Giáo dục

Công khai người mua điểm để xử nghiêm!

Cần trả lại công bằng cho những thí sinh học giỏi nhưng bị tước đoạt cơ hội vào đại học

Thí sinh con em quan chức, lãnh đạo của các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang được nâng hàng chục điểm để đỗ vào các trường ĐH tốp đầu đã khiến dư luận hết sức bức xúc vì đã cướp đi cơ hội của nhiều thí sinh thực sự giỏi.

Nhiều em trượt ĐH cay đắng vì thiếu 0,05 điểm

Mùa tuyển sinh năm 2018, nhiều thí sinh giỏi đã "ngậm đắng nuốt cay" vì chỉ thiếu 0,05 điểm mà trượt ĐH. Trong số này có thể kể đến em Hoàng Bá Hùng, thí sinh Nam Định. Năm 2018, Hùng dự thi vào Học viện An ninh nhân dân và đạt 24,65 điểm khối D01. Tuy nhiên ngành Nghiệp vụ an ninh có điểm chuẩn là 24,7. Thiếu 0,05 điểm, thí sinh này bị trượt.

Vy Văn Trọng, thí sinh Lạng Sơn, cũng bức xúc khi vụ gian lận thi cử đã làm mất cơ hội học tập của em và nhiều thí sinh khác. Năm 2017, Trọng thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân nhưng thiếu 3 điểm, năm 2018 thí sinh này đăng ký vào ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của Học viện Khoa học quân sự nhưng tiếp tục trượt do thiếu 0,05 điểm. Em này đạt 20,68 điểm khối D01 trong khi ngành này lấy 20,73. Một thí sinh khác là em Nguyễn Tuấn Tài đến từ Nghệ An cũng trượt ĐH vì thiếu 0,05 điểm. Thí sinh này đạt 24,1 điểm ở tổ hợp C03 vào ngành Nghiệp vụ cảnh sát của Học viện Cảnh sát nhân dân, trong khi điểm chuẩn của ngành là 24,15 điểm. Thí sinh này từng chia sẻ rất buồn vì những nỗ lực của bản thân ôn thi cả mùa, thức đến 2-3 giờ sáng hay xuyên đêm vẫn là chưa đủ.

Trước đó, trường hợp em N.P.H (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) dù được 29,15 điểm vẫn trượt ĐH Y Hà Nội năm 2017 cũng khiến dư luận lên tiếng vì bất công. Dù kết quả thi rất cao (toán 9,4, hóa 9,75, sinh 10) nhưng H. vẫn thiếu 0,05 điểm để có thể trúng tuyển vào ngành Y đa khoa trường.

Đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam Đặng Hữu Thủy - Hiệu phó trường THPT Tô Hiệu, TP Sơn La. (Ảnh do công an cung cấp)

Một dạng đưa hối lộ

Chuyện của nhiều thí sinh giỏi trượt ĐH vì thiếu 0,05 điểm đã khiến các chuyên gia hết sức bức xúc khi rất nhiều thí sinh con quan chức, đại gia ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình được nâng tới hàng chục điểm để trúng tuyển, thậm chí còn trở thành thủ khoa, á khoa. GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại Hà Nội, đặt câu hỏi trong vụ tiêu cực thi cử động trời này, nếu phụ huynh không bỏ tiền, tác động quyền lực thì ai "chạy" điểm cho con họ bởi không ai làm công không cả. Và nếu chạy thì phụ huynh có phạm tội không? Ông Sơn cho rằng nếu phạm tội thì phải công khai, tại sao lại phải che giấu những người phạm tội? Việc công khai sẽ thể hiện tính minh bạch và nghiêm minh trong xử lý các trường hợp vi phạm. "Tôi không đồng tình việc không công khai danh tính phụ huynh trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018" - GS Sơn nói.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng cho biết cần phải công khai danh tính phụ huynh những thí sinh có con được nâng điểm trong vụ gian lận thi cử này. PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh cần minh bạch và công bằng trong xử lý vụ gian lận điểm thi; cần sớm công khai danh tính tất cả phụ huynh mua điểm cho con, từ quan chức cấp cao tới dân thường. Theo ông Nhĩ, đây là hình thức đưa hối lộ, người nhận hối lộ bị khởi tố thì người đưa hối lộ cũng phải bị xử lý. Thậm chí, trong trường hợp người mua điểm là quan chức nằm trong ngành giáo dục thì càng phải xử lý nặng hơn.

Chưa nghe, chưa biết (!)

Liên quan đến thông tin nhiều thí sinh được nâng điểm là con các quan chức lãnh đạo ở tỉnh Sơn La, TP Sơn La, các huyện, lãnh đạo ngành thuế, giáo dục, con "đại gia" tại địa phương này, bà Lương Thị Bích Hiền, Phó chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Sơn La, cho biết đến thời điểm hiện tại (ngày 19-4), bản thân bà cũng chưa được tiếp cận danh sách các thí sinh được nâng điểm. Danh sách này được đóng dấu mật của Bộ GD-ĐT nên ban giám đốc giao cho các phòng, ban nghiệp vụ chuyên môn nào của sở thì phòng, ban đó mới được xem.

"Sở GD-ĐT cũng chưa xác định được các thí sinh được nâng điểm là con của phụ huynh nào. Tôi cũng chỉ được xem danh sách này trên báo chứ chưa có văn bản nào của Bộ GD-ĐT hoặc UBND tỉnh để xem" - bà Hiền nói. Trả lời câu hỏi bà có biết trong số thí sinh được nâng điểm có con của ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La không, bà Hiền cho biết bà biết con của ông Hoàng có thi trong kỳ thi THPT 2018 nhưng có gian lận hay không thì bà không biết. Hiện tại cơ quan chức năng cũng chưa có kết luận nên bà không thể phát ngôn về việc này.

Cũng theo bà Lương Thị Bích Hiền, Sở GD-ĐT vẫn đang thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh Sơn La, đồng thời chờ kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra công an. Lúc đó, sẽ thực hiện các quy trình xử lý đúng theo quy định nếu có sai phạm. Sở GD-ĐT Sơn La hiện chỉ có 1 giám đốc, 1 phó giám đốc nhưng giám đốc thì đang nghỉ phép (8 ngày).

Sơn La vẫn chờ

Ngày 19-4, ông Nguyễn Văn Cảnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Sơn La, cho biết đến thời điểm hiện tại UBND tỉnh vẫn chưa nhận được danh sách thí sinh được cho là con cán bộ được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. UBND tỉnh Sơn La vẫn đang đợi kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra.

"Trong trường hợp nếu cán bộ có liên quan đến vụ nâng điểm này đều phải xử lý theo quy định của pháp luật" - ông Cảnh nói.

N.Hưởng

Tác giả: Yến Anh - Nguyễn Hưởng

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: gian lận thi

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP