Giới trẻ

Cuộc sống ít người biết của những nàng "Tây Thi bán trầu" nóng bỏng trên đường phố Đài Loan

Khoác lên mình những bộ trang phụ kiệm vải rồi đon đả chào mời những vị khách nam giới, việc này khiến cho nhiều cô gái trẻ được mệnh danh là "Tây Thi bán trầu" ở Đài Loan bị nhầm tưởng là gái mại dâm.

"Tây Thi bán trầu" là cụm từ dùng để chỉ những cô gái trẻ ăn mặc hở hang đứng bán trầu cau trên đường phố Đài Loan, Trung Quốc. Đây là một ngành nghề đặc biệt tại hòn đảo mà người dân ăn trầu thường xuyên như ăn kẹo cao su.


Cũng giống như ở nhiều quốc gia châu Á khác, người Đài Loan rất thích ăn trầu cau, đến nỗi biến cau trở thành mặt hàng nông sản được tiêu thụ nhiều thứ 2 chỉ sau gạo. Người dân xứ Đài thường dùng cau cắt miếng trộn với vôi từ vỏ sò rồi bọc trong lá trầu. Điều khiến cho trầu cau Đài Loan trở nên "độc nhất vô nhị" chính là vì những cô gái bán hàng ăn mặc hở hang được mệnh danh là "Tây Thi bán trầu".

Người ta ví von một quả cau nhai sống có tác dụng ngang ngửa với 6 cốc cà phê, vì vậy, trầu cau được cánh lái xe đường dài ở Đài Loan hết sức ưa chuộng để duy trì sự tỉnh táo. Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng, hàng loạt những quầy bán trầu cau đã mọc lên như nấm ở dọc các tuyến quốc lộ và tạo thành một biểu tượng độc đáo của ngành du lịch xứ Đài.


Thường thì chỉ cần 1 buồng kính lớn hơn bốt điện thoại, gắn đèn neon đủ màu xanh đỏ, 1 chiếc tủ lạnh, 1 bộ bàn ghế và 1 cô bán hàng ăn mặc bắt mắt, người ta đã có thể thành lập 1 cửa hàng bán cau chuyên nghiệp. Trong các quầy hàng này, ngoài trầu cau têm sẵn còn có thêm 1 số mặt hàng được cánh lái xe ưa chuộng như thuốc lá, cà phê và kẹo cao su...

Đa phần các nàng "Tây Thi bán trầu" đều xuất thân từ những vùng quê nghèo, gia đình không mấy khá giả, không được học hành đến nơi đến chốn nên không có nhiều cơ hội chen chân vào các ngành nghề công sở. Tuy nhiên, mức thu nhập của họ không hề thấp, thậm chí còn có phần nhỉnh hơn một nhân viên văn phòng chính thống. Trung bình, mỗi cô gái bán trầu kiếm được khoảng 40.000 Đài tệ (tương đương 28 triệu đồng)/tháng, trong khi một cô nhân viên văn phòng có mức thu nhập khoảng 26.000 Đài tệ (tương đương 18 triệu đồng)/tháng.


Nhằm thu hút khách mua cau, các cô gái bán trầu thường ăn mặc rất kiệm vải, bất kể mùa đông hay mùa hè, điều này khiến cho nhiều người lầm tưởng họ là gái mại dâm. Thế nhưng, sự thật là họ chỉ bán trầu cau chứ không bán thân. Những cô gái này chỉ quan tâm suy nghĩ xem làm sao để thu hút nhiều khách đến mua hàng hơn và hầu hết đều nói không với các dịch vụ tình dục. Nhiệm vụ của họ là bổ cau, têm trầu, đặt chúng vào túi nilon rồi đon đả chào mời khách hàng, đôi khi họ còn tận tình giải thích cho những người hiếu kỳ về quy trình làm việc của mình.

Bởi đặc thù công việc phải ăn mặc mát mẻ để thu hút khách hàng, nên các cô gái này có nhiều nguy cơ gặp tai nạn trong lúc làm việc. Đã có không ít trường hợp các nàng "Tây Thi bán trầu" bị khách hàng hành hung, quấy rối hoặc trêu ghẹo... Vì vậy, tại một số lồng kính bán trầu cau, người ta còn lắp đặt camera để bảo vệ các cô gái khỏi những vị khách có hành vi không đứng đắn.


Nghề bán trầu gợi cảm xuất hiện vào những năm 1960, khi các cô gái xinh đẹp bán được nhiều cau hơn hẳn đồng nghiệp của mình nhờ việc ăn mặc thiếu vải. Ý tưởng này nhanh chóng lan rộng và nở rộ vào những năm 1990. Thậm chí, người ta ước tính vào những năm cuối thế kỷ 20, gần 70% số tiệm bán trầu dọc các đường quốc lộ đều đã chuyển sang hình thức dùng mỹ nhân bán hàng để thu hút khách.

Trước đây, các nàng "Tây Thi bán trầu" có thể ăn mặc tự do thoải mái theo ý thích. Thế nhưng, những bộ trang phục hở hang không phù hợp với thuần phong mỹ tục của họ đã gây ra nhiều tranh cãi. Bên cạnh đó, những bộ trang phục mát mẻ cũng khiến cho cánh tài xế mất tập trung, dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Chính vì vậy, vào năm 2007, các nhà chức trách Đài Loan đã ban hành quy định bắt buộc về trang phục dành cho các mỹ nhân bán trầu, trong đó yêu cầu những cô gái này phải sử dụng trang phục kín đáo hơn với phần ngực, bụng và mông phải được che chắn cẩn thận. Tất nhiên, quy định khắt khe này đã khiến cho doanh số bán hàng của những nàng "Tây Thi bán trầu" giảm đi đáng kể.


Bên cạnh đó, việc ăn nhiều trầu cau sẽ gây ra những ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe. Theo thống kê, mỗi năm tại Đài Loan có khoảng 5.400 trường hợp được chẩn đoán bị mắc các chứng bệnh hoặc triệu chứng tiền ung thư vòm họng, trong đó có tới 80-90% là những người có thói quen ăn trầu cau. Vì vậy, chính quyền Đài Loan đã sử dụng nhiều biện pháp nhằm kìm hãm ngành kinh doanh trầu cau, đồng thời khuyến khích người dân trồng trọt các loại cây hoa màu khác ngoài cau.

Mặc dù "ngành công nghiệp trầu cau" đang có xu hướng đi xuống, nhưng khi cánh tài xế vẫn còn nhu cầu ăn trầu, thì các cô nàng "Tây Thi" vẫn cứ phải đon đả chào mời khách hàng trong những bộ trang phục quyến rũ, bắt mắt. Ngày nay, những chiếc bốt bán cau vẫn được mở ra trên khắp các tuyến phố lớn ở Đài Loan, chủ yếu để phục vụ cánh tài xế và khách du lịch, trong đó nổi tiếng nhất là con phố bán trầu cau Hoàn Trung, Trung Đàm.

Đối tượng khách hàng chủ yếu của họ là cánh tài xế lái xe đường dài.

Những cô gái ăn mặc vô cùng bắt mắt để thu hút khách hàng.

Những bốt bán trầu cau mọc lên như nấm ở Đài Loan.

Các nàng "Tây Thi bán trầu" có thể gặp nhiều nguy hiểm từ những vị khách hàng nam.

Đây đã trở thành một "ngành nghề" đặc biệt dành cho các cô gái trẻ ở Đài Loan.

Tác giả bài viết: Đình Đình

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP