Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng nơi xảy ra các vụ sản phụ tử vong và nguy kịch khi mổ lấy con |
Từ tháng 10/2019 đến nay, liên tiếp hai sản phụ tử vong và một người nguy kịch sau khi gây tê tủy sống để mổ lấy thai nhi ở Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng. Các nạn nhân được gây tê tủy sống từ thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy (viết tắt Bupivaicane). Sau khi gây tê tủy sống, các sản phụ có biểu hiện biểu hiện duỗi thẳng hai chi dưới từng cơn, mạch tăng nhanh đau vùng mông, khó chịu, bứt rứt rồi rơi vào trạng thái nguy kịch và tử vong sau đó.
Theo ông Mưu, đây là sự cố y khoa nên phải qua các bước chứng minh khoa học mới có thể xác định được nguyên nhân, từ đó xác định có hay không dấu hiệu tội phạm để tiến hành các bước tiếp theo. Do đó, ngay từ bây giờ, CQĐT cùng vào cuộc. Những ngày vừa qua, Sở Y tế Đà Nẵng và Bộ Y tế đã vào cuộc xác minh và đi thăm hỏi các nạn nhân.
Liên quan thuốc này, ông Võ Xuân Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phụ nữ thông tin, Bệnh viện nhập loại thuốc Marcain spinal Heavy 0,5% 4ml, sản xuất Cenexi (Pháp) với số lượng 575 ống (kế hoạch được phân bổ 850 ống). Đến tháng 5/2019, nhà cung cấp thông báo hết hàng cung ứng. Bệnh viện đã tìm nguồn thuốc thay thế nhưng chỉ có Bupivacaine của Ba Lan.
Từ tháng tháng 5 đến tháng 10, BV đã nhập tổng số 380 ống, đã sử dụng hết 260 ống, cùng số lô 01DB0619. Đơn vị cung cấp thuốc là Công ty CP Dược phẩm trung ương CPC I, chi nhánh Đà Nẵng.
Lô thuốc gây tên được niêm phong |
Trong khi đó, 1 đại diện Công ty CP Dược phẩm trung ương CPC I, chi nhánh Đà Nẵng thông tin, thuốc này đơn vị nhập từ công ty mẹ và chỉ nắm xuất xứ Ba Lan. “Nếu muốn biết rõ hơn phải liên hệ ngoài Hà Nội. Mỗi lần công ty nhập một lô hàng, nguyên tắc phải có phiếu kiểm nghiệm gốc của bên sản xuất kèm theo. Ví dụ đợt này công ty nhập 10 ống, xuất lại cho chi nhánh 5 ống, công ty phải photo giấy kiểm nghiệm cho phía chi nhánh. Các bệnh viện có nhu cầu sẽ liên hệ, sau đó chi nhánh sẽ chuyển thuốc đến. Bupivacaine là hàng bảo quản trong điều kiện nhiệt độ bình thường”, người này nói.
Theo tìm hiểu của PLVN, ngoài Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng, một số cơ sở y tế khác cũng nhập thuốc từ lô 01DB0619 như Bệnh viện đa khoa Quảng Nam; Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec, Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, Bệnh viện Hoàn Mỹ (Đà Nẵng); Công ty TNHH Y khoa Thái Bình Dương, Công ty CP Bệnh viện đa khoa Minh Thiện (Quảng Nam); Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi..
Hiện tại, có 7 tỉnh, thành phố trên cả nước phản ánh về tình trạng không đảm bảo chất lượng của loại thuốc gây tê tủy sống Bupivacaine WPW Spinal 0,5 Heavy (sản xuất tại Ba Lan). Cụ thể, lãnh đạo các tỉnh thành phố này đã đồng loạt lên tiếng về việc hiệu quả giảm đau của thuốc gây tê tủy sống Bupivacaine WPW Spinal 0,5 Heavy không hoàn toàn, làm tụt huyết áp kéo dài. Đặc biệt có một số trường hợp co giật, gây sốc.
Tháng 4/2019, Sở Y tế TP Cần Thơ đã gửi công văn đến Cục Quản lý Dược đề nghị thay thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5 Heavy bằng thuốc gây tê trước đây của Pháp là Bupivacaine for spinal anaesthesia Aguettant 5mg/ml. Tháng 7/2019, Sở Y tế TP Hà Nội đã có báo cáo Cục Quản lý Dược Bupivacaine WPW không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đối với chỉ tiêu, tính chất độ trong (có dị vật lơ lửng). Mới đây nhất, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi cũng lên tiếng về chất lượng của thuốc gây tê tủy sống Bupivacaine WPW Spinal 0,5 Heavy (sản xuất tại Ba Lan). Theo đó, loại thuốc này gây ra những phản ứng như mạch nhanh, tụt huyết áp kéo dài, hiệu quả giảm đau không tốt.
Trước thông tin về phản ứng có hại của thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy xảy ra tại Bệnh viện Phụ nữ TP Đà Nẵng, để đảm bảo sức khỏe cho người dùng thuốc, Sở Y tế Đồng Nai vừa có văn bản gửi các cơ sở khám chữa bệnh yêu cầu tạm ngừng sử dụng thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy.
Ngoài các tỉnh thành phố trên, các tỉnh như Long An, Bến Tre cũng đã có phản ánh đến Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) về chất lượng không đạt chuẩn của thuốc gây tê tủy sống Bupivacaine WPW Spinal 0,5 Heavy (sản xuất tại Ba Lan).
Ghi nhận của PLVN, dư luận những ngày qua tỏ ra bức xúc và đặt câu hỏi, tại sao khi có những phản ánh từ các sở y tế thành phố, địa phương, Cục Quản lý Dược không lên tiếng để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra?.
Tác giả: Vũ Vân Anh
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam