Cộng đồng mạng những ngày gần đây truyền tay nhau bức ảnh gây tranh cãi - con tôm được bọc giấy để trong túi quần một người đàn ông. Người ngợi khen ủng hộ, kẻ lên án phê bình, người ta nói nhiều, chia sẻ cũng nhiều. Nhưng mấy ai hiểu được câu chuyện cảm động đằng sau đó, một người bố đi ăn cỗ và để dành mang về cho con.
Khoan hãy vội phán xét, vì với nhiều người đây là hành động thiếu lịch sự, thiếu tinh tế, nhưng với người đàn ông trong bức ảnh, có thể con mình thích ăn tôm, nhà lại chẳng mấy khi có dịp. Phần tôm của bố đáng lẽ được ăn tại mâm cỗ nhưng lại không ăn, gói đem về.
Bức ảnh con tôm được bọc giấy để trong túi quần một người đàn ông gây chú ý |
Một hình ảnh rất đỗi chân chất, nó chân thật hơn bất kì lời yêu thương nào dù hơi có phần buồn cười nhưng lại thấm đẫm tình yêu thương của bố. Bố luôn là vậy, thầm lặng nhưng lúc nào cũng làm mọi cách để mang đến cho con những điều tốt đẹp nhất.
Những câu chuyện cảm động về tình yêu của bố chúng ta có thể đọc được, thấy được ở khắp nơi nhưng trong lòng mỗi đứa con luôn có người cha vĩ đại của riêng mình. Có thể tình yêu đó rất nghiêm khắc, rất khó tính, lạnh lùng, nhưng sau tất cả đó là những bài học tốt nhất giúp ta trưởng thành trước những khó khăn trong cuộc sống.
Một tuổi, con lững chững tập đi, ngã không biết bao lần, mẹ xót xa muốn đỡ, nhưng bố bảo hãy để con tự đứng lên.
Ba tuổi, con lần đầu đến nhà trẻ, cảm xúc xa lạ khiến con không chịu buông tay, mẹ mủi lòng không nỡ. Bố gỡ tay, để con cho cô giáo rồi kéo mẹ về thật nhanh.
Lên cấp 1, vì món đồ yêu thích con đánh nhau với bạn đến xây xước chân tay. Mẹ đau lòng không thôi, bố lại phạt con thật nặng, bắt con phải xin lỗi.
Lên cấp 2, con vì mải game mà bỏ bê học hành, trốn học theo lũ bạn ngồi quán nét. Mẹ tức giận muốn đánh đòn, bố chỉ lặng lẽ đưa con đến trại trẻ mồ côi – nơi những đứa trẻ khát khao được đi học, được đến trường nhưng vì cuộc sống mưu sinh mà không thể.
Lớn hơn, con theo bạn bè học hút thuốc, uống rượu, mẹ khóc cạn nước mắt còn bố chỉ ngồi xuống kể con nghe về căn bệnh ung thư phổi của ông nội. Con cùng bạn đi khắp nơi, kéo dài hành trình tuổi trẻ, mẹ lo lắng không thôi, không muốn con đi. Bố lại để con đi và mong con thấy được thế giới bao la ngoài kia.
Lần đầu đi học đại học xa nhà, mẹ dặn con không được làm cái này, tránh cái kia. Lo con ngủ không ấm, ăn không no, sợ con bị bắt nạt thì bố lại dạy con hãy cứ tự tin đối mặt với những việc dù là con muốn hay không muốn. Chỉ cần là việc tốt thì đừng ngại khó khăn.
Vậy đấy, bố mẹ luôn có cách riêng để yêu thương chúng ta, chỉ là đôi khi bản thân lại luôn nhìn thấy sự quan tâm yêu chiều hàng ngày của mẹ, mà bỏ quên ánh mắt dõi theo, đồng hành của bố trên hành trình trưởng thành.
Bởi đôi lúc sự nghiêm khắc làm ta cảm thấy bố không thương mình, khiến cho tình cảm của 2 người thêm xa cách. Nhưng phải đến lúc tự mình chống đỡ với thế giới ngoài kia bạn mới biết những lần dạy bảo của bố đáng giá như thế nào.
Bố luôn là điểm tựa vững chắc nhất của con |
Vì thế, hãy biết ơn và yêu thương bố khi còn có thể. Khi bố vẫn còn khỏe mạnh để chờ chúng ta về thăm, khi bố vẫn còn ở bên dạy ta những điều hay trong cuộc đời. Đừng ngại khi bày tỏ tình yêu với đấng sinh thành, nếu không đến một lúc nào đó bạn sẽ phải hối hận. Chúng ta luôn dễ dàng bày tỏ lời yêu với bạn bè, với người tình nhưng tại sao lại cảm thấy khó khăn khi nói một câu: “con yêu bố”?
Hay đơn giản, một cuộc điện thoại hàng ngày lúc đi xa, một cái ôm lúc trở về, một món quà đơn giản nhưng do chính tay bạn chọn nhân một ngày bình thường cũng đủ khiến bố hạnh phúc.
Hãy cảm thấy may mắn, vì trong suốt hành trình trưởng thành của mình, bạn có bố ở bên, nâng đỡ và đồng hành cùng. Cuộc sống ngoài kia có sóng gió thế nào, con người ngoài kia có phản bội, phũ phàng với bạn ra sao thì bố vẫn luôn ở đó, là điểm tựa vững chắc nhất, an toàn nhất mà ta có thể dựa vào những khi mệt mỏi.
Đừng chỉ cảm động và chia sẻ những câu chuyện trên mạng, vì ngay bên cạnh bạn đã có một ông bố vĩ đại hơn bất cứ ai, bất cứ điều gì.
“Cảm ơn cuộc đời vì có bố bên cạnh, vì được là con của bố. Cảm ơn vì đã yêu con và con yêu bố” bạn đã sẵn sàng để nói?
Tác giả: Nguyệt Tú
Nguồn tin: Báo Người đưa tin