|
Sáng 30/6, chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Trần Hướng Dương - Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) cho hay: "Chúng tôi đã nắm được thông tin việc Khánh Ly hát ca khúc Gia tài của mẹ chưa xin phép, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đang xử lý vụ việc, khi nào Sở này làm việc xong với BTC họ sẽ thông báo với Cục. Quan điểm của chúng tôi là sai đâu xử đấy, phải xử nghiêm nếu có vi phạm".
Ngày 29/6, đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng xác nhận, đơn vị đã làm việc với ban tổ chức đêm nhạc Dấu chân địa đàng của danh ca Khánh Ly diễn ra hôm 25/6 tại Sân khấu Mây Lang Thang, thuộc thôn Măng Lin, TP.Đà Lạt. Theo danh sách cấp phép có 24 ca khúc trong đêm nhạc nhưng Khánh Ly hát ca khúc Gia tài của mẹ không có trong danh mục được cấp phép.
Theo Sở này, ca khúc không nằm trong danh sách 24 bài hát đã được đơn vị này duyệt để biểu diễn trong chương trình. "Đơn vị tổ chức đã nhận sai sót. Chúng tôi đang tiếp tục đề nghị đơn vị này giải trình, sau đó sẽ xử lý theo quy định", người đại diện cơ quan chức năng cho biết.
Ca sĩ Khánh Ly biểu diễn trong đêm live concert Dấu chân địa đàng, nằm trong chuỗi show "Như một lời chia tay" tại Đà Lạt, ngày 25/6. |
Chương trình diễn ra vào tối 25/6, tại sân khấu Mây - In the Nest, phường 7, Đà Lạt, thu hút khoảng 1.000 khán giả. Ngoài hát nhiều khúc tình ca của Trịnh Công Sơn, Khánh Ly còn thể hiện một số nhạc phẩm trong tập Ca khúc Da Vàng của nhạc sĩ.
Sau show, một số khán giả lên tiếng chỉ trích vì Khánh Ly thể hiện Gia tài của mẹ - vốn là bài hát chưa từng được cơ quan chức năng cấp phép biểu diễn trong nước. Trước phản ứng của dư luận, người biên tập live concert Khánh Ly - ca sĩ Quang Thành - cho biết, ở những show tiếp theo, bà không tiếp tục hát bài này.
Tập Ca khúc Da Vàng được Trịnh Công Sơn ra mắt khoảng năm 1967, là những sáng tác tiêu biểu cho dòng nhạc phản chiến của ông. Năm 2013, lần đầu tiên sau năm 1975, có tám ca khúc trong tuyển tập này được cấp phép hát trở lại gồm: Cánh đồng hòa bình, Đồng dao hòa bình, Người mẹ Ô Lý, Nước mắt cho quê hương, Đôi mắt nào mở ra, Dựng lại người, dựng lại nhà, Ta thấy gì đêm nay, Chờ nhìn quê hương sáng chói. Phần nhiều trong số đó là bài hát về quê hương, thân phận con người trong chiến tranh.
Năm 2020, Chính phủ bỏ quy định cấp phép tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 ở miền Nam và sáng tác của người Việt ở nước ngoài. Thời điểm đó, ông Trần Hướng Dương cho biết: "Với những quy định mới, chúng tôi sẽ chuyển từ tiền kiểm (kiểm tra trước sự kiện) sang hậu kiểm (kiểm tra sau sự kiện) là chủ yếu. Nhưng việc hậu kiểm cũng không nhằm bắt lỗi mà để tạo điều kiện cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Tất nhiên những đơn vị, cá nhân vi phạm vào các điều cấm sẽ bị xử lý nghiêm".
Tác giả: Đinh Lạc Thành
Nguồn tin: nguoiduatin.vn