Kinh tế

Cú sảy chân của cha đẻ thương hiệu sữa IZZI

Gần 12 năm 'tung hoành' trên sàn chứng khoán, Hanoimilk giờ đây đối mặt nguy cơ huỷ niêm yết bắt buộc vì chậm nộp báo cáo tài chính.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa thông báo Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk, mã chứng khoán: HNM) có thể bị huỷ niêm yết bắt buộc theo quy định của Luật Chứng khoán do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán ba năm liên tiếp. Ngay sau thông tin này, cổ phiếu này giảm mạnh hai phiên xuống còn 3.100 đồng, trong khi đó thanh khoản lại tăng đột biến lên 53.000 đơn vị.

Trước đó vào cuối tháng 4/2017, cổ phiếu HNM lần lượt rơi vào diện cảnh báo, kiểm soát và tạm ngừng giao dịch vì lý do tương tự nhưng không có biện pháp khắc phục. Theo ban lãnh đạo Hanoimilk, nguyên nhân khiến công ty trễ hạn là đơn vị kiểm toán bất ngờ bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ tư cách kiểm toán.

Sự việc kéo dài trong nửa năm, đến khi báo cáo tài chính được công bố thì kiểm toán viên lại đưa ra hàng loạt ý kiến loại trừ về tính hiện hữu, đầy đủ và giá trị có thể thu hồi của hàng tồn kho, các khoản tạm ứng của nhân viên nghỉ việc…

Sữa chua IZZI là thương hiệu nổi tiếng nhất của Hanoimilk.

Hanoimilk thành lập năm 2001 và chính thức hoạt động với dây chuyền sản xuất sữa công suất 40 triệu lít mỗi năm. Trong bản cáo bạch niêm yết năm 2006, công ty khẳng định thế mạnh lớn nhất đến từ chiến lược phát triển rõ ràng khi tập trung sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sữa dành cho đối tượng trẻ em từ 3-12 tuổi. Thâm nhập thị trường ngách, nhưng công ty vẫn mạnh dạn đặt kế hoạch doanh thu 900 tỷ đồng trong bốn năm tới trên cơ sở tăng trưởng sản lượng khoảng 30% mỗi năm.

Theo một thống kê chưa chính thức, Hanoimilk có thời điểm chiếm khoảng 28% thị phần sữa nước tiệt trùng cho trẻ em và khoảng 9% thị trường nội địa.

Sau thời gian tập trung cho thương hiệu sữa chua uống tiệt trùng IZZI, Hanoimilk còn tính đến việc đa dạng danh mục sản phẩm để cạnh tranh trực tiếp với những thương hiệu lớn trong và ngoài nước ở dòng sữa bột, sữa đặc có đường và nước ép trái cây. Bên cạnh đó, công ty từng cho biết sẽ tận dụng thành công này để góp vốn liên doanh – liên kết, nhượng quyền hoặc cho thuê thương hiệu.

Tại đại hội cổ đông thường niên cách đây hai năm, Hanoimilk vẫn nuôi tham vọng trở thành một trong ba doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam và là công ty số một về các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em.

Tuy nhiên, hơn 10 năm niêm yết trên sàn chứng khoán lại cho thấy điều ngược lại. Hàng loạt chỉ tiêu như tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận… của Hanoimilk chưa bằng phần lẻ nếu so với những doanh nghiệp đầu ngành như Vinamilk, Nutifood.

Công ty liên tiếp ghi nhận kết quả kinh doanh thụt lùi, thời điểm cao nhất rơi vào năm 2008 cũng chưa đến 350 tỷ đồng doanh thu. Gần đây nhất, theo báo cáo tài chính quý IV/2017, luỹ kế doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ xấp xỉ 162 tỷ đồng, giảm gần 25% so với năm trước. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được cắt giảm đáng kể, nhưng công ty vẫn ghi nhận lỗ sau thuế 371 triệu đồng.

Việc tăng trưởng âm, ban lãnh đạo Hanoimilk cho rằng đến từ một số yếu tố khách quan như người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu lúc kinh tế suy thoái, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sữa ngày càng khốc liệt. Bên cạnh đó, tiềm lực tài chính hạn chế nên hoạt động tiếp thị và quảng bá thương hiệu chưa được đầu tư đúng mức cũng ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp một thời tung hoành thị trường sữa phía Bắc.

Tác giả: Phương Đông

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: sữa IZZI , thương hiệu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP