TTXVN đưa tin, chiều 4/1, khi trả lời HĐXX về cáo trạng đã giúp Vũ “nhôm” thâu tóm 22 nhà đất công sản, 7 dự án bất động sản, gây thiệt hại hơn 22.000 tỉ đồng, bị buộc tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", bị cáo Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, khẳng định mình đã làm đúng quy định pháp luật.
Bị cáo Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, giai đoạn 2006 - 2011) trả lời các câu hỏi của Luật sư bào chữa. Ảnh: TTXVN |
Tại tòa, bị cáo Minh khẳng định cáo trạng truy tố ông có phần chưa chính xác. Nội dung hỏi và trả lời của bị cáo này tập trung vào các vấn đề giảm 10% tiền sử dụng đất khi nộp 1 lần và chuyển đổi tên khi hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách.
Cụ thể, theo Thanh niên, về một số dự án Vũ “nhôm” được giảm 10% tiền sử dụng đất nộp 1 lần là do UBND TP.Đà Nẵng căn cứ vào Nghị định 38 của Chính phủ, khi người mua đất nộp tiền sử dụng đất 1 lần được giảm 20%, nhưng Thường vụ Thành ủy nghiên cứu áp dụng chỉ giảm 10% để có lợi cho ngân sách.
Chủ trương này có từ thời ông Nguyễn Bá Thanh làm Bí thư Thành ủy, ông Hoàng Tuấn Anh làm Chủ tịch UBND, khi bị cáo Minh lên làm Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng chỉ kế thừa thực hiện. Tuy nhiên, giám định viên tư pháp Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều căn cứ để khẳng định những chỉ đạo này vi phạm pháp luật.
Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa nêu rõ, Nghị định 38 hướng dẫn thực hiện theo Luật Đất đai năm 1993, trong khi toàn bộ 22 nhà đất công sản mà Viện Kiểm sát truy tố ở vụ án này được xác định sai phạm tính từ 2004 đến năm 2014, được áp dụng theo quy định của Luật Đất đai năm 2003. Mặt khác, Nghị định 38 đã được thay thế bằng Nghị định 198 năm 2004. Theo quy định của Nghị định 198 thì những người mua tài sản nhà nước không qua đấu giá thì không được giảm tiền sử dụng đất.
Trong vụ án này, bị cáo Trần Văn Minh đã ký ban hành Quyết định số 8712 ngày 1/11/2007 có quy định: “Đối với nhà đất thuộc sở hữu nhà nước hiện do các tổ chức, cá nhân đang thuê ở, khi được UBND thành phố phê duyệt quyết định bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất theo diện công sản, nếu nộp tiền 1 lần trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký quyết định bán thì được giảm 10% tiền sử dụng đất (không giảm tiền nhà)”. Theo giám định viên tư pháp của Bộ Xây dựng, nội dung này là trái với Nghị định 61.
Tương tự ý kiến của Viện Kiểm sát, giám định viên Bộ Xây dựng cho biết: Nghị định 38 năm 2000 của Chính phủ quy định về thu tiền sử đụng đất, hết hiệu lực từ tháng 10/2004. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định 198 thay thế Nghị định 38, quy định về thu tiền sử dụng đất, trong đó không quy định về miễn giảm tiền sử dụng đất như trường hợp mua bán nhà đất mà thành phố Đà Nẵng đã áp dụng.
Giám định viên Bộ Xây dựng cũng đã trích dẫn nội dung Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 21/10/2008 sửa đổi bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg (ban hành ngày 19/1/2007) của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 140 quy định về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đã quy định về 3 trường hợp được bán chỉ định, gồm: Hết thời hạn thông báo đấu giá, mà chỉ có 1 tổ chức, cá nhân đăng ký; Trong trường hợp xã hội hóa, vì mục đích giáo dục, y tế, thể dục thể thao…; Tổ chức, cá nhân đang thuê của cơ quan quản lý nhà nhà nước, nhưng nhà đất đó phải phù hợp với quy hoạch được duyệt và theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước của các công ty có chức năng cho thuê nhà đất đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.
Cụ thể trong vụ án này, giám định viên kết luận: Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng chưa phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất mà đã bán chỉ định cho tổ chức, cá nhân đang thuê là trái với quy định của Quyết định 140/2008/QĐ-TTg.
Về dự án công viên An Đồn, bị cáo Minh khẳng định, chuyển nhượng khu đất này cho công ty của Vũ “nhôm” không qua đấu giá cũng đúng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, chủ tọa truy vấn “quy định ở đâu?”, bị cáo Minh nói công ty của Vũ “nhôm” là công ty bình phong của Bộ Công an, hoạt động được quy định theo chỉ thị của Thủ tướng. Khi đó Bộ Công an có công văn đề nghị địa phương tạo điều kiện cho công ty của Vũ “nhôm” được mua để phục vụ hoạt động ngành, báo Thanh Niên thông tin.
“Công văn của Bộ Công an có phải là quyết định bắt buộc chuyển nhượng không?”, chủ tọa hỏi tiếp. Đáp lại, bị cáo Minh vẫn khẳng định công văn của Bộ Công an là “quyết định bắt buộc phải thực hiện”.
Ngày 5/1, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo.
Tác giả: Minh Khôi (T/h)
Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật