Kinh tế

Có tiền gửi ngân hàng nào lợi nhất hiện nay?

Lãi suất ngân hàng thương mại cổ phần đang ở mức cao nhất 8,2%/năm cho kỳ hạn 36 tháng trong khi ngân hàng quốc doanh dao động khoảng 6,5-6,8%.

Kỳ hạn 36 tháng

Ở kỳ hạn 36 tháng, với các ngân hàng quốc doanh như VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank, mức này dao động 6,5-6,8%/năm.

Còn trong khối ngân hàng cổ phần, lãi suất tiền gửi 36 tháng vẫn dao động 7-7,9%. VPBank đang niêm yết cao nhất với mức 7,9-8,2%/năm, tuỳ số tiền gửi. Một số ngân hàng khác như Techcombank đang từ 6% đến 7%/năm, MaritimeBank 7,2-7,5%/năm, ACB dao động 5-6,8%/năm...

Kỳ hạn 24 tháng

Tại kỳ hạn 24 tháng, mức lãi suất tại các nhà băng giảm phổ biến 1-2% so với 36 tháng. Vietcombank niêm yết mức này 6,5%, trong khi BIDV và VietinBank dao động 6,8%/năm. Tại khối ngân hàng cổ phần, mức lãi suất hấp dẫn nhất vẫn thuộc về VPBank, với con số 7,4%/năm.

Khối các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn như KienLongBank đang áp dụng mức 7%/năm, TienphongBank 7,1%, Việt Á mức cao nhất là 7,8%/năm, Bắc Á 7,65%.

Kỳ hạn 12 tháng

Lãi suất 12 tháng cao nhất thuộc về BIDV 6,9%, SacomBank và VpBank với mức 6,8%. Còn kỳ hạn 9 tháng, VpBank vẫn đạt quán quân với mức lãi suất cao bất ngờ, trội hơn hẳn các ngân hàng khác là 6,55%. Trong khi, đồng loạt các ngân hàng BIDV, VietcomBank, VietinBank, DongaBank, SacomBank ghi nhận từ 5,5-5,9%.

Bảng lãi suất huy động của các ngân hàng (%/năm).

Kỳ hạn ngắn 1-3 tháng

Ở các kỳ ngắn hạn, VPBank vẫn là ngân hàng dẫn đầu với lãi suất kỳ hạn 1 tháng 5,2%, 2 tháng 5,4%, 3 tháng 5,48%. Tiếp theo là Sacombank với lãi suất kỳ hạn 1 tháng 4,8%, 2 tháng 5,0%, 3 tháng 5,9%. Các ngân hàng còn lại như BIDV, Vietcombank, VietinBank, DongABank dao động từ 4,3% đến 5,9%.

Chênh lệch lãi suất huy động kỳ hạn ngắn và dài tại các ngân hàng hiện tại dao động 2,5-3%. Một số ngân hàng có xu hướng hút tiền gửi dài hạn nên nâng mức lãi suất huy động lên khá cao so với mặt bằng.

Kỳ vọng lãi huy động giảm để lãi cho vay giảm

Trao đổi với Zing.vn, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho hay so với cùng kỳ năm ngoái, mức lãi suất huy động của các ngân hàng giảm nhẹ. Tuy nhiên, đây không phải xu hướng chung cho toàn khối ngân hàng.

Đối với một số ngân hàng nhỏ, áp lực đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm dẫn đến đã tăng lãi suất huy động để hút nguồn vốn nhiều hơn. Việc tăng lãi suất huy động, theo ông Hiếu sẽ dẫn đến chi phí vốn cao lên và lãi suất cho vay cũng có thể bị đẩy lên theo. Ông bày tỏ: "Tôi kỳ vọng lãi suất huy động từ nay đến cuối năm của toàn ngành ngân hàng nói chung sẽ giảm 0,5%".

Theo Ngân hàng Nhà nước, động thái giảm lãi suất huy động của các ngân hàng là giải pháp tích cực, kịp thời, nhằm triển khai định hướng điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã được Thống đốc cụ thể hóa cho ngành ngân hàng, để phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tác giả bài viết: Kiều Linh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP