Liên quan đến hình phạt mà cô Nguyễn Thị Phương Thủy áp dụng cho học sinh tự tát vào mặt bạn mình thật đau tại trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, TP Quảng Bình), nhiều chuyên gia tâm lý và giáo viên đã bày tỏ những sự lo ngại.
Cô Nguyễn Thu Hồng (SN 1974), giáo viên chủ nhiệm lớp 6 thuộc trường THCS tại Hà Nội cho rằng hàng chục năm đứng lớp, cô cảm thấy nền giáo dục đang bị xúc phạm với việc làm của cô giáo Thủy như vậy.
"Trong tất cả lĩnh vực đều có áp lực của thành tích. Thành tích, thi đua khiến cả cô và trò quyết tâm hơn, mang lại những kết quả tốt hơn, hình thành sự tiến bộ cho cả tập thể nhà trường - học sinh. Nhưng nếu hi sinh tất cả chỉ để có thành tích như vậy là một sự xấu hổ đối với tất cả những người làm giáo như chúng tôi" - cô giáo Hồng cho biết.
Theo cô Hồng, sẽ có nhiều học sinh hư, có nhiều "ngựa chứng" trong một lớp, một khối... Nhiều khi giáo viên chủ nhiệm phải có những hình thức kỷ luật, trừng phạt... Tuy nhiên, trừng phạt ở đây để cho học sinh nhận ra cái sai. Còn cách làm của cô Thủy dường như không vì giúp học sinh tìm hiểu được cái sai của mình và sửa chữa.
Em Hoàng Long Nhật phải điều trị trong bệnh viện |
Bác sĩ, chuyên gia tâm lý Trần Đình Thông (Trung tâm Tư vấn tâm lý Mặt trời mới) thì thẳng thắn, cách làm của cô giáo này là phi giáo dục.
"Giáo dục để dạy dỗ con người ta hướng đến kiến thức và nhân cách. Nếu chỉ đặt tiêu chí kiến thức, thành tích lên trên nhân cách sẽ là một cách làm sai lầm. Với các nước hiện đại, ngoài việc học kiến thức, khoa học, trẻ em còn được dạy kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử giao tiếp... Trong khi ở Việt Nam, các bộ môn tiệm cận với lĩnh vực đó gần như không phát huy hiệu quả, hoặc kỹ năng sống không được dạy trong các trường công lập" - ông Thông bày tỏ.
Bác sĩ Trần Đình Thông cảnh báo: "Với trường hợp của trường Trung học này, cô giáo đã không dạy trẻ cách sống, mà còn dạy trẻ bạo lực. Lứa tuổi này việc hình thành tích cách dựa trên các thói quen.
Nếu đánh bạn là một thói quen và được chính thầy cô giáo cổ súy thành một hành động đúng, thì tư tưởng giải quyết mọi thứ bằng bạo lực sẽ được hình thành trong tư duy của trẻ. Như vậy thì môi trường nhà trường đang dạy dỗ bạo lực, suy nghĩ độc ác chứ không dạy dỗ tính thiện."
Ông Thông bày tỏ thêm rằng những hành động này khi được phơi bày đã tạo ra một tác động xấu cho xã hội.
"Ngoài việc cả xã hội lên án, rùng mình vì hành động này, còn cho thấy một bộ mặt khác của giáo dục ở đây là thiếu đi những kiến thức cơ bản về việc đào tạo nhân cách, tính cách cho học sinh" - vị chuyên gia chỉ thẳng.
Cô Thủy (phải) đang áp dụng hình thức bạo lực với học sinh của mình |
Đồng quan điểm, bác sĩ, chuyên gia tâm lý Nguyễn Bích Hạnh (Trung tâm tâm lý trẻ em Ngôi Sao Xanh) cho rằng trẻ em ở độ tuổi lớp trung học cơ sở (từ 11-15 tuổi) là độ tuổi bắt đầu hình thành tính cách giai đoạn dậy thì. Đây là độ tuổi rất phức tạp và dễ bị ảnh hưởng bởi những môi trường xấu.
"Trẻ em đến trường ngoài việc học kiến thức còn được học về cách sống, định hình tính cách, nhân cách. Do đó môi trường giáo dục phải thật sự "sạch sẽ" với học sinh trong giai đoạn này. Có thể cô giáo ở đây hành động trừng phạt như vậy xuất phát từ ý nghĩ muốn tốt cho học sinh. Nhưng như hành động của cô mang lại rất nhiều bất cập và nguy hại" - Bác sĩ Nguyễn Bích Hạnh nhận định.
Theo bà Hạnh, cách bắt học sinh trừng phạt vào bạn mình, với hậu quả để lại là mặt bạn bị biến dạng, xưng tấy, bầm tím và nhập viện sẽ gây ám ảnh đến tâm lý của người thực hiện hành vi.
"Những ám ảnh đó sẽ theo trẻ đến suốt cuộc đời, góp phần làm lệch lạc sự phát triển nhân cách và định hình tích cách của trẻ" - bà Hạnh nói.
Tác giả: Minh Tuệ
Nguồn tin: Đất Việt