Cụ thể, tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng nếu cơ quan thuế gộp thu thuế và thu BHXH thì có thể làm căn cứ để giảm mức thu BHXH cho người dân và DN.
“Nếu cơ quan thuế thu hiệu quả, làm việc đến nơi đến chốn thì chi phí thu sẽ giảm. Tất nhiên đây là vấn đề có nhiều luồng ý kiến, cần các chuyên gia bàn luận kỹ hơn”, ông Tuấn nói.
Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) về đề cương xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được tổ chức sáng nay (5/12) tại Hà Nội. (Ảnh: Hồng Vân) |
Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng thực chất, việc đề xuất cơ quan thuế thu khoản thu BHXH thì đối với DN cũng là khoản đóng góp cho quyền lợi người lao động.
“Bây giờ, đang là 2 cơ quan thu thuế và BHXH thì thống nhất vào một mối cũng thuận lợi”, ông Tuấn cho hay.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam nhận định: “Nếu bây giờ việc thu BHXH chuyển sang cho cơ quan thuế thì ai muốn, ai không muốn, ai được lợi, ai phải chịu thiệt. Đặc biệt, khi cơ quan thuế chuyển chức năng này cho công ty này, công ty khác nhưng phải đặt trên tiêu chí lợi ích và quyền lợi chung của các bên”.
Bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng việc gộp thu thuế và thu BHXH phải đặt trên tiêu chí lợi ích và quyền lợi chung của các bên. (Ảnh: Hồng Vân) |
Về vấn đề này, ThS Hà Thị Tường Vy, Trưởng ban Quản lý nghề kế toán, VAA cho biết bà không đồng ý về việc cơ quan thuế thực hiện nhiệm cụ thu các khoản bảo hiểm mang tính chất bắt buộc đối với đơn vị sử dụng lao động.
Giải thích cho điều này, bà Vy nói rằng hiện nay, các khoản báo hiểm bắt buộc đang được cơ quan bảo hiểm theo dõi và có thông báo đối chiếu với DN hàng tháng. Ngoài việc thu nộp, cơ quan bảo hiểm còn phải thanh toán cho DN các khoản trợ cấp ốm đau, thai sản,...
“Vì vậy, việc theo dõi đúng hoặc không đúng số phải nộp, đã nộp bảo hiểm của DN còn ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Hai việc này có tính chất hoàn toàn khác nhau. Nếu để một đơn vị thu cũng cần xem xét xem về lợi ích vì sẽ rất dễ có tranh chấp”, bà Vy cho hay.
Thêm nữa, về phía cơ quan thuế, bà Vy cho biết việc theo dõi nợ thuế đối với DN còn nhiều trường hợp chưa chính xác, thời gian vừa qua còn rất nhiều trường hợp DN bị thông báo sai số thuế nợ đọng.
Tất nhiên, tại hội thảo, bà Vy cho rằng ban soạn thảo có ý tiết kiệm chi phí cho xã hội khi gộp hai việc này lại, nhưng nếu đánh giá trên hiện tại thì nợ thuế cũng rất lớn, nợ thuế cho từng đối tượng cũng chưa tốt mà nếu nhập 2 việc này có đảm bảo về bộ máy, cơ sở vật chất hay không.
Theo đó, bà Vy nhận định rằng trong vài ba năm tới, cơ quan thuế cũng chưa gộp thu thuế và thu BHXH được.
“Chính vì vậy, chúng tôi không đồng ý việc cơ quan thuế thực hiện nhiệm cụ thu các khoản bảo hiểm mang tính chất bắt buộc đối với đơn vị sử dụng lao động và nên giữ như hiện hành”, bà Vy kết luận.
Trước đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Tờ trình xây dựng luật Quản lý Thuế (sửa đổi), trong đó đề xuất phương án cơ quan thuế sẽ thực hiện đồng thời thu thuế và thu tiền đóng BHXH bắt buộc của chủ sử dụng lao động.
Mục tiêu đề xuất này, theo bộ Tài chính là nhằm “cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và đóng BHXH”.
Theo đó, phương án này giúp cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đơn vị sử dụng lao động chỉ phải khai, nộp thuế cùng BHXH tại một cơ quan và thực hiện trên cùng một tờ khai.
Tác giả: Hồng Vân
Nguồn tin: Báo Dân trí