Kinh tế

Công ty lỗ nghìn tỷ, sếp lớn gán cổ phiếu, bán nhà đất bù thiệt hại

Công ty lỗ nặng, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã chọn cách xin gán tài sản cá nhân để khắc phục hậu quả với mong muốn được miễn giảm trách nhiệm.

Hội đồng quản trị Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã CK: TTF) mới đây đã trình cổ đông phương án khắc phục hậu quả được đề xuất bởi ông Võ Trường Thành, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc TTF và ông Võ Diệp Văn Tuấn (con trai ông Thành), nguyên là thành viên Hội đồng quản trị và Phó tổng giám đốc công ty.

Theo đó, Hội đồng quản trị công ty xin cổ đông chấp thuận cho cha con ông Võ Trường Thành được khắc phục một phần hậu quả do trách nhiệm quản lý yếu kém, gây thất thoát tại TTF và các công ty con, trong đó có khoản lỗ hơn 1.100 tỷ trong quý II/2016 bằng cách sử dụng tài sản của bản thân và người liên quan.

Hai cá nhân trên sẽ bù đắp bằng tiền hoặc tài sản, vốn góp, cổ phần theo mệnh giá trong bất kỳ trường hợp. Tài sản sẽ được chuyển giao quyền sở hữu để khắc phục hậu quả cho TTF theo đúng quy định của pháp luật. Thời hạn hoàn thành việc chuyển giao trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi đại hội cổ đông phê duyệt hoặc chủ tịch, giám đốc các công ty con, công ty liên kết được thông báo chính thức và sau khi hoàn thành việc chuyển giao.

1tt 9007 1489134651
Cha con ông Thành muốn sử dụng tài sản của bản thân tại TTF và các công ty con để khắc phục hậu quả. Ảnh: MH

Nếu đại hội chấp thuận cho cha con ông Thành khắc phục hậu quả thì ông Võ Trường Thành và ông Võ Diệp Văn Tuấn sẽ được miễn toàn bộ trách nhiệm, bao gồm trách nhiệm pháp lý. TTF sẽ làm việc với Tân Liên Phát (cổ đông lớn nắm giữ gần 30% cổ phần TTF) ra văn bản bãi nại cho ông Võ Trường Thành và ông Võ Diệp Văn Tuấn trong vòng 3 ngày kể từ khi hoàn thành chuyển giao xong toàn bộ tài sản khắc phục hậu quả. Theo danh mục tài sản khắc phục hậu quả thì trước mắt số cổ phiếu gia đình ông đang nắm giữ và mượn thêm của những người khác tổng cộng 15,437 triệu cổ phiếu TTF và các công ty liên quan. Đồng thời, vốn góp tính đến ngày 30/6/2016 của ông và các cá nhân liên quan là trên 57 tỷ đồng.

Không chỉ có câu chuyện của ông Thành, mới đây, vợ chủ tịch Thủy sản Việt Nhật cũng bán nhà đất bù lỗ cho công ty.

Báo cáo tài chính quý IV vừa được Công ty cổ phần Thủy hải sản Việt Nhật (MCK: VNH) cho thấy, lợi nhuận trước thuế cả năm ghi nhận lỗ hơn 23,8 tỷ đồng, con số này cao gấp 3 lần so với năm ngoái. Lỗ sau thuế chưa phân phối tiếp tục tăng mạnh lên mức 80 tỷ đồng, đồng thời đây là năm thứ ba liên tiếp doanh nghiệp báo lỗ lên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM. Theo doanh nghiệp, khoản lỗ xuất phát từ việc công ty xuất bán 419 tấn cá ngừ nguyên liệu tồn kho từ 2014. Vì chất lượng giảm và hao hụt nhiều trong gia công nên phải giảm giá bán 30%, gây thiệt hại gần 16,6 tỷ đồng. Ngoài ra, những khoản vay, lỗ phát sinh từ việc thanh lý tàu cá, phạt chậm nộp thuế cũng khiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh.

Để bù đắp các khoản lỗ, năm 2016, công ty đã thanh lý hầu như toàn bộ tài sản gồm hàng tồn kho và tài sản cố định nhằm thanh toán các khoản nợ gốc và vay lãi tại ngân hàng. Cụ thể, trong quá trình tham gia góp vốn, mảnh đất do bà Trần Thị Thúy là vợ Chủ tịch HĐQT Thủy hải sản Việt Nhật đứng tên chưa làm giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho công ty. Trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10/2016, bà Thúy đã chuyển nhượng thửa đất và ngôi nhà có diện tích sàn 642 m2 ở quận Bình Tân để xử lý khoản nợ vay và giảm lãi suất nợ vay đang tăng cao. Khối tài sản này ban đầu được định giá 13,4 tỷ đồng, tuy nhiên thương vụ sau khi hoàn tất cũng khiến công ty lỗ thêm gần 4 tỷ đồng.

Do vướng nhiều khoản nợ chưa có khả năng giải quyết, toàn bộ tài sản công ty thế chấp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh quận 5 cũng được bán đấu giá gần 10 tỷ đồng. Trước đó, trong báo cáo tài chính bán niên, đơn vị kiểm toán cũng trích bổ sung khấu hao đối với một số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hết thời hạn sử dụng, trị giá 7,7 tỷ đồng.

Một trường hợp khác nữa là vào tháng 11/2015, ông Trầm Bê khi còn là Phó chủ tịch HĐQT Sacombank cũng đã tự nguyện cam kết ủy quyền (không hủy ngang, vô thời hạn) cho Ngân hàng Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân do cơ quan này chỉ định, thực hiện các quyền theo quy định, điều lệ của hai ngân hàng đối với toàn bộ số cổ phần tại Sacombank, Southern Bank và tổ chức sau sáp nhập mà ông và các bên có liên quan sở hữu. Ngoài ra, ông cũng đã cam kết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông và những người có liên quan không đủ sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của mình.

Như vậy, cách thức lấy tài sản cá nhân để khắc phục hậu quả đang được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp xem là một giải pháp giúp bù đắp thiệt hại cho công ty. Bù lại, họ được xem xét, miễm giảm trách nhiệm.

Đánh giá về cách thức khắc phục hậu quả này, trao đổi với VnExpress, ông Trương Duy Khiêm, Giám đốc chi nhánh Lê Ngô Cát - Công ty chứng khoán ABCS cho rằng, đây là một cách nhằm giảm trách nhiệm. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng đúng và đạt hiệu quả.

Đối với trường hợp gỗ Trường Thành, theo ông Khiêm, với khoản lỗ lớn, sai lệch về số liệu, doanh nghiệp lại mất uy tín trên thị trường thì khi đền bù phải khắc phục được khoản lỗ. Tuy nhiên, trường hợp của công ty này rất khó khắc phục được khoản lỗ khi ông chủ lại dùng cổ phiếu thiếu thanh khoản, giá trị cổ phiếu hầu như bằng không. "Nếu tôi là cổ đông công ty này tôi sẽ không thông qua giải pháp đó. Còn nếu họ thực sự bán tài sản có giá trị và bù đắp bằng tiền mặt để đưa vào khắc phục hậu quả công ty thì mới là hợp lý", ông Khiêm chia sẻ.

Còn với trường hợp của Thủy sản Việt Nhật thì đây cũng là cách được cho là tạm ổn nhưng vẫn chưa triệt để.

Tác giả bài viết: Hồng Châu

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP