Kinh tế

Cổ phiếu của ông Quyết: Tăng giá có rủi ro nào không?

Tại Đại hội cổ đông bất thường sáng nay của Faros, cổ đông đặt câu hỏi về rủi ro liên quan đến sự tăng giá bí ẩn của cổ phiếu ROS đã thu hút sự chú ý của truyền thông.

Sáng nay, ngày 29/11, CTCP Xây dựng Faros (ROS) đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường nhằm xin ý kiến cổ đông về việc tăng vốn điều lệ, đổi tên công ty.

'Tăng giá là câu chuyện của thị trường'

Tại đại hội sáng nay, cổ đông của ROS nêu câu hỏi, sự chú ý của truyền thông trong nước và quốc tế với việc tăng giá của cổ phiếu ROS có rủi ro nào không.


Cổ phiếu ROS tăng phi mã 11,3 lần trong gần 3 tháng qua. Đồ họa: P.Diệp


Trước đó, trong bài viết về sự tăng giá bí ẩn của cổ phiếu ROS, tờ The Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời ông Lê Hải Trà, Phó tổng giám đốc phụ trách Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết ông đã có báo cáo gửi tới cơ quan quản lý thị trường chứng khoán về sự tăng giá "bất thường" của cổ phiếu ROS trong thời gian qua đồng thời yêu cầu Faros giải trình về việc này.

Cổ phiếu ROS lên sàn vào 1/9 với giá khởi điểm 10.500 đồng/cổ phiếu. Sau nhiều phiên tăng đột biến, tại phiên giao dịch ngày 29/11, cổ phiếu ROS đã giảm 6,7% giá trị xuống còn 118.500 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, sau gần 3 tháng niêm yết, cổ phiếu ROS đã tăng hơn 11 lần, với nhiều phiên tăng điểm kịch trần.

Đáp lời, ông Lê Thành Vinh, Chủ tịch HĐQT công ty nói: Việc tăng giá là câu chuyện của thị trường. Lý do cổ phần tăng tốt vì cổ đông khá cô đặc.

"Từ góc độ công ty, chúng tôi không nhận thấy bất cứ sự bất thường nào của sự tăng trưởng giá này. Đây chỉ đơn thuần là câu chuyện của thị trường", ông Vinh khẳng định.

Chủ tịch HĐQT ROS cũng khẳng định việc tăng giá của cổ phiếu ROS không có rủi ro pháp lý. Về phía công ty, ban lãnh đạo chỉ quan tâm và nỗ lực điều hành, quản lý công ty phát triển ngày bền vững.

Phát hành thêm cổ phiếu giá 12.500 đồng

Đại hội cũng xin ý kiến cổ đông liên quan đến việc phát hành cổ phiếu. Theo đó, Faros dự kiến phát hành tối đa thêm 107,5 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 4:1 (cổ đông sở hữu 4 cổ phiếu sẽ được quyền mua thêm 1 cổ phiếu) với mức giá phát hành là 12.500 đồng/cổ phần. Giá có thể thay đổi nhưng không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Việc định giá sát vào giá trị sổ sách nhằm đảm bảo sự thành công của đợt phát hành, ông Vinh cho biết. Ảnh: Faros.

Trả lời câu hỏi của cổ đông công ty về giá 12.500 đồng/cổ phiếu có quá thấp không? ông Nguyễn Thành Vinh – Chủ tịch Faros cho biết giá phát hành này căn cứ vào giá trị sổ sách của ROS là khoảng 10.800 đồng/cổ phiếu.

Ông Vinh thừa nhận giá phát hành khác biệt khá xa thị giá hiện nay của ROS (thị giá của ROS trong ngày 29/11 ở mức 118.500 đồng/cổ phiếu). Nếu phát hành giá cao, ví dụ 100.000/cổ phiếu, thì cổ đông khó có đủ tiền để mua.

Việc định giá sát vào giá trị sổ sách nhằm đảm bảo sự thành công của đợt phát hành. Thứ nữa, do đây là đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu chứ không phải cổ đông ngoài, nên việc yết giá cũng để tạo thuận lợi cho các chủ sở hữu hiện hữu của công ty.

Hội đồng quản trị Faros cũng cho biết các cổ đông đều được phép chuyển nhượng quyền mua cổ phần. Tuy nhiên, mỗi cổ đông chỉ được chuyển nhượng 1 lần. Việc hạn chế này nhằm đảm bảo cho sự thành công của phương án chào bán.

Thời gian dự kiến sẽ chào bán cho cổ đông hiện hữu bắt đầu từ quý I/2017 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Nếu phát hành thành công, Faros sẽ thu về khoảng 1.500 tỷ đồng, số tiền này được ROS sử dụng để đầu tư thực hiện dự án FLC Sea Tower Quy Nhơn trên khu đất có diện tích 17.426 m2 tại trung tâm TP. Quy Nhơn để xây dựng khách sạn 5 sao và tổ hợp khách sạn, nhà ở, kết hợp thương mại, dịch vụ.

'Gắn tên với FLC'

Tại Đai hội, ông Đỗ Như Tuấn – Tổng giám đốc công ty cũng đọc Tờ trình đổi tên công ty từ CTCP Xây dựng Faros thành CTCP Xây dựng FLC Faros.

Doanh nghiệp cho biết từ khi thành lập năm 2011 đến nay, đơn vị này đã song hành, thi công rất nhiều công trình hợp tác với chủ đầu tư – Tập đoàn FLC.

Việc gắn tên Faros với FLC, theo ông Vinh, do "thực tế Faros chưa có thương hiệu trên thị trường bất động sản, nên cần phải gắn tên với FLC - một thương hiệu lớn để hỗ trợ".

Đại hội cổ đông cũng nhận được đề cử của ông Trịnh Văn Quyết, một cổ đông lớn nắm quyền chi phối Faros về việc bà Vũ Đặng Hải Yến làm Thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2016 – 2021 và miễn nhiệm chức danh Thành viên Ban Kiểm soát đối với ông Hoàng Như Quyên.

Bà Yến sinh năm 1978 tại Hà Nội, trình độ chuyên môn là Tiến sỹ Luật học và hiện là là Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn FLC. Trước đó, giai đoạn 9/2011 - 10/2016 bà Yến là Trưởng Ban Pháp chế Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Giảng viên Đại học Luật Hà Nội từ 12/2000 - 8/2011.

Trước đó, ngày 3/11, HĐQT ROS đã quyết định bầu ông Lê Thành Vinh giữ chức Chủ tịch HĐQT thay thế cho ông Doãn Văn Phương.

Ngoài ra, ban lãnh đạo Faros cũng trình cổ đông thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh. Ngoài ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng để nhằm tăng hiệu quả kinh doanh.

Tất cả nội dung được Faros trình tại đại hội cổ đông bất thường này đều được thông qua với tỷ lệ tán thành gần như tuyệt đối (99,9%).

Tác giả bài viết: Phương Diệp

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP