Thế giới

Cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Triều và thông điệp gửi tới Mỹ ​

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp thượng đỉnh vào trưa 25/4 vừa qua với ý định cho thấy rằng Washington không phải là cường quốc duy nhất đủ ảnh hưởng để tham gia vào các chương trình hạt nhân với Bình Nhưỡng.

Ông Kim và ông Putin bắt tay nhau trước khi bước vào phiên họp " mặt đối mặt". Ảnh: Reuter.

Hai nhà lãnh đạo Nga – Triều đã có cuộc hội đàm “ mặt đối mặt” trên một hòn đảo trên Thái Bình Dương ở thành phố Vladivostok hai tháng sau khi cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.

Phiên họp “ mặt đối mặt” đã diễn ra đầu tiên và kéo dài gân 2 tiếng đồng hồ, gấp đôi so với thời gian dự kiến là 50 phút. Trước khi bước vào phiên họp mở rộng, ông Putin cho biết, ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên đã có các cuộc thảo luận thực chất về các vấn đề, trong đó có các bế tắc hạt nhân.

Ông Putin nói: “ Tất nhiên, chúng tôi đã nói chuyện về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, chúng tôi đã trao đổi quan điểm về việc làm thế nào và chúng tôi có thể làm được gì để có những triển vọng tốt đẹp nhằm cải thiện tình hình”
Ông Putin đã nói như vậy trước khi hai bên bước vào cuộc hội đàm mở rộng với sự tham gia của đại diện mỗi bên.

Ông Kim cho biết, tình hình trên bán đảo Triều Tiên là “một vấn đề mà thế giới rất quan tâm”. Ông Kim cũng cho biết, ông tới Nga để gặp riêng ông Putin và để trao đổi các quan điểm của mình về sự bế tắc hạt nhân.

Ông nói, ông muốn “ thảo luận về các vấn đề ổn định chiến lược và sự quản lý chung tình hình trong tương lai và phát triển các mối quan hệ truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu của thế kỷ mới”.

Với sự đình trệ trong các đàm phán Mỹ-Triều, hội nghị thượng đỉnh tại Vladivostok đã cho Bình Nhưỡng một cơ hội tìm kiếm sự ủng hộ mới từ đối tác Nga và có thể nới lỏng được lệnh trừng phạt làm tổn hại nền kinh tế Triều Tiên.

Đối với Kremlin, hội nghị thượng đỉnh này là một dịp để chứng tỏ Nga là một đối tác ngoại giao toàn cầu mặc cho những nỗ lực của Mỹ và các nước phương Tây vẫn cố gắng cô lập họ.

Các quan chức Nga đã chỉ ra rằng, họ sẽ tiếp tục ủng hộ việc nối lại đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng mà bấy lâu nay đã bị gạt ra bên lề trước sự thúc đẩy ngoại giao Mỹ- Triều.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, việc Moscow cam kết tuân thủ các lệnh trừng phạt quốc tế cho tới khi nào Triều Tiên dỡ bỏ các chương trình hạt nhân thì cuộc gặp thượng đỉnh này khó có thể tạo ra bất kỳ sự giúp đỡ hữu hình nào dành cho Bình Nhưỡng ngoài tình bạn.

Theo các phóng viên có mặt tại hiện trường, ông Putin là người cực kỳ đúng giờ. Mặc dù ông có một danh sách dài các cuộc họp với các nhà lãnh đạo thế giới đang chờ, nhưng nhà lãnh đạo Nga đã tới địa điểm họp sớm khoảng 30 phút trước khi ông Kim xuất hiện.

Trước khi hai nhà lãnh đạo bước vào cuộc họp “ mặt đối mặt”, ông Putin và ông Kim đã tươi cười bắt tay nhau bên ngoài địa điểm họp, khuôn viên của trường đại học. Họ đứng bên nhau trò chuyện với sự hỗ trợ của hai phiên dịch, rồi sau đó bước lên tầng trên để bắt đầu cuộc hội đàm.

Cuộc họp thượng đỉnh gần đây nhất của ông Putin với Triều Tiên cách đây 17 năm. Đó là vào năm 2002 khi ông gặp người đồng cấp Triều Tiên Kim Jong Il, cha của ông Kim Jong Un. Còn cuộc gặp gần đây nhất của nhà lãnh đạo Triều Tiên với Nga cách đây 8 năm. Đó là năm 2011 khi ông Kim Jong Il gặp ông Dmitry Medvedev khi đó là tổng thống.

Hội nghị thượng đỉnh Nga Triều lần này diễn ra tại đại học Liên bang Viễn Đông, nơi đã từng tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) 2012.

Được biết, các lớp học vẫn diễn ra bình thường, các sinh viên vẫn đi lại cách tòa nhà diễn ra cuộc họp thượng đỉnh vài mét. Các thành viên trong đội ngũ an ninh của tổng thống Nga được cài cắm khắp sân trường.

Dự kiến, cuối ngày hôm nay, ông Kim và ông Putin sẽ cùng nhau thưởng thức một buổi hòa nhạc và một dàn nhạc đang diễn tập để chuẩn bị cho buổi diễn chính thức tối nay.

Tác giả: HÀ THU

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP