Chúng tôi gặp cô Trâm từ những năm học 2010. Thời điểm đó cô còn dạy tại điểm trường lẻ Kèo Phà Tú, Trường TH Bắc Lý 2, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn.
Lúc đó, con đường từ thị trấn Mường Xén vào xã Bắc Lý chưa được rải nhựa mà chỉ là đường đất qua nhiều dốc dựng đứng. Nhất là mỗi khi trời mưa nước mưa xẻ thành rãnh, lầy lội, trơn trượt càng khó đi hơn. Lúc đó, từ thị trấn Mường Xén vào điểm trường Kèo Phà Tú phải mất gần ngày trời vừa đi xe máy vừa đẩy.
Cô giáo Trần Thị Trâm đã gần 15 năm cắm bản dạy học tại nhiều điểm bản lẻ của Trường TH Bắc Lý 2. Ảnh: Xuân Hòa |
Lần này gặp lại cô Trâm khi cô đang làm giáo viên tại điểm lẻ Nhọt Kho, Trường TH Bắc Lý 2. Đây là nơi sinh sống của 100% đồng bào dân tộc Mông cuộc sống còn nhiều khó khăn khi chưa có điện lưới.
Nay con đường từ trung tâm huyện lỵ Kỳ Sơn vào trung tâm xã Bắc Lý đã được rải nhựa. Nhưng từ trung tâm xã Bắc Lý vào đến điểm trường Nhọt Kho vẫn đang là đường đất gập gềnh nên phải di chuyển đến hơn tiếng đồng hồ mới đến điểm trường này.
Sinh ra tại xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp, từ thời còn học sinh cô Trâm đã mong ước sẽ trở thành một giáo viên dạy học. Tốt nghiệp THPT chị theo con đường sư phạm với nghề giáo viên mầm non ngay tại quê nhà. Sau một thời gian dạy mầm non chị quyết tâm đi học Trung cấp Sư phạm tại tỉnh Bắc Kạn chuyên ngành giáo dục tiểu học.
Năm 2003, tốt nghiệp lớp Trung cấp sư phạm, chị trở về quê và ngày cưới của chị cũng là ngày chị nhận được quyết định vào nhận công tác tại Trường TH Bắc Lý 2. Tưởng rằng chồng sẽ phản đối nhưng với tình yêu trẻ em, nhất là với trẻ em nghèo miền núi, chồng chị đã động viên chị nhận công tác.
Điểm trường Nhọt Kho, Trường TH Bắc Lý 2 nơi cô Trâm hiện đang dạy học. Ảnh: Xuân Hòa |
“Thời điểm đó, vào nhận công tác cả xã Bắc Lý chưa điện lưới, chưa sóng điện thoại, đường đi lại thì khó vô cùng. Nên mới cưới mà vợ chồng tháng mới gặp nhau được lần, có khi vào mùa mưa đường không đi được vài tháng mới gặp được chồng. Có lúc tưởng chừng tôi đã muốn nghỉ dạy để về nhà với gia đình nhưng với đam mê nghề nghiệp và thương học trò nghèo nơi đây cùng được sự động viên của chồng tôi đã quyết theo nghề đến nay”, cô giáo Trâm chia sẻ.
Vượt qua thiếu thốn, cô giáo Trâm này dạy hết điểm trường lẻ này đến điểm trường lẻ khác của Trường TH Bắc Lý 2. Rồi hạnh phúc cũng đến với vợ chồng cô Trâm khi lần lượt hai đứa con được ra đời. Sinh con xong hết những ngày nghỉ theo quy định chị lại phải để con lại ở nhà với chồng tại xã Nghĩa Mỹ, huyện Nghĩa Đàn để lên non tiếp tục nhiệm vụ gieo chữ nơi xã biên ải.
Cô Trâm ngày còn dạy học tại điểm trường Kèo Phà Tú, Trường TH Bắc Lý 2, thời gian đó, điểm trường này còn mái tranh vách nứa. Ảnh tư liệu: Xuân Hòa |
“Nhớ lại thương nhất là lúc các con còn nhỏ, hết đợt nghỉ thai sản quay trở lại trường con khát sữa với nhớ con mà chảy nước mắt. Nhưng lúc đó xe khách vào đây chưa có, đường đi về theo QL 7A thì trái tuyến với nhà nên phải bắt 2 chặng, rất bất tiện. Nên lúc đó, có những hôm mưa vừa đẩy xe máy đi đường lầy để được về bên các con.
Giờ đứa con đầu đã học lớp 9, đứa sau đã học lớp 3 mà thời gian tôi bên các cháu có thể nhẩm tính được. Cũng may chồng tôi thương nghề dạy học vất vả nên cố gắng lo cho hai con để tôi yên tâm công tác. Có những khi con ốm anh cũng không nói tôi biết để tôi phải lo lắng”, chị Trâm bùi ngùi nói.
Tâm sự về người vợ của mình anh Nguyễn Văn Trường (chồng cô Trâm) cho biết: “Cũng biết vợ xa nhà, cảnh gà trống nuôi con cũng nhiều vất vả, con cái thiếu thốn tình cảm cũng thiệt thòi. Nhưng vợ tôi đam mê nghề lại đưa được kiến thức cho những đứa trẻ ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều đói khổ nên tôi cũng cố gắng hết sức để vợ yên tâm công tác. Chỉ mong sao học được kiến thức các em học sinh nơi vợ tôi dạy học sớm giúp bản làng đồng bào trên đó thoát khỏi nghèo đói, vươn lên theo kịp các vùng miền khác".
Mặc dù, khó khăn và thiệt thòi là vậy nhưng nhiều năm liền cô Trâm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Cũng để ghi nhận công lao đóng góp cho ngành giáo dục huyện miền núi trong đợt kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô đã được Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn trao kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”./.
Tác giả: Xuân Hòa
Nguồn tin: Báo Nghệ An