Điều kiện tối thiểu khi triển khai chương trình sách giáo khoa mới trong năm học 2020 - 2021 là HS tiểu học phải học 2 buổi/ngày, sĩ số 35 học sinh/lớp ở tiểu học. Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, việc tổ chức dạy - học cho Chương trình GDPT 2018 vẫn còn gặp khó mà trước hết là việc tổ chức học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học.
Quy định này không chỉ là thách thức với các địa phương vùng khó, ngay cả những TP lớn như Hà Nội cũng gặp những khó khăn không nhỏ, bởi quy mô học sinh lớn, dân số cơ học tăng nhanh.
Các quận nội thành và các quận có dân số cơ học tăng nhanh của Hà Nội hiện vẫn đang “gánh” sĩ số một lớp học rất cao. Quận Cầu Giấy có sĩ số bình quân là 56 học sinh/lớp; quận Thanh Xuân là 57 học sinh/lớp; quận Hoàng Mai 51 học sinh/lớp; quận Hà Đông 50 học sinh/lớp. Việc giảm tải sĩ số học sinh trong lớp học đã được TP thực hiện từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Chỉ trong một năm, liệu con số 35 học sinh/lớp có thể thực hiện được?
Chuẩn bị cơ sở vật chất cho chương trình mới vẫn là một thách thức không hề nhỏ đối với các địa phương. Ảnh: PT |
Mặc dù nhiều địa phương quan tâm đầu tư kinh phí, song do mạng lưới trường lớp, nhiều trường học đã xuống cấp, nên cơ sở vật chất của các trường trên địa bàn còn thiếu thốn. Như tại huyện Phú Xuyên, có trường vẫn còn tới 5 điểm lẻ, mỗi điểm cách nhau 5 – 6 km. Tại Ba Vì, trong số 35 trường tiểu học, hầu hết đều có điểm lẻ và phòng học cấp 4. Do ngân sách địa phương hạn chế, việc huy động xã hội hóa lại khó khăn, nên đầu tư cho giáo dục còn khiêm tốn.
Năm học 2019 - 2020, toàn TP thành lập và xây mới được 77 trường học; sửa chữa, nâng cấp 427 trường. Tỉ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày của Hà Nội đã đạt gần 95%, song vẫn chưa đồng đều ở các địa bàn.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát quy hoạch mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Yêu cầu các Phòng GD&ĐT tích cực tham mưu UBND quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, tăng cường trang thiết bị dạy học cho các nhà trường, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để triển khai có chất lượng Chương trình GDPT mới vào năm 2020 - 2021.
Ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đề nghị, muốn chuẩn hóa trường học, Bộ GD&ĐT nên quy định rõ những điều kiện cần thiết, ví như tiêu chuẩn nhà đa năng, sân tập cụ thể như thế nào. Từ đó, các địa phương biết để tính toán, cần phải đầu tư cái gì trước, cái gì sau. Theo ông Quý: “Chúng ta kế thừa thiết bị cũ là đúng nhưng khi áp dụng dạy học công nghệ, tích hợp phải có thiết bị mới, phù hợp. Năm 2020-2021 bắt đầu áp dụng đổi mới từ lớp 1 thì cần mua trước những gì, những năm sau đó tiếp tục đổi mới từ lớp 2, lớp 6 và những năm tiếp theo lộ trình mua sắm những gì phải có kế hoạch, danh mục rõ ràng”.
Cô Trần Thùy Linh, Phó Hiệu trưởng trường Dân tộc bán trú, Tiểu học và THCS xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang cho biết: Đối với các trường vùng sâu, vùng xa, ngay cả sách vở, vật chất thiết yếu cho các em cũng còn gặp khó khăn, vì vậy, chuẩn bị triển khai cho chương trình mới chắc chắn nhà trường còn rất nhiều việc cần làm.
Bộ GD&ĐT cho biết: Đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình GDPT. Trong đó mục tiêu, lộ trình và kinh phí thực hiện đề án được xây dựng đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa GDPT mới. Đồng thời, phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn các địa phương đề xuất danh mục và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định để giao vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2017 – 2020. Tổ chức rà soát quy định hiện hành về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu và tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường phổ thông.
Tác giả: Phan Thủy
Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội