Trong nước

'Cung điện công chúa' 9.000 m2 trên đất lâm nghiệp: Ba Vì họp khẩn

Chiều qua, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì chủ trì cuộc họp với các phòng ban: Tài nguyên Môi trường, Thanh tra, Quản lý Đô thị, Công an… để lên kế hoạch xử lý vụ việc sai phạm như VietNamNet phản ánh.

Kiên quyết cưỡng chế

Trao đổi với VietNamNet, ông Bạch Công Tiến, Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Kiên quyết xử lý, yêu cầu dỡ bỏ công trình xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp.

"Cung điện công chúa" xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp

“Chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư - ông Lê Viết Long tự tháo dỡ công trình sai phạm để không ảnh hưởng tới an ninh trật tự. Trường hợp chủ đầu tư không tháo dỡ, chính quyền sẽ tổ chức cưỡng chế theo pháp luật” - ông Tiến cho hay.

Theo Chủ tịch huyện Ba Vì, thời gian xây dựng công trình trái phép được bắt đầu từ khoảng tháng 10/2017. UBND xã Yên Bài đã có báo cáo lên huyện sự việc, đã lập biên bản xử lý, xử phạt hành chính do vi phạm trật tự xây dựng, mời chủ đầu tư lên làm việc… nhưng ông Long không hợp tác.

“Công trình xây dựng sai phạm gắn với yếu tố tâm linh, được cho là điện thờ thánh thần, việc xử lý cần được tiến hành thận trọng, căn cứ trên quy định pháp luật. Song song xử lý công trình sai phạm, việc quan trọng khác là vận động, tuyên truyền người dân để họ nắm được chủ trương, đường lối, không bị lôi kéo vào các hoạt động tụ tập đông người, mê tín dị đoan” - ông Bạch Công Tiến cho hay.

Theo đó, UBND huyện Ba Vì đã chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành gồm: Tài nguyên Môi trường, Thanh tra, quản lý đô thị, Thanh tra xây dựng, Công an huyện phối hợp với chính quyền xã Yên Bài để nắm bắt, lập hồ sơ vụ việc.

Tổ công tác cử lực lượng giám sát tại công trường xây dựng (đội 5, xã Yên Bài), đình chỉ mọi hoạt động xây dựng liên quan.

Công trình sai phạm nhìn từ bên kia hồ thủy lợi độ 5, xã Yên Bài

Tổ công tác đã xác minh nhân thân của những người đưa ra thông tin "công chúa giáng trần" để từ đó lập điện thờ cúng, tập trung đông người. Sự việc cũng đã được báo cáo lên UBND TP Hà Nội.

Thời gian tự tháo dỡ của chủ xây dựng sai phạm từ hôm nay đến ngày mai. Sau thời hạn trên, chính quyền sẽ cưỡng chế theo đúng quy định pháp luật.

Xây đêm, dựng ngày

Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Ba Vì Nguyễn Văn Trường khẳng định với VietNamNet: Nguồn gốc đất xây dựng công trình sai phạm là đất thuộc nông trường Việt Mông. Sau khi nông trường giải thể, đất đã được đã bàn giao trao trả để huyện Ba Vì quản lý.

Chủ tịch huyện Ba Vì khẳng định, sẽ xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân

Những vấn đề liên quan tới giấy tờ, sổ sách… đã được hoàn tất, công tác đo đạc, bàn giao mốc lộ giới đang được tiến hành.

“Công trình nói trên có tổng diện tích 9.700m2, trong đó diện tích xây dựng nhà 3 gian kiên cố là hơn 100m2; có tường bao, sân bê-tông, cổng chào… Đây không thể nói là công trình nhà tạm để có thể lách luật được” - ông Trường nói.

Về việc vì sao công trình xây dựng sắp hoàn thành mới được phát hiện, ông Trường cho hay: Việc xây dựng tường móng, hàng rào… được thi công ban đêm, phần khung nhà gỗ được làm ở khu vực khác rồi đem tới đây lắp ghép, do đó tốc độ thi công tương đối nhanh.

“Chúng tôi đã cử cán bộ kiểm tra, xác minh nguồn gốc đất; mời cơ quan chuyên môn độc lập thẩm định kiến trúc, kết cấu của công trình”.

Chủ tịch huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cũng khẳng định, sẽ xử lý tách bạch các sai phạm cụ thể: yêu cầu di dời công trình vi phạm trật tự xây dựng; vận động, tuyên truyền để người dân không tham gia tụ tập đông người, mê tín dị đoan…

“Để vi phạm kéo dài do trách nhiệm cấp xã không quyết liệt vào cuộc xử lý dứt điểm, dù huyện đã có chỉ đạo. Trách nhiệm của tập thể, cá nhân… sẽ được chúng tôi xem xét sau khi xử lý xong công trình sai phạm” - Chủ tịch huyện Ba Vì khẳng định.

Tác giả: Thái Bình

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: Công trình sai phép , Ba Vì

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP