Nghị định số 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8 yêu cầu cơ sở sản xuất, chiết nạp, phân phối, bán lẻ gas, mỗi khâu đều phải thực hiện sổ theo dõi ghi chép, loại bình, số xê-ri, hạn kiểm định, tên khách hàng, địa chỉ, ngày giao nhận... Ghi chép này không chỉ ghi khi bán hàng mà phải thực hiện khi thu hồi vỏ bình về.
Bên cạnh đó, cửa hàng bán lẻ khi giao gas tận nhà còn phải cung cấp tài liệu hướng dẫn sử dụng (kể cả hướng dẫn trực tiếp về an toàn sử dụng gas) cho chủ nhà, biên nhận giao gas và phải có chữ ký xác nhận của chủ nhà.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho rằng tuy quy định này có "cực" cho các doanh nghiệp lẫn những cơ sở kinh doanh gas nhỏ nhưng nó mang lại hiệu quả cao cho gia đình cũng như xã hội. Vì khi xảy ra sự cố, cơ quan chức năng sẽ dễ dàng truy xuất được nguồn gốc của bình gas đó. Đồng thời, giải quyết được luôn cả nạn gas giả, gas kém chất lượng hoành hành trên thị trường thời gian qua.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, đại lý và cửa hàng kinh doanh gas có mặt tại hội nghị "Phổ biến văn bản pháp luật Nghị định số 87/2018/NĐ-CP" do Sở Công Thương TP HCM tổ chức ngày 27-7, lại than phiền quy định này bất khả thi, không thể nào làm nổi.
Các cơ sở kinh doanh gas đều kêu khó với quy định ghi chép đầy đủ thông tin về vỏ bình gas. Ảnh: TẤN THẠNH |
Bà Đinh Ngọc Thiên Nga, đại diện Công ty Petro Anpha, cho rằng việc thương nhân xuất nhập khẩu, kinh doanh phải lập sổ theo dõi sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp vì lượng gas tiêu thụ hằng ngày lên tới cả ngàn bình. Việc quay vòng vỏ chai gas sẽ không thu hồi vỏ theo số thứ tự xê-ri được. Doanh nghiệp tăng lượng nhân sự lên gấp đôi, gấp ba lần chưa chắc xử lý xuể. Do đó, bà Nga đề nghị quy định về lập sổ ghi chép hoặc lập phần mềm (quản lý) cũng cần có thời gian chỉnh sửa không thể áp dụng ngay được.
Các chủ cửa hàng gas cũng tỏ ra lo lắng với nghị định mới vì nếu vỏ bình gas có "vấn đề" thì họ bị lãnh đủ. Cụ thể, nếu cơ quan chức năng phát hiện cửa hàng gas chứa vỏ bình gas không có trong hợp đồng sẽ bị thu hồi giấy phép ngay. Nhưng cái khó là khi giao gas đến nhà nào đó cửa hàng phải thu vỏ bình gas của chủ nhà. Trong khi vỏ bình gas này trước đó chủ nhà đặt mua từ nơi khác, thậm chí đặt mua trôi nổi trên thị trường, cửa hàng không thể nào biết được. Còn nếu không thu lại vỏ bình cũ chủ nhà sẽ không chịu lấy bình gas mới. "Chúng tôi làm sao biết được chất lượng bình, gas như thế nào. Chỉ có trạm bơm, đầu mối mới biết được. Nếu phạt cửa hàng thì oan quá" - bà Lê Thị Xuân Hương, cửa hàng gas ở quận Bình Thạnh, bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Lân, Tổng đại lý Nguyên Khuê (huyện Bình Chánh), ví von: "Vỏ bình gas nó khác con heo, con gà, không thể nào truy xuất nguồn gốc được. Từ nhà sản xuất cho đến người tiêu dùng không theo quy luật nào thì làm sao bảo đảm được bình gas tốt hay xấu? Việc quản lý vỏ bình nếu "đá" lại cho cơ sở kinh doanh gas, chắc chắn chúng tôi sẽ lãnh đủ".
Liên tục bị kiểm tra
Một số cửa hàng gas bức xúc việc cơ quan chức năng kiểm tra cửa hàng của họ quá nhiều, gây khó khăn cho kinh doanh. Mật độ kiểm tra trở nên dày đặc, nhất là cơ quan phòng cháy chữa cháy cứ hai tháng, ba tháng là đến kiểm tra. Thậm chí cơ quan cấp phường cũng đến kiểm tra, cho dù họ không hề nắm được gì về chuyên môn.
Tác giả: NGUYỄN HẢI
Nguồn tin: Báo Người lao động