|
Bệnh nhi là bé Nguyễn Phan Chí Thành (tám tháng tuổi, quê Cần Thơ). Mẹ bé Thành cho biết trong lúc con trai đang nằm chơi thì chị phát hiện một con côn trùng giống con quýt (một loại bọ cánh cứng - PV) bay qua bay lại trong nhà. Do sợ con vật này bay vào người con nên chị đã đuổi đi.
“Lúc tui hất nó đi thì nó lại bay bám vào tay cháu rồi chui vào cổ họng cháu. Vài phút sau cháu ho sặc sụa, thở khó nên tôi đã đưa cháu vào BV Cần Thơ” - mẹ bé Thành kể lại.
Theo BS Nguyễn Thế Huy, Phó khoa Tai Mũi Họng, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, BV tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng được đặt nội khí quản ở tuyến trước, tím tái, suy hô hấp. Phim chụp X-quang cho thấy niêm mạc bệnh nhi đã phù nề và tổn thương nặng, có dị vật là một con côn trùng đã chết nằm trong khí quản, tiết dịch đầy lòng khí quản khiến bệnh nhi khó thở.
“Do dị vật nằm chắn ở nội khí quản nên ôxy cung cấp cho cơ thể bệnh nhi không đủ. Khi các BS gắp dị vật ra khỏi đường thở thì chỉ gắp được phần bụng do con côn trùng nằm lâu trong khí quản đã bị phân hủy. Hai ngày sau khi bệnh nhi được chuyển xuống hồi sức ngoại tiếp tục điều trị nội tiết, tiêm kháng sinh, kháng viêm, các BS mới gắp nốt được phần đầu và mình con côn trùng khi chúng đã tụt xuống phần khí quản” - BS Huy cho biết thêm.
Sau khi toàn bộ con côn trùng được gắp ra ngoài, phổi của bệnh nhi đã tốt lên rất nhiều. Bé được rút nội khí quản, không sốt, bú và chơi bình thường, tuy nhiên vẫn tiếp tục dùng thuốc cho phổi ổn định hơn.
“Khi thấy trẻ bị dị vật chui vào đường thở, người lớn không nên móc tay vào cổ họng trẻ để cố moi dị vật vì sẽ vô tình đẩy dị vật sâu hơn vào phổi. Nên vỗ mạnh vào lưng, ấn ngực trẻ để giúp trẻ ho mạnh đẩy dị vật ra ngoài. Nếu trẻ ho dữ dội, tím tái… nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được các BS kịp thời xử lý” - BS Huy khuyến cáo.
Tác giả: Hà Phượng
Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM