Tại phiên họp toàn thể của UB Tư pháp cho ý kiến báo cáo công tác phòng chống tham nhũng 2019 của Chính phủ chiều nay, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nhắc đến hàng loạt vụ án tham nhũng, án kinh tế lớn đã và đang trong quá trình xử lý mà các đối tượng "đều là quan chức".
"Các vị giữ vai trò lãnh đạo các địa phương có sai phạm và bị khởi tố điều tra thì sai phạm của họ điểm chung nhất là gì, nguyên nhân?", ĐB Sơn đặt vấn đề.
ĐB Nguyễn Bá Sơn |
Ông cũng chỉ thực tế, một số quan chức ở cấp bộ, ngành cũng tương tự. Vậy giữa 2 cấp này có liên hệ gì với nhau trong điều hành xã hội để dẫn đến các sai phạm?
Ông Sơn ví dụ một số quan chức cao cấp đã bị xử lý rồi phát hành ra một loạt các văn bản đóng dấu mật vì lý do an ninh quốc phòng gửi xuống địa phương yêu cầu phải thực hiện. Từ bí thư thành ủy đến các lãnh đạo địa phương không đưa văn bản đó ra để công khai, thế là chỗ này làm như thế, chỗ khác cũng làm như thế.
ĐB đặt nghi vấn: "Phải chăng có thời kỳ việc quản lý điều hành xã hội của chúng ta có vấn đề, nổi lên nạn lạm quyền. Những văn bản đó, chỉ đạo đó là trái pháp luật, chưa báo cáo Thủ tướng, Chính phủ mà người ta bắt các địa phương làm".
Ông cũng lưu ý chuyện tuyển dụng và bố trí cán bộ công chức, không đủ tiêu chuẩn mà vẫn đưa vào.
"Thậm chí còn non, chưa đạt yêu cầu nhưng người ta vẫn ấn những con người đó vào để làm, cuối cùng những con người đó bị thui chột. Có những người chưa làm cái gì sai phạm phải xử lý nhưng cũng có những người hư hỏng", ĐB Sơn nhấn mạnh đây là việc phải đánh giá cho đầy đủ.
Ngoài ra, ông cũng nêu thực tế diễn ra tại các DNNN, con em của người lao động khó lòng vào những chỗ đó.
"Ở đâu đó tồn tại những chi nhánh, đơn vị, tổ chức ở địa phương, ngồi hết một nửa bếp ăn là con em gia đình một vài vị lãnh đạo đơn vị", ĐB Đà Nẵng nói.
Ủy viên Thường trực UB Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà |
Đại diện nhóm nghiên cứu của UB Tư pháp, ủy viên Thường trực Đỗ Đức Hồng Hà cũng cho rằng tình trạng bổ nhiệm lãnh đạo thiếu điều kiện, tiêu chuẩn vẫn diễn ra.
Theo báo cáo của Chính phủ, qua thanh tra, kiểm tra về tổ chức, cán bộ có 131 trường hợp bị thu hồi quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; 176 trường hợp thu hồi, hủy bỏ quyết định tuyển dụng, tiếp nhận; 121 trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ quyết định nâng ngạch, chức danh nghề nghiệp; 15 trường hợp bị kỷ luật từ khiển trách đến buộc thôi việc…
Ông Hà đề nghị Chính phủ báo cáo cho QH biết kết quả công tác kiểm tra, rà soát việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là bổ nhiệm lãnh đạo giữ chức vụ, quản lý trên cả nước.
Quy trình thành tấm bình phong để che chắn sai phạm
ĐB Nguyễn Bá Sơn cũng đề cập đến chuyện công khai minh bạch trong các quy trình chuyên môn, nghiệp vụ.
"Lâu nay, người ta yên tâm rằng có một quy trình như thế và đã chấp hành đúng quy trình. Nhiều lúc sai phạm từ quy trình và quy trình trở thành tấm bình phong để che chắn những sai phạm", ông Sơn phân tích.
"Như câu chuyện mấy ông thanh tra xuống địa phương nhận tiền DN, tôi rất ngạc nhiên vì từng làm chánh thanh tra. Thanh tra các dự án mà không kiểm tra chủ đầu tư các dự án mà lại liên hệ với chủ DN làm gì", ĐB Sơn thắc mắc.
ĐB Trương Trọng Nghĩa |
ĐB Trương Trọng Nghĩa, TP.HCM cho rằng, báo cáo của Chính phủ chỉ nên đánh giá "tham nhũng có biểu hiện thuyên giảm chứ không thể là chiều hướng thuyên giảm".
Bởi nhiều nơi có chuyển biến tốt nhưng một số ngành, lĩnh vực không thấy thuyên giảm. Ông cho rằng, báo cáo Chính phủ chỉ nên đánh giá là "tham nhũng có biểu hiện thuyên giảm ở một số nơi, một số lĩnh vực".
Theo ông, cần quy định cụ thể thời gian xử lý hồ sơ, trả lời cho người dân và gia hạn cũng phải ấn định thời gian xử lý cho dân, nếu không cứ chậm kéo dài rồi xì "phong bì" ra thì việc mới chạy.
10 người trong hơn 1,08 triệu người kê khai tài sản có vi phạm Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm cho biết, số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm hơn 1,08 triệu người. Trong đó, số bản kê khai đã công khai hơn 1,07 triệu, có 46 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập. Phát hiện 10 trường hợp vi phạm, đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp, hiện đang xem xét xử lý kỷ luật 2 trường hợp. Trong năm có 21 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng và 2 người đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý. Trong dịp tết Nguyên đán 2019, có 3 trường hợp nộp lại quà tặng trị giá 103 triệu đồng. Cụ thể tại Trà Vinh 1 người nộp lại 3 triệu; Thái Bình có 2 người nộp lại 100 triệu. |
Tác giả: Thu Hằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet