Hoạt động của giới trọng tài lạc hậu quá xa so với chuyển động của xã hội
Chuyện khán giả không có niềm tin vào đội ngũ trọng tài nói cho cùng có nguyên nhân của nó, xuất phát từ quá nhiều sự cố liên quan đến giới “vua sân cỏ” trong nhiều năm qua. Và điều đáng nói hơn nữa, sau hàng loạt sự cố, và sau nhiều lời hứa, công tác trọng tài vẫn không khá lên, người đứng đầu Ban trọng tài gần như không có phương án khắc phục các yếu kém của thuộc cấp.
Và thật ra thì quy trình hoạt động của giới trọng tài bóng đá Việt Nam đã lạc hậu quá xa so với chuyển động của giới trọng tài quốc tế, càng lạc hậu quá xa so với chuyển động của xã hội nói chung.
Trong mọi lĩnh vực, không ở đâu có chuyện một ban chuyên môn làm tất cả mọi công đoạn từ đào tạo, giám sát cho đến đánh giá chất lượng của ban mình, mà hầu như không có sự tham gia, không có sự kiểm tra chéo từ các ban khác, các bộ phận khác. Ngặt nỗi thực tế đấy lại xuất hiện trong thế giới của trọng tài bóng đá.
Sự cố lịch sử ở sân Thống Nhất tối 19/2/2017 bắt nguồn từ công tác trọng tài (ảnh: Anh Hải) |
Lấy ví dụ trong ngành giáo dục, không bao giờ có chuyện giáo viên trực tiếp đào tạo học sinh, lại được quyền coi thi và chấm thi chính học sinh do mình dạy, để đảm bảo tính khách quan. Thế nhưng hiện tượng ngỡ như không thể tồn tại trong đời sống thực tế, lại xuất hiện và được duy trì quá nhiều năm trong giới trọng tài.
Cụ thể, Ban trọng tài vừa trực tiếp đứng lớp ở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, sau đó lại tham gia vào công tác giám sát trọng tài do chính mình bồi dưỡng ở giải chuyên nghiệp, rồi khi có sự cố, lại là thành viên của Ban trọng tài tham gia vào quá trình “mổ băng” kết luận trọng tài đấy đúng hay không đúng?
Một thực tế mà cựu HLV bóng đá Đoàn Minh Xương phải thốt lên: “Khách quan ở chỗ nào và khoa học ở chỗ nào?”. Nhìn rộng ra bình diện quốc tế, AFC không còn sử dụng giám sát trọng tài ở các trận đấu quốc tế từ rất lâu rồi, trong khi ban trọng tài ở hầu hết các nền bóng đá tiến bộ khác trên thế giới, hoặc ở FIFA, chỉ làm nhiệm vụ bồi dưỡng và giới thiệu trọng tài cho các ban chuyên môn khác, cho BTC giải đấu.
Ban trọng tài không tham gia vào việc giám sát, càng không tham gia vào quá trình kết luận trọng tài đúng hay sai sau các sự cố. Việc đấy, thuộc về khâu kỹ thuật, để tăng tính khách quan và đảm bảo có sự kiểm tra chéo giữa các bộ phận với nhau.
Quy trình hoạt động của giới trọng tài bóng đá Việt Nam lạc hậu và khép kín như vừa nêu, suốt nhiều năm qua, nên chẳng trách người hâm mộ nhìn chung không tin vào sự khách quan và tính minh bạch trong công tác phân công, giám sát trọng tài.
Người ta phản ứng trọng tài vì kỳ thực người ta không tin trọng tài
Và các thành viên của Ban trọng tài tham gia vào công tác giám sát rồi “mổ băng” để làm gì, khi sự có mặt của họ cũng như không? Ví dụ như pha bóng Hoàng Vũ Samson (CLB Hà Nội) vào bóng bằng gầm giày nhầm vào Châu Ngọc Quang (HA Gia Lai) ở vòng 2 V-League 2017: Cả nước đều thấy đấy là pha bóng thô bạo, nhưng giám sát trọng tài ngồi trên sân lại bỏ qua, Ban trọng tài sau đó tham gia mổ băng lại tiếp tục kết luận chỉ là “vào bóng liều lĩnh”, chứ không phải hành vi thô bạo!
Người ta dễ phản ứng trọng tài vì kỳ thực người ta không tin trọng tài (ảnh: Gia Hưng) |
Từ năm ngoái, VPF và BTC giải V-League đã bắt đầu nhận ra sự bất cập đấy, nhận ra đòi hỏi cấp thiết và đúng đắn từ phía người hâm mộ, nên mới lập ra “tổ phản biện” công tác phân công trọng tài.
Dù vậy, do chưa có nhiều thời gian, cũng như do chỉ trong quá trình chập chững hình thành tổ này, nên khâu trọng tài chưa được cải thiện nhiều.
Năm nay, sau khi có thêm kinh nghiệm và được sự ủng hộ nhiều hơn nữa từ phía dư luận, trong việc phải cải thiện hoạt động của giới trọng tài nói chung, mong rằng VPF và BTC V-League thể hiện vai trò lớn hơn trong việc giám sát và minh bạch thông tin xung quanh khâu trọng tài.
Giữ được kỷ cương của giới trọng tài là giữ được phần quan trọng kỷ cương của giải đấu. Thay đổi về công tác trọng tài cần thay đổi về bản chất hoạt động của ban này.
Người hâm mộ chắc chắn không khắt khe đến mức “soi” từng lỗi trọng tài đúng sai, vì đấy là một phần của bóng đá. Nhưng nếu vấn đề thuộc về niềm tin thì đấy lại là chuyện khác! Một khi người ta vẫn còn không tin nhau thì người ta ắt dễ phản ứng nhau! Một khi dư luận vẫn mất niềm tin vào giới trọng tài thì họ dễ phản ứng trọng tài!
Tác giả: Trọng Vũ
Nguồn tin: Báo Dân trí