Dân không ép doanh nghiệp
Ngày 18/4, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Hồng Hoàng Hồng (Công ty Hồng Hoàng Hồng) làm đơn gửi Công an huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) tố giác ông Lê Văn Tuân, Trưởng thôn Phước Thuận-Phước Hậu (Hòa Nhơn, Hòa Vang) ép công ty phải đóng tiền mới cho xe vào nhà máy.
Ngày 24/4, trả lời VTC News, ông Lê Văn Tuân cho biết, không có chuyện ông và người dân trong thôn ép Công ty Hồng Hoàng Hồng đóng tiền mà đó là thỏa thuận giữa người dân với công ty, ông chỉ đại diện cho dân.
Ông Tuân cho biết, trước đây tuyến đường dân sinh liên thôn Phước Thuận-Phước Hậu có rất nhiều xe tải hoạt động gây bụi bặm, ô nhiễm khiến cuộc sống người dân đảo lộn.
Ông Lê Văn Tuân, Trưởng thôn Phước Thuận-Phước Hậu (Hòa Nhơn, Hòa Vang, Đà Nẵng). |
Đến năm 2016, chính quyền Đà Nẵng yêu cầu mở 2 tuyến đường công vụ để xe của các mỏ vật liệu, nhà máy trong khu vực này đi lại, không được đi qua tuyến đường dân sinh này nữa.
Tuy nhiên, vì điều kiện đi lại của các tuyến đường công vụ khó khăn, tháng 9/2017, ông Trần Quang Thông (lúc đó là Tổng Giám đốc Công ty Hồng Hoàng Hồng) xuống làm việc, thương thảo với 31 hộ dân của thôn xin được cho xe của công ty chạy qua đường dân sinh này để ra vào nhà máy.
Ông Thông thống nhất công ty trả 18 triệu đồng/tháng để 31 hộ dân tự dọn vệ sinh đường, tưới nước vì khói bụi do xe tải gây ra khi chạy qua đường dân sinh.
“Từ tháng 9/2019, sau khi ông Thông chuyển nhượng công ty thì chủ mới không trả tiền nữa, người dân tổ chức đón đường một lần nên công ty xin giảm xuống còn 10 triệu đồng/tháng vì khó khăn, nhân dân vẫn đồng ý”, ông Tuân nói và cho biết thêm số tiền nhận về ông đều chi trả cho từng hộ dân, có ký xác nhận rõ ràng.
“Từ tháng 1 đến tháng 4/2020, công ty không chi trả tiền nữa nên ngày 21/4, một số hộ dân đón xe của công ty, yêu cầu gặp mặt giám đốc để làm việc.
Bức xúc vì cách giải quyết của công ty, ngày 23/4, người dân tiếp tục đón đường, yêu cầu lãnh đạo Công ty Hồng Hoàng Hồng thực hiện theo thỏa thuận”, ông Tuân nói.
Trong chiều 24/4, ông Trần Quang Thông (cựu Tổng Giám đốc Công ty Hồng Hoàng Hồng) xác nhận, việc thỏa thuận hỗ trợ tiền cho 31 hộ dân dọc tuyến đường liên thôn Phước Hậu-Phước Thuận là sự tự nguyện của doanh nghiệp.
Tuyến đường liên thôn Phước Thuận-Phước Hậu xuống cấp, hư hỏng. |
Về lý do chi tiền hỗ trợ cho người dân, ông Thông cho biết, tuyến đường công vụ làm tạm nên xe chở gạch đi không được, công ty mới xin được đi qua đường dân sinh.
“Hồi xưa rất nhiều mỏ đá ở đấy, rất nhiều xe của các doanh nghiệp đi đường đấy. Mình nói thẳng là gây bụi bặm cho dân thật nên thỉnh thoảng người dân ra chặn đường.
Sau mình họp lại với bên thôn Phước Thuận-Phước Hậu và các doanh nghiệp có xe hoạt động trên tuyến này để san sẻ một ít kinh phí tưới nước đường cho đỡ bụi”, ông Thông nói.
Chính quyền xã nói gì?
Ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết, đây là khu vực hoạt động của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, gọi chung là khu vực mỏ đá Hòa Nhơn. Trước đây tất cả doanh nghiệp, kể cả khai thác khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng đều đi qua đoạn đường này.
Sau đó vì phương tiện lưu thông nhiều quá, phát sinh chuyện ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông nên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu mở đường công vụ để xe các doanh nghiệp hoạt động.
Đường công vụ tách ra làm 2 nhánh. Một nhánh giáp với eo gió của núi Phước Tường, còn một nhánh có 2 công ty là Hồng Hoàng Hồng và Chu Lai sẽ đi theo hướng ra đến đường tránh Nam Hải Vân.
“Thành phố yêu cầu không cho các phương tiện trên đi qua đoạn đường dân sinh. Doanh nghiệp cũng chấp hành được khoảng nửa năm. Sau đó Công ty Hồng Hoàng Hồng xin phép xã được thỏa thuận với dân để đi qua đoạn đường dân sinh này”, ông Phát nói.
Cũng theo ông Phát, tình trạng ô nhiễm của đoạn đường này từ trước đến giờ vẫn thế, luôn ảnh hưởng đến nhân dân. Vì vậy, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thuê người tưới nước rửa đường, quét bụi hoặc hỗ trợ tiền cho người dân để đảm bảo môi trường.
“Việc này xã không tham gia. Chỉ có đồng chí trưởng thôn liên lạc giữa doanh nghiệp và người dân, giúp nhận và chi lại số tiền cho người dân. Tuy nhiên, tôi vẫn nắm được câu chuyện người dân và doanh nghiệp thỏa thuận thế nào. Tôi đảm bảo đó là sự tự nguyện, thỏa thuận của doanh nghiệp và người dân”, Chủ tịch xã này nói.
Người dân tập trung yêu cầu lãnh đạo Công ty Hồng Hoàng Hồng thực hiện theo thỏa thuận. |
Trả lời câu hỏi liệu chính quyền địa phương có buông lỏng quản lý khi để doanh nghiệp và người dân tự liên hệ, thống nhất với nhau cho xe chạy vào đường dân sinh, ông Nguyễn Tấn Phát cho biết: “Câu chuyện ở đây là đặt giữa mối quan hệ lợi ích của người dân và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Con đường này trước đây doanh nghiệp đã hoạt động rồi chứ không phải mới đây, là cố hữu.
Tôi nhẩm tính nếu doanh nghiệp sử dụng đường công vụ thì chi phí phát sinh phải gấp 3 lần so với dùng đường dân sinh”.
Về đơn tố cáo của Công ty Hồng Hoàng Hồng, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết cũng đã nắm thông tin từ cơ quan công an.
“Đội điều tra của công an huyện đang thụ lý, xác minh đơn tố cáo. Về xã, tôi cam đoan trưởng thôn không bao giờ bắt ép doanh nghiệp làm việc đó”, ông Phát khẳng định.
Tác giả: XUÂN TIẾN
Nguồn tin: Báo VTC News