Ông Trần Xuân Vinh: “Khi chuẩn bị đội ngũ kế cận, chúng tôi cũng quan tâm, xem xét tới những người có xuất thân từ những gia đình có công với cách mạng” |
Thời gian gần đây, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình đã công bố nhiều quyết định điều động, bổ nhiệm cán bộ đối với những cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Trong số này, có những cán bộ trẻ đã được điều động làm người đứng đầu cấp ủy tại một số huyện, thị xã hoặc được bổ nhiệm làm giám đốc một số sở ngành quan trọng trong hệ thống chính quyền.
Năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn… của những cán bộ nói trên, theo đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình là đã được kiểm chứng và đánh giá trong suốt một quá trình. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là một số cán bộ thuộc diện được điều động, bổ nhiệm thời gian gần đây đều xuất thân trong những gia đình có người thân từng là lãnh đạo trong hệ thống cơ quan Đảng, chính quyền cấp tỉnh. Liệu đây có phải là lợi điểm đối với họ khi tổ chức tiến hành xem xét, cất nhắc vào những vị trí quan trọng?
Trao đổi với PLVN về vấn đề này, ông Trần Xuân Vinh - Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình cho hay, mỗi năm, tỉnh này tiến hành điều động, bổ nhiệm khoảng 70/400 cán bộ thuộc diện quản lý. Ông Vinh khẳng định rằng, về tổng thể thì số cán bộ có “gốc gác” là con em của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong con số chung vừa nói.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình công bố quyết định bổ nhiệm lãnh đạo một số sở, ngành |
“Thực tế, một số đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh có con em đang nắm giữ các chức vụ hiện nay đều đã nghỉ hưu từ nhiều năm nay, và họ không thể tác động vào công tác tổ chức cán bộ của tỉnh. Tuy nhiên, khi đào tạo và chuẩn bị đội ngũ kế cận, chúng tôi cũng quan tâm, xem xét tới những yếu tố như người có xuất thân từ gia đình có công với cách mạng, yếu tố “con nhà nòi”.
Bởi theo tôi, khi một người sinh ra, lớn lên trong một gia đình có cha, anh hay người thân làm lãnh đạo, thì ít, nhiều “anh” cũng có thể học hỏi được họ về lý tưởng, cách thức làm việc cho đến tác phong… thông qua những câu chuyện kể “ngấm” dần hằng ngày trong chính gia đình của họ. Tuy nhiên, đó chỉ là một yếu tố để xem xét thôi. Cái chính là “anh” phải chứng mình được năng lực và sự rèn luyện, tu dưỡng của mình với tổ chức”, lời ông Vinh.
Theo quan sát và dự đoán của nhiều người, thì một số cán bộ trẻ đã hoặc đang đi cơ sở trong thời gian gần đây sẽ quay trở lại tỉnh để đảm đương những chức vụ quan trọng hơn trong tương lai, vì sắp tới sẽ có khoảng 2/3 số Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình nhiệm kỳ 2015 - 2020 nghỉ hưu; chỉ còn 1/3 số Ủy viên Thường vụ khóa cũ tái cử nhiệm kỳ mới.
Thực hiện Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương Tỉnh Quảng Bình vừa điều động 3 cán bộ trẻ từ tỉnh về làm Bí thư Huyện ủy các huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh. “Các quyết định này của Quảng Bình đúng theo quy định của Trung ương về việc Bí thư cấp ủy không phải là người của địa phương đó”, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình nói. Ngoài ra, tỉnh cũng vừa bổ sung 3 Tỉnh ủy viên đối với Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh và Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh.
|
Tác giả: Võ Tuấn
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam