Kinh tế

Công chức trì trệ, thụ động thì không thể cải cách

Môi trường kinh doanh có cải thiện, thứ hạng của Việt Nam được nâng lên. Song, nhiều doanh nghiệp tố rằng có nhiều giấy phép con, nhiều thủ tục hành chính vẫn được "đẻ" ra, tạo gánh nặng rất lớn cho DN. Nếu công chức, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan vẫn trì trệ, thụ động, thiếu đổi mới và sáng tạo trong tổ chức thực hiện thì khó có thể đạt mục tiêu cải cách môi trường kinh doanh đã đề ra.

Mòn mỏi kiến nghị

Tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết 19/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh do Văn Phòng Chính phủ, Bộ KH-ĐT tổ chức 10/3, đại diện Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) thẳng thắn nhìn nhận, tinh thần Chính phủ kiến tạo, đổi mới và quyết liệt cải cách dường như còn chậm lan tỏa tới các cấp thực thi, kết quả triển khai Nghị quyết 19 chưa đồng đều cả về chất và lượng ở mọi ngành và cấp.

“Có bộ, ngành, địa phương vẫn ban hành các chính sách và quy định mới gây khó khăn và tạo gánh nặng rất ớn cho doanh nghiệp. Điều này cho thấy, Nghị quyết 19 chưa thật sự được quán triệt như là phương châm của các cấp, ngành, địa phương. Thay vì để nâng cao năng lực cạnh tranh cho quốc gia, sức cạnh tranh của doanh nghiệp lại là lợi ích cục bộ để biện hộ cho chính sách, đi ngược tiến trình chung”, đại diện VPSF nhận xét.

20170310160622 giay phep con1

Một ví dụ được số đông doanh nghiệp phản biện là Hải Phòng thu phí sử dụng hạ tầng tại cửa khẩu cảng biển Hải Phòng. Cộng đồng doanh nghiệp nhấn mạnh rằng đã có sự cố tình hoặc vô tình hiểu sai, vận dụng sai các quy định của pháp luật để biện hộ cho các chính sách cục bộ của từng nhóm lợi ích, đi ngược lợi ích quốc gia.

Đại diện Hiệp hội sữa Việt Nam cũng chỉ ra một loạt yêu cầu vẫn chưa thực hiện được, ví như tăng cường công nhận lẫn nhau theo thỏa thuận, chủ động công nhận chất lượng, nhãn hiệu, nhà sản xuất nổi tiếng, những hàng hóa được sản xuất tại các nước, khu vực có tiêu chuẩn chất lượng cao, tiên tiến.

Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm sữa bột được nhập khẩu từ các nước châu Âu, Mỹ,... vẫn phải áp dụng quy trình kiểm tra chuyên ngành bao gồm kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm (thuộc ngành y tế) và kiểm dịch động vật (thuộc ngành nông nghiệp) mà chưa được áp dụng việc công nhận lẫn nhau.

Hiệp hội phân bón Việt Nam than phiền về Thông tư 35/2014 của Bộ Công Thương quy định áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng phân bón và quy định cảng nhập khẩu. Với các thủ tục hiện tại, không biết bao giờ doanh nghiệp mới biết kết quả. Nguy cơ doanh nghiệp bị khó khăn thêm và phải gánh chịu thiệt hại,...

“Thông tư 35 càng làm trầm trọng thêm, phức tạp cho việc nhập khẩu phân bón, không mang tính khoa học và tính cơ chế thị trường mà chỉ mang tính quyền lực, tùy tiện áp đặt không có cơ sở khoa học”, Hiệp hội phân bón băn khoăn.

Trì trệ, thụ động thì khó thay đổi

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Thứ hạng môi trường kinh doanh liên tục cải thiện, nhưng vẫn còn khoảng cách xa so với mục tiêu ASEAN 4.

2 thep hoa phat
Doanh nghiệp cần môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch.

Điểm mặt một số thay đổi nhỏ nhưng đem lại hiệu quả xã hội lớn, TS Cung liệt kê: Bộ Công Thương tháng 10/2016 bãi bỏ Thông tư 37 về kiểm tra hàm lượng formaldehyte trên sản phẩm dệt may đã giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ và hàng vạn ngày công cho các DN dệt may. Việc bãi bỏ thủ tục Xác nhận khai báo hóa chất hồi tháng 12/2016 đã tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng (55.000 tờ khai/năm)

Năm 2017, Chính phủ vẫn tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn. Cụ thể là đến hết năm nay, đạt trung bình ASEAN 4 trên 10 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh.

Giai đoạn 2017-2020, cải thiện điểm số và thứ hạng trên 4 nhóm trụ cột: Môi trường kinh doanh (theo WB); Năng lực cạnh tranh toàn cầu (theo WEF); Đổi mới sáng tạo (theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới); và Chính phủ điện tử (theo Liên hiệp quốc).

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông bày tỏ: Nếu chỉ triển khai thực hiện theo cách truyền thống, tuần tự, từng bước; nếu chỉ có sự tích cực của các hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp mà không có sự tích cực, năng động và sáng tạo của cán bộ, công chức nhà nước có thẩm quyền với tinh thần của Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ người dân và doanh nghiệp,... thì khó có thể đạt được mục tiêu đề ra.

Còn TS Nguyễn Đình Cung đánh giá: Nếu công chức, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan vẫn trì trệ, thụ động, thiếu đổi mới và sáng tạo trong tổ chức thực hiện; nếu tiếp tục cần đến nỗ lực kiên trì, không mệt mỏi của nhiều bên trong nhiều năm mới tạo ra được một thay đổi; nếu số cải cách, thay đổi hàng năm đếm được trên đầu ngón tay thì chúng ta sẽ không đạt mục tiêu!

Tác giả bài viết: Lương Bằng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP