập Hội đồng tiền lương gồm các lãnh đạo có nhiều chuyên môn và kinh nghiệm như: Ban giám hiệu, Đại diện Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng phòng Tài chính, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Trưởng các đơn vị trực thuộc.

Hội đồng tiền lương có trách nhiệm tham mưu, nghiên cứu và đề ra các giải pháp nhằm ổn định và phát triển chính sách tiền lương sao cho công bằng và hiệu quả.

Trước đó, theo Tri thức trực tuyến, ngày 23/10, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công bố các quyết định về công tác cán bộ của ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM, trong đó có việc cách chức ông Lê Vinh Danh.

Tại hội nghị, ông Vũ Minh Đức, Trưởng ban Tổ chức Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công bố quyết định cách chức hiệu trưởng đối với ông Lê Vinh Danh.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin ông Lê Vinh Danh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng đã có nhiều vi phạm công tác Đảng và công tác quản lý tài chính, hành chính.

Về mặt Đảng, ông Danh ban hành quy chế làm việc của Đảng ủy không đầy đủ, thẩm quyền của Ban Thường vụ vượt quá quy định, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Đảng ủy, dẫn đến Đảng ủy có những vi phạm.

Trong công tác quản lý hành chính, ông Danh có nhiều vi phạm, như duyệt chi hơn 14 tỷ đồng không đúng quy định, sử dụng hơn 10 tỷ đồng tiền lãi từ nguồn cho vay của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trích lập các quỹ không đúng mục đích vay, không phản ánh đầy đủ thông tin trên sổ sách kế toán. Ông Danh còn chỉ đạo mua sắm tài sản gây thiệt hại cho trường 29 tỷ đồng.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Lê Vinh Danh đã ban hành hướng dẫn về quy trình đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, thanh lý tài sản của trường không đúng quy định pháp luật về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.

Việc thực hiện thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, đấu thầu, chỉ định thầu, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng không đảm bảo quy hoạch, thầm quyền, thủ tục theo quy định.

Đặc biệt, việc chi trả lương, thu nhập cán bộ, giảng viên, nhân viên của ĐH Tôn Đức Thắng chưa đảm bảo công khai, minh bạch, có chênh lệch lớn trong phân phối thu nhập giữa hiệu trưởng, trợ lý hiệu trưởng với các phó hiệu trưởng và phần lớn cán bộ, giảng viên, nhân viên.

Lương bình quân tháng 9/2020 của nhà trường đối với viên chức giảng dạy là hơn 23,7 triệu đồng, lương bình quân của viên chức hành chính là hơn 22,5 triệu đồng. Còn lương bình quân của lao động giản đơn là hơn 13,4 triệu đồng.

Trong khi đó, lương tháng 9 của của ông Lê Vinh Danh là hơn 556 triệu đồng, trợ lý hiệu trưởng là hơn 255 triệu đồng, còn lương của người được giao phụ trách trường là hơn 72,7 triệu đồng.

Tác giả: Cự Giải (T/h)

Nguồn tin: doisongphapluat.com

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP