Tin địa phương

Công viên 29-3: Quản lý, khai thác thế nào cho hiệu quả?

Công viên 29-3 thuộc sự quản lý của Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng hơn 30 năm qua, nhưng năm 2018 dự kiến giao UBND quận Thanh Khê quản lý. Điều dư luận quan tâm là việc khai thác, quản lý Công viên 29-3 sắp tới như thế nào?

Công viên 29-3 với nhiều cây xanh mát mẻ, thu hút người dân đến đi dạo, tập thể dục (ảnh lớn). Một góc Công viên 29-3 đặt các thiết bị vui chơi, thu hút trẻ em vui chơi mỗi ngày (ảnh nhỏ). Ảnh: NGỌC HÀ

Theo dự thảo Đề án bàn giao Công viên 29-3 cho UBND quận Thanh Khê quản lý, Công ty Công viên - Cây xanh Đà Nẵng phải bàn giao nguyên trạng toàn bộ tài sản hiện có, gồm: hệ thống cây xanh, thiết bị vui chơi, công trình, vật kiến trúc, cơ sở kinh doanh…

Thời gian bàn giao từ đầu tháng 1-2018. Riêng hệ thống trụ sở, nhà làm việc, nhà kho sẽ bàn giao theo lộ trình. UBND quận Thanh Khê tiếp nhận toàn bộ tài sản này và quản lý Nhà nước, tổ chức thực hiện duy tu bảo dưỡng, vận hành khai thác. Trong đó, công việc liên quan đến duy tu bảo dưỡng cây xanh của Công viên 29-3 có thể thực hiện theo hình thức đặt hàng từ Công ty Công viên - Cây xanh bằng nguồn ngân sách Nhà nước do UBND thành phố Đà Nẵng cấp.

Trong dự thảo Đề án tiếp nhận Công viên 29-3 của UBND quận Thanh Khê cũng cho thấy, sau khi tiếp quản, UBND quận sẽ hình thành Ban quản lý Công viên 29-3, là đơn vị sự nghiệp công lập. Ban quản lý Công viên chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của UBND quận Thanh Khê; chịu sự hướng dẫn chuyên môn theo ngành của Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch; Sở Giao thông vận tải thành phố.

Như vậy, ngoài việc “đổi chủ”, hoạt động Công viên 29-3 bước đầu gần như không có gì thay đổi. Tuy nhiên, khi thông tin Công viên 29-3 được giao cho chính quyền địa phương quản lý, dư luận bày tỏ kỳ vọng về sự “thay da đổi thịt” của không gian văn hóa được ví như “lá phổi xanh” quý giá của thành phố.
Theo ông Nguyễn Văn Tâm (trú tổ 21, phường Thạc Gián, quận Thanh Khê), việc bàn giao Công viên 29-3 cho đơn vị nào quản lý không quan trọng, vấn đề cốt lõi là phải phát huy hiệu quả. Bởi thực tế hiện nay, các tiện ích bên trong công viên phục vụ cộng đồng quá nghèo nàn.

“Công viên 29-3 trước năm 1975 được xem như khu vực bãi rác trung tâm của cả thành phố. Sau ngày giải phóng, lực lượng thanh niên thành phố đã phát động chiến dịch dọn bãi rác xây dựng công viên này. Khi ấy tôi còn thanh niên, cũng tham gia đóng góp ngày công để trục vớt rác thải, đất đá tại khu vực này để hình thành nên khu công viên phục vụ người dân như hàng chục năm qua.

Tuy nhiên, theo thời gian, tôi thấy Công viên 29-3 hiện không có khác gì nhiều so với trước đây. Nếu có, chỉ là hồ nước ngày càng có dấu hiệu ô nhiễm, khi trở thành điểm trung chuyển nước thải trong khu dân cư. Các khoảng xanh ngày càng thưa dần, trong khi các tiện ích phục vụ vui chơi, giải trí, thể dục cho người dân thì quá nghèo nàn”, ông Tâm chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Vui (56 tuổi, phường Thạc Giác, quận Thanh Khê), sống gần công viên cho rằng: “Giao về cho ai quản lý cũng được. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải giữ lại được không gian cây xanh để người dân có thể vào tập thể dục và các cháu nhỏ có thể vào vui chơi thoải mái”.

Một góc Công viên 29-3 đặt các thiết bị vui chơi, thu hút trẻ em vui chơi mỗi ngày. Ảnh: NGỌC HÀ

Trong khi đó, theo TS.KTS Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố, xét theo các tiêu chuẩn của một không gian công cộng phục vụ nhu cầu người dân, Công viên 29-3 vẫn chưa phải là công viên chính của thành phố. Tuy nhiên, việc đầu tư, đổi mới, thậm chí thay đổi cách thức quản lý với mục đích phục vụ tốt hơn nhu cầu chính đáng của người dân là việc nên làm.

“Thậm chí ở một số nước phát triển, xu thế xã hội hóa công viên đã được triển khai và đem lại thành công, tất nhiên phải bảo đảm một cách hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư và người dân, nhất là những quyền lợi chính đáng của họ”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, những không gian công viên cây xanh là nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng, giải trí của người dân để đáp ứng cho nhu cầu giao tiếp xã hội. Đây cũng là nơi để tập thể dục, thể thao và thư giãn nhằm tái tạo sức lao động của cư dân đô thị. Công viên còn góp phần tạo dựng không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng của đô thị cũng như cải thiện môi trường sống.

Về việc tiếp nhận Công viên 29-3, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, lãnh đạo UBND quận Thanh Khê cho biết, hiện tại mọi thứ vẫn đang chờ phê duyệt Đề án bàn giao Công viên 29-3 cho UBND quận và phải có nhiều buổi làm việc để đi đến thống nhất giữa các bên liên quan.

Tháng 9-2017, UBND quận Thanh Khê cũng đã gửi công văn đề nghị UBND thành phố sớm phê duyệt đề án. Sau đó, căn cứ vào đề án phê duyệt, địa phương sẽ có kế hoạch vận hành, tổ chức hoạt động cụ thể, sao cho hiệu quả nhất.

Trong khi đó, dự thảo Đề án tiếp nhận Công viên 29-3 của UBND quận Thanh Khê cũng nêu rõ, việc tiếp nhận Công viên 29-3 trực thuộc UBND quân Thanh Khê yêu cầu cấp thiết và chính đáng trong bối cảnh thiết chế văn hóa-thể thao quận còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao trên địa bàn quận, nhiều hạng mục công trình văn hóa còn thiếu, chưa phù hợp với quy mô, mật độ dân số, quy mô tổ chức một hội thao, hội diễn văn hóa, văn nghệ lớn…

Tác giả: NGỌC HÀ – PHAN CHUNG

Nguồn tin: Báo Đà Nẵng

  Từ khóa: công viên , đà nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP