|
Nhạt nhòa mùa cá cơm than
Tháng 3 âm lịch là mùa cá cơm than, loại nguyên liệu cần tuyệt đối cho nghề làm nước mắm truyền thống ở bất cứ đâu. Nhưng bây giờ, làng biển Nam Ô (Đà Nẵng) đã vắng mất rồi mùa cá cơm than. Nam Ô đã mất, làng biển cũng không còn, nghề đi biển cũng vắng bóng, thì nghề làm nước mắm cũng khốn khó theo.
Tôi vào làng Nam Ô khi những đống gạch vữa ngổn ngang của cuộc chuyển cư đến nơi ở mới cách đó gần 4 km để nhường chỗ cho dự án du lịch đang thành hình trên mảnh đất này. Vương vãi ở đó vẫn còn những mảnh vỡ chum mắm, những mùi mắm đượm nồng trong cái nắng và cái gió miệt biển thoang thoảng trong gió. Người vắng rồi, làng biển không người đi đánh cá, nghề làm mắm cũng chẳng còn ở làng này nữa. Gần 15 năm trước, khi làng nước mắm truyền thống này trong cơn ngắc ngoải, để cứu nghề, năm 2004, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt đề án phục hồi làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô, theo đó dành 3 ha đất để bố trí từ 80 - 100 hộ dân làng nghề vào để xây dựng nhà ở và xưởng sản xuất với số tiền hỗ trợ cả chục tỉ đồng. Các cơ sở sản xuất nước mắm ở Nam Ô đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đăng ký nhãn hiệu nước mắm cho cơ sở mình. Chính vì thế nhiều cơ sở sản xuất ở đây không kịp làm, có khi khách đến phải đặt hàng trước hàng mấy tháng trời mới có sản phẩm. Chỉ mấy năm trở lại đây, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, làng nghề nước mắm Nam Ô đã từng bước được hồi sinh và khẳng định thương hiệu cùng với những nhãn hiệu nước mắm nổi tiếng của Phú Quốc, Phan Thiết.
Mắm Nam Ô có nguyên liệu khác biệt hẳn so với các loại nước mắm khác. Đó là cá cơm than được muối với thứ muối Cà Ná hạt to, muối vài ba năm mới chiết xuất được. Cá được muối trong những chiếc chum lớn bằng gỗ mít, dưới đáy chum chèn nhiều sạn, cuội nhỏ và chổi đót. Mỗi chum muối như vậy có thể chứa được gần 300 kg cá để cho ra gần 150 lít nước mắm loại I, còn lại là các loại nước mắm loại II, loại III với giá rẻ hơn. Nhiều nhãn hiệu nước mắm Nam Ô truyền thống như Bảy Tri, Sáu Hoa, Trần Thị Lựu, Lê Thị Hội, Hải Nguyệt... đã và đang từng bước chiếm lĩnh được thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng và các vùng lân cận. Sau nhiều lần, nhãn hiệu nước mắm Nam Ô đã được đăng ký thương hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ để đảm bảo sức sản xuất cho làng nghề, cũng như thị trường nước mắm tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Dù đã có thương hiệu hẳn hoi, lại thêm cung cách phân phối mới, nhưng những người làm mắm Nam Ô nức tiếng thủơ nào vẫn còn nhiều trăn trở cho việc bảo tồn và phát triển một làng nghề có truyền thống...
|
Nhưng rồi, niềm vui của 115 hộ dân có nghề truyền thống làm nước mắm tưởng đã an yên, đùng một cái dự án du lịch kéo về đây, chình ình giữa làng biển, làng biển vốn đã khốn khó bao năm vì nghề đi biển lắm long đong, nghề làm mắm nhiều vất vả, chưa tính thiệt hại mỗi khi bão lũ tràn về. Người dân trong khốn khó vẫn chưa bao giờ bỏ nghề, cái nghề đã được cha ông truyền lại mấy trăm năm qua ở mảnh đất cát dưới chân đèo trên con đường thiên lý huyền thoại này. Nhưng giờ, người làng phải đi để nhường chỗ cho du lịch. Nghề đi biển vắng rồi, nghề làm mắm sao trụ nổi với sự khắc nghiệt của thời gian, của dự án kinh tế và cả sự vô tâm của lòng người bị chi phối bởi những đồng tiền.
Bà Dương Thị Cử (75 tuổi), người làm mắm khá lâu năm ở làng biển này cứ khắc khoải nhìn ra con sóng, nhìn ra những đống gạch loang lổ miền ký ức mặn mòi của làng mắm truyền thống thủơ xưa đã nát vụn dưới cơn lốc du lịch. “Nghề làm nước mắm ở đây đã có từ rất lâu đời. Từ đời ông cố tổ nhà tôi đã làm nước mắm mang bán khắp trong Nam ngoài Bắc. Khi làm mắm thường phải thức từ nửa đêm chờ thuyền mang cá về, rồi làm cá và muối. Nghề làm mắm và nghề đi biển như chồng như vợ vậy, thiếu một thì sẽ chẳng thành đôi. Bây giờ ngư dân làng biển không đi biển nữa vì không có bến, làng mắm của chúng tôi chắc cũng chẳng còn nữa”.
Có những giọt nước mắm đang “khóc”
Làng nghề hai năm trở lại đây đã lâm vào khốn khó, khi nguyên liệu làm cá ngày một khan hiếm vì ngư dân ở đây không còn mặn mà với biển như trước, chuyển sang làm nghề khác hết. Người làm mắm phải qua Sơn Trà hoặc vào Hội An mới mua được loại cá cơm than. Mấy năm gần đây, làngnước mắm vắng dần khách, số người làm nước mắm trong vùng cũng giảm đáng kể, giờ còn đếm trên đầu ngón tay. Nước mắm An Hòa thơm ngon là vậy, nhưng hiện đang đứng trước nguy cơ bị xóa xổ. Người trẻ chẳng ai làm nữa, nghề đang chênh vênh thì nay lại thêm một đòn chí mạng: Di dời làng để nhường chỗ cho dự án du lịch.
|
“Thế hệ trẻ đứa đi học, đứa đi làm xa, chẳng mấy người tha thiết với nghề này, chỉ còn lại những người già trong làng làm. Cũng có một số người trẻ làm nhưng họ chỉ coi là nghề tay trái nên nhiều người chưa thực sự chuyên tâm với nghề, mà như thế sản phẩm không thể bảo đảm được, rồi không biết còn có ai theo nổi nghề nữa không? Rồi bây giờ thì chẳng còn chỗ để làm nghề nữa! Nghề của cha ông truyền lại, giờ mất đi ai không đau cho được!”, bà Cử thở than thay cho lời cả trăm hộ làm nghề nước mắm ở Nam Ô này như thế.
Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô trăn trở lắm, khi hàng trăm năm nay, hàng ngàn người dân sống trên mảnh cát cửa biển này chỉ có thể biết trông cậy vào những nghề cổ truyền của tổ tiên như nghề làm nước mắm An Hòa, nghề làm rớ, nghề đi biển. “Những nghề này cũng vắng bóng và mai một dần trong nỗi buồn làng nghề. Một làng nghề đã tồn tại mấy trăm năm nhưng nay đang đứng trước nguy cơ xóa sổ bởi sức ép nghiệt ngã của thị trường. Bây giờ, nhiều người làm nghề trong làng đang trông chờ vào một điều gì đó khả dĩ để có thể trụ vững với nghề, nhưng xem ra điều đó vẫn rất mong manh”.
Bây giờ, hàng trăm hộ dân làm nước mắm sẽ phải di dời vào cách đó gần 4 km. Làm sao làm nước mắm ở giữa khu đô thị, làm sao có nguồn nguyên liệu, xây dựng nhà xưởng làm nước mắm giữa phố làm sao được vì phải đảm bảo hàng loạt vấn đề, nhất là mùi nước mắm khá nặng không thể cứ lẩn khuất giữa phố thị nơi đông dân cư được. Bà Cử, ông Vinh và cả trăm hộ dân làm nước mắm ở làng này mong lắm quyết sách của chính quyền. Người dân chỉ mong muốn dự án tạo điều kiện cho người làm nghề thuận lợi làm ăn, phát triển. Chỉ muốn những nhà đầu tư cho họ một mặt bằng sát biển để dựng nhà xưởng, để thành lập một hội làng nghề nước mắm tập trung, dễ quản lý sản lượng và chất lượng. Mong là thế, nhưng được hay không vẫn còn là cả một vấn đề, nếu không thương người dân, không thương làng nghề, chắc chẳng có phép màu nào cho làng nước mắm này còn tồn tại được.
Ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho biết đã chỉ đạo phường Hòa Hiệp Nam kiểm tra, rà soát lại danh sách những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Khu Du lịch sinh thái Nam Ô, đồng thời đề xuất thành phố có phương án bố trí nơi sản xuất tập trung cho làng nghề, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường mà vẫn duy trì, phát triển được làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô. |
Tác giả: TIÊU DAO – MINH NGỌC
Nguồn tin: Báo Văn Hóa