Quang cảnh thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN) |
Mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, bất ổn do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước chưa được hồi phục, song với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp đồng bộ được triển khai, hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng năm 2023 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có một số tín hiệu phục hồi tích cực.
Nhiều sản phẩm công nghiệp có khối lượng tăng vượt trội
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 ước tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 7 tháng năm 2023, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất, phân phối điện giảm; hoạt động khai khoáng vẫn duy trì đà tăng trưởng cao.
Trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, 7 tháng qua có một số ngành tăng trưởng khá, góp phần thu hẹp mức giảm chung, như sản xuất phương tiện vận tải khác; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất xe có động cơ; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất đồ uống.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số ngành tiếp tục đối mặt với khó khăn trong sản xuất do chịu tác động bởi nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu; mức độ phục hồi sản xuất còn khá chậm do khả năng chống chịu các nguồn vốn vay hạn chế, ảnh hưởng đến mức tăng của IIP chung như sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu trong tháng 7 có mức tăng cao so với tháng trước, như bia các loại; clanhke ximăng; dịch vụ xử lý nước thải; ximăng Portland đen. Những cũng có một số sản phẩm giảm đáng kể so với tháng trước như vỏ bào, dăm gỗ; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại; bêtông trộn sẵn (bêtông tươi)...
Tính chung 7 tháng năm 2023, nhiều sản phẩm công nghiệp có khối lượng tăng vượt trội so với cùng kỳ, như tôm đông lạnh; bộ phận và các phụ tùng của máy tính; bộ dây đánh lửa và bộ dây khác sử dụng cho xe có động cơ; các loại tàu khác...
Nhiều sản phẩm công nghiệp có sản lượng giảm khá sâu so với cùng kỳ như thịt cá đông lạnh; clanhke ximăng; đồchơi hình con vật hoặc sinh vật không phải hình người...
Mặc dù chỉ số IIP so với tháng trước và so với cùng kỳ đều tăng. Tuy nhiên, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tính tháng 7/2023 lần lượt giảm 3,0% và 2,9% so với tháng trước và so với tháng cùng kỳ năm 2022, điều đó minh chứng cho cầu hàng hóa vẫn chưa được khôi phục.
Tính chung 7 tháng năm 2023, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,3% so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ có 10/22 ngành có chỉ số tiêu thụ tăng, một số nhóm ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao như ngành dệt; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất xe có động cơ; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu, còn lại một số nhóm ngành mặc dù đạt chỉ số tăng dương nhưng mức tăng không đáng kể.
70 dự án FDI được cấp mới
Tính đến 15/7, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 39.674 tỷ đồng, giảm 30% số dự án nhưng gấp 5,3 lần tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm so với cùng kỳ năm 2022.
Trong số đó, có 8 dự án nằm ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao với tổng vốn đăng ký 38.508 tỷ đồng và 6 dự án trong khu công nghiệp, khu công nghệ cao với tổng vốn 1.166 tỷ đồng.
Tính riêng trong tháng 7 (từ 16/6-15/7), Đà Nẵng có 2 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 2.917 tỷ đồng và 2 dự án này đều nằm ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tính từ 16/6 đến 15/7, thành phố có 9 dự án FDI được cấp mới, vốn đăng ký 1,4 triệu USD; 1 dự án điều chỉnh vốn, phần vốn tăng thêm 0,09 triệu USD.
Lũy kế từ đầu năm đến 15/7/2023, toàn thành phố có 70 dự án FDI được cấp mới chứng nhận, tăng 45 dự án so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên số vốn đăng ký chỉ đạt 10,7 triệu USD, bằng 15,9% so với cùng kỳ nâm ngoái.
Tính chung 7 tháng, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm, bao gồm cả vốn góp mua cổ phần của khu vực FDI đạt 27,5 triệu USD, chỉ bằng 25,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự sụt giảm khá sâu tổng vốn đầu tư FDI đã phần nào phản ánh chân thực bức tranh kinh tế-xã hội hiện nay toàn cầu đang phải đối mặt.
CPI bình quân 7 tháng tăng 6,24%
Giá xăng dầu, giá điện nước sinh hoạt, giá dịch vụ giao thông công cộng tăng là những yếu tố chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tháng 7 tăng so với tháng 6.
CPI tháng 7 tăng 0,37% so tháng trước, tăng 3,24% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,85% so với tháng 12/2022. CPI bình quân 7 tháng năm nay tăng 6,24% so với bình quân cùng kỳ năm 2022.
(Ảnh minh họa. Trần Việt/TTXVN) |
Nhóm hàng hóa và dịch vụ có mức tăng cao hơn mức tăng chung, đó là nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (15,60%); giáo dục (11,37%); may mặc, mũ nón và giày dép (6,61%).
Nhóm hàng hóa và dịch vụ có mức tăng thấp hơn mức tăng chung, như hàng hóa và dịch vụ khác (6,14%); hàng ăn và dịch vụ ăn uống (5,93%); đồ uống và thuốc lá (5,85%); thiết bị và đồ dùng gia đình (5,31%); văn hóa giải trí và du lịch (3,71%); thuốc và dịch vụ y tế (0,88%).
Trong mức tăng 0,37% của chỉ số giá tiêu dùng so với tháng trước có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng (hàng hóa và dịch vụ khác; văn hóa, giải trí và du lịch; nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; đồ uống và thuốc lá...); 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 2 nhóm hàng có mức giá ổn định.
CPI nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá so với tháng trước do giá xăng dầu được điều chỉnh vào các ngày trong tháng (ngày 3/7, 11/7, 21/7); mức lương cơ bản được điều chỉnh tăng; một số chủ thuê trọ tăng giá theo mặt bằng giá cả chung của thị trường; một số mặt hàng có giá tăng; thời tiết nắng nóng trên diện rộng khiến nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao làm cho giá điện sinh hoạt, nước sinh hoạt tăng./.
Nguồn tin: vietnamplus.vn