Cuộc sống

Cụ bà 90 tuổi tối ngủ bạt, ngày làm bánh tằm nuôi 2 con đau ốm

Bà con cho biết nhiều lần mời bà vào nhà trú mưa ngủ qua đêm nhưng bà từ chối. Bà nói được như thế này cũng nhờ lòng tốt của bà con nên bà không dám làm phiền nữa.

Lò bánh tằm nằm ở cuối con hẻm nhỏ 232/21 đường Đoàn Văn Bơ (phường 10, quận 4, TP.HCM). Lò bên cạnh túp lều - nơi bà cụ Nguyễn Thị Trà (90 tuổi) cư trú - đều đặn đỏ lửa mỗi ngày trong suốt 27 năm qua.

Túp lều chỉ là một tấm bạt cột vào vách của một căn nhà che một diện tích nhỏ. Trong túp lều đó, có một tấm phản một phần chứa các vật dụng linh tinh, phần còn lại là nơi nghỉ lưng của bà cụ.

Hàng ngày bà ngồi trên phản, se từng cọng bánh tằm xếp vào khay trước khi cho vào lò hấp. Lò hấp gồm một thùng tôn to và cao đặt trên lò chụm bằng than nằm cách tấm phản chừng một gang tay.

Bà Trà với những mẻ bánh tằm chuẩn bị hấp.


Bà cụ Trà không còn khỏe, đi đứng khó khăn vậy mà vẫn phải cho ra lò mỗi ngày từ 10 kg đến 20 kg bánh tằm để giao cho khách. Bà làm nghề này đã hơn 50 năm nay.

Khách hàng của bà là những gánh hàng rong, những quán bán ven đường. Họ lấy bánh thô của bà về chế biến thành món bánh tằm bì - một món ăn khoái khẩu của người miền Nam.

Bà kể cho chúng tôi nghe về 2 người con của bà, năm nay đều đã ngoài 60. Cả 2 người đều độc thân và mỗi người một chứng bệnh.

Trong túp lều của bà Trà, chị Lan, con gái bà, phụ bà làm bánh.


Người con trai tên Đức mang trong người 2 chứng bệnh, phổi và bao tử. Căn bệnh đã khiến cho anh trở nên gầy gò. Anh sống bằng nghề xe ôm nhưng hiện nay nghề này đang trong cơn khủng hoảng và vì sức khỏe khiến anh không thể đi làm thường xuyên.

Người con gái tên Lan bị huyết áp cao, nhiều lần bị tai biến. Chị chỉ biết bám vào nghề bánh tằm của mẹ. Mỗi ngày, sang sớm chị Lan dậy nhồi bột cho bà bắt bánh và làm những công việc lặt vặt khác. Anh Đức lo nhóm lửa, đổ nước vào thùng đợi sôi cho bánh vào hấp.

Bà cụ Nguyễn Thị Trà


Bà cụ Trà kể lại, ông cụ mất sớm để lại gánh nặng cho bà. Bà vẫn vui vẻ nuôi con nhưng không may cả 2 con đều bị bệnh liên tục. Lơi nhuận từ bánh tằm không đủ để bà chữa bệnh cho con nên bà phải bán đi căn nhà đang ở.

Từ đó, bà trở thành người vô gia cư. Cảm thông cho bà, hàng xóm cùng nhau dựng túp lều này để bà có nơi ngủ nghỉ.

Một người hàng xóm cho biết, cả xóm ai cũng yêu thương gia đình bà. Mọi việc tắm giặt, vệ sinh cá nhân đều được các nhà lân cận cho bà và 2 con dùng nhờ. Riêng chị Lan được một gia đình gần đó cho vào ngủ hàng đêm.

Người hàng xóm này còn cho biết thêm, chính quyền địa phương có đến nhưng bà con ở đây bày tỏ, nếu đưa bà đi nơi khác bánh tằm sẽ mất khách và bà sẽ sống ra sao? Hơn nữa tuổi tác của bà đã cao. Nhờ thế mà bà còn được ở đây cho đến nay.

Chúng tôi nhìn vào túp lều, đồ đạc lỉnh kỉnh. Bà vẫn ngồi yên trên phản. Trước mặt bà. Lò bánh tằm đang nghi ngút khói. Chúng tôi rất ái ngại cho bà vì túp lều này không đủ che mưa nắng. Sài Gòn đang vào mùa mưa, chắc chắn bà không khỏi bị ướt.

Bà con cho biết nhiều lần mời bà vào nhà trú mưa ngủ qua đêm nhưng bà từ chối. Bà nói được như thế này cũng nhờ lòng tốt của bà con nên bà không dám làm phiền nữa.

Chờ khách đến lấy bánh tằm.


Bánh tằm của bà làm theo đặt hàng của khách vì thế có hôm nhiều hôm ít. Lợi nhuận từ vài chục đến hơn 100 nghìn đồng/ngày cũng có thể cho 3 mẹ con đắp đổi qua ngày.

Bà chia sẻ thêm: "Tôi nuôi 2 con từ nhỏ đến giờ, chưa lúc nào ba mẹ con rời nhau. Giờ thì cả 3 đều già nhưng quí là vẫn còn bên nhau. Tôi thương 2 con lắm. Giá như có xảy ra điều gì trong lúc này thì cả ba mẹ con cùng chịu chứ sao?

Có mẹ nào không thương con. Nhưng con đã ngoài 60 vẫn được mẹ già đùm bọc chắc chỉ có bà cụ Trà mà thôi. Một tình mẫu tử quá đỗi thiêng liêng...

Tác giả: Trần Chánh Nghĩa

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP