Chắc ở đây chỉ có mình tôi là lâm vào hoàn cảnh có một không hai này. Đáng lẽ ra trong gia đình, người vợ mới là người phải tiết kiệm còn đàn ông bao giờ cũng thoải mái và thoáng hơn phụ nữ. Nhưng với trường hợp của nhà tôi thì sai hoàn toàn.
Trước đây, khi mới bắt đầu yêu nhau tôi cũng đã thấy chồng mình là người có vấn đề về tiền bạc. Đi ăn chung với nhau, đa phần đàn ông phải trả tiền. Nhưng tôi để ý nhiều lần cứ đến lúc trả tiền là anh lại lảng sang chỗ khác nghe điện thoại hoặc nói quên mang ví. Tính tôi rất sòng phẳng nên dù lăn tăn cũng không nghĩ ngợi nhiều.
Về sau khi đã yêu lâu tôi mới biết quả thực chồng mình là người đàn ông keo kiệt chính hiệu. Có lần tôi được bạn tặng vé du lịch. Chiếc vé đó chỉ có tiền máy bay và chi phí ở khách sạn còn ăn uống là do chúng tôi tự túc. Chồng tôi luôn đinh ninh vé đã bao gồm cả tiền ăn nên mới hào hứng đi. Khi vỡ lẽ ra thì anh nằng nặc đòi ở nhà vì sợ đi xa sẽ tốn tiền. Vậy là lần ấy dù có vé miễn phí nhưng tôi cũng không được đi du lịch.
Vậy là lần ấy dù có vé miễn phí nhưng tôi cũng không được đi du lịch. (Ảnh minh họa) |
Nói đến việc hà tiện của chồng tôi thì tuần trăng mật đi Thái Lan là dịp mà mãi mãi tôi không quên được. Chồng tôi vốn chẳng ham muốn đi trăng mật, chẳng qua do bố mẹ và bạn bè ủng hộ nhiều quá nên anh mới miễn cưỡng đi. Trước hôm lên máy bay, tôi phát hiện valy của chồng toàn là mì ăn liền và đồ ăn vặt. Không muốn mất vui nên tôi lén lấy hết số mì ấy ra. Kết quả là khi sang đến Thái Lan và phát hiện không còn mì ăn liền trong valy, chồng tôi đã làm ầm lên khiến chúng tôi cãi nhau ngay trong ngày đầu trăng mật.
Cả tuần trăng mật của tôi chẳng có ngày nào là vui vẻ. Muốn mua quà kỷ niệm hay quần áo cũng không được vì chồng tôi lúc nào cũng kè kè bên cạnh và luôn miệng nói không cho mua. Có lúc tôi còn cảm thấy ân hận vì đã lấy phải người chồng keo kiệt đến vậy.
Thà rằng chồng tôi tiết kiệm với người ngoài, đằng này đến bố mẹ đẻ anh cũng không tính toán từng đồng. Chồng tôi một tháng làm ra vài chục triệu, thế nhưng đi mua đồ hộ mẹ chỉ vài chục nghìn cũng đòi lại. Sống cùng nhà với bố mẹ mà chồng tôi chưa bao giờ sắm sửa hay gửi bố mẹ tiền sinh hoạt phí. Tôi là con dâu, mỗi lần cho bố mẹ chồng tiền cũng phải lén lút không để chồng biết nếu không nhất định vợ chồng tôi sẽ lại cãi nhau.
Nói đi nói lại, chồng bắt tôi phải mang chiếc xe ra trả và lấy tiền về. (Ảnh minh họa) |
Chuyện là bố chồng tôi năm nay đã ngoài 60 nhưng hàng ngày ông vẫn đi gặp bạn bè bằng chiếc xe đạp cũ. Đắn đo mãi, tôi quyết định mua tặng bố chồng chiếc xe đạp điện để bố có phương tiện đi lại. Tôi đã không nói gì với chồng vì sợ anh sẽ gàn và không cho mua. Chiều chồng tôi về nhà, thấy bố đang lau chiếc xe đạp điện nên hỏi xuất xứ chiếc xe. Bố chồng tôi liền buột miệng nói đó là quà con dâu tặng.
Chồng tôi nghe xong không nói gì đùng đùng lên phòng và hỏi tội tôi. Anh nói bố chồng tôi già rồi, không cần phải đi chiếc xe hiện đại như vậy. Để ông đạp xe đạp vừa tiết kiệm lại nhân tiện vận động cho khỏe người. Nói đi nói lại, chồng bắt tôi phải mang chiếc xe ra trả và lấy tiền về.
Tôi không thể nhịn được nên đã cãi nhau với chồng. Còn bố chồng dù thích chiếc xe mới lắm nhưng vẫn gọi tôi xuống nhà và nói tôi đi trả xe. Thú thật tôi rất giận chồng. Bố chồng tôi bao năm nay vẫn đi xe đạp trong khi bạn bè ông ai cũng được con cái mua xe đạp điện từ lâu. Thay vì cảm ơn tôi, anh lại chửi tôi không tiếc lời như thế liệu có chấp nhận được không? Lần này tôi nhất quyết không trả xe và nhượng bộ chồng nữa. Còn nếu chồng tôi quá đáng thì tôi cũng sẽ để mọi chuyện đến đâu tùy ý của anh. Thật tình tôi chẳng hiểu anh tiết kiệm tiền để làm gì nữa khi không được tiêu và tặng quà cho người thân.
Tác giả: T.G
Nguồn tin: helino.vn