Nguyễn Thị Vân (ngồi trên xe lăn) trong một chuyến dã ngoại - Ảnh: NVCC |
Người phụ nữ ấy là Nguyễn Thị Vân, quê ở Nghi Lộc, Nghệ An và là em gái của Nguyễn Công Hùng - người từng được tặng danh hiệu Hiệp sĩ công nghệ thông tin trước khi qua đời năm 2012 ở tuổi 30.
“Có hai thời điểm được coi là nguy hiểm với người mắc bệnh như anh em tôi là 18 và 30 tuổi, chúng tôi cùng vượt qua tuổi 18, tôi đã vượt qua tuổi 30. Thời gian không có nhiều nên tôi muốn tập trung làm những gì có ích nhất |
Không thích phụ thuộc người khác
Con đường kinh doanh của Vân bắt đầu từ hơn 10 năm trước, khi cô học lớp 10 tại ngôi trường cách nhà 30km.
Ở trường, Vân mở cửa hàng Internet có 30 máy, vừa kinh doanh, vừa... đi học lớp 10. Những việc làm ấy vô vàn thử thách vì chứng teo cơ tủy sống, cô không thể tự đi lại hay thậm chí tự vệ sinh cá nhân. Lưng cô ngày càng gù và cân nặng ngày càng giảm. Vân mắc chứng bệnh giống anh trai và những người mắc bệnh như anh em Vân hiếm ai sống quá tuổi 30.
Khi đến Hà Nội, Vân được nhận vào học nghề và học thêm về chỉnh sửa ảnh. Hết khóa học, cô làm việc tại một công ty của Đan Mạch.
Những năm ấy, Trung tâm Nghị lực sống do người anh trai Nguyễn Công Hùng sáng lập đã mở rất nhiều khóa đào tạo về lập trình cho người khuyết tật. Ngày 31-12-2012 Nguyễn Công Hùng qua đời và Nghị lực sống được chuyển giao cho cô em gái Nguyễn Thị Vân.
Tiếp nối hành trình của người anh là mang đến cho người khuyết tật sự bình đẳng, việc làm, hạnh phúc, cô đã mở thêm nhiều khóa học miễn phí cho người khuyết tật và những khóa gần đây có đến 99% người khuyết tật được đào tạo nghề ở Nghị lực sống có việc làm.
Hai năm trước, cô và người bạn đồng sáng lập ra Imagtor chuyên cung cấp dịch vụ xử lý ảnh. Đến nay lượng nhân viên của công ty tăng lên 52 người, trong đó có 31 người khuyết tật. "Tôi và người đồng sáng lập Imagtor thống nhất dành 40% lợi nhuận ở Imagtor cho tái đầu tư, 40% cho nghị lực sống, lợi nhuận không dành cho người sáng lập công ty, không để làm giàu" - cô chia sẻ.
Vân kể cô rất e ngại khi phụ thuộc vào người khác về sức khỏe, vì vậy luôn muốn được độc lập trong tư tưởng, suy nghĩ và tài chính. Để có thu nhập đủ sống, do luôn cần một người giúp việc hỗ trợ, di chuyển hoàn toàn bằng taxi vì không có loại phương tiện nào khác phù hợp, Vân đã làm việc không có cả ngày nghỉ cuối tuần.
"Có được những gì một cô gái cần"
Cách đây gần 5 năm, Trung tâm Nghị lực sống đón lứa học viên mới. Trong số này có Nguyễn Thị Trang, một cô gái mắc chứng chệch khớp háng bẩm sinh và bại não. Sau khóa học 3 tháng ở Nghị lực sống, có công ty đến tuyển lao động, Trang thi và đã đậu. Mới đây, Trang lập gia đình và sinh con.
Đây là điều kỳ diệu với Trang, nhưng Trang không phải là "người thiểu số" trong số học viên của trung tâm. Dã có những bạn trẻ rời trung tâm sau khi lành nghề, mở doanh nghiệp và tạo được việc làm cho người khác.
Trong chặng đường tạo lập điều kỳ diệu cho mọi người, Vân nhận được điều kỳ diệu của mình. Cách đây một năm có người đàn ông quốc tịch Úc đến VN gặp Vân. Sau nhiều lần gặp gỡ, anh ấy đã đến Hà Nội để ở hẳn, "chung sống lâu dài" cùng với Vân. "Tôi gần như có được những gì mà một cô gái cần: công việc, gia đình, những màu sắc của cuộc sống, du lịch và trải nghiệm, nhiều bạn bè tốt, một người bạn trai..." - cô cười nói.
Sáng chủ nhật ở một góc nhỏ trong bán đảo Linh Đàm của Hà Nội, Vân ngồi bên ấm trà cùng người ấy và những người bạn thân. Nắng rất vàng, cây xanh, họ cùng nhau cười suốt. Ở gần đó là căn hộ Vân và những người bạn thuê để ở. Có những lúc căn hộ họ thuê có đến 12 người cùng ở, nhưng họ sống rất vui vì hiểu được một yếu tố quan trọng của cuộc sống chung là tôn trọng sự khác biệt văn hóa.
Hộp thư Trang Sống tử tế trong tuần qua đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn đọc, nhiều câu chuyện xúc động được gửi gắm. Xin cảm ơn sự đồng hành của bạn đọc, chúng tôi sẽ chọn lọc và lần lượt giới thiệu trên trang báo. Tuổi Trẻ |
Tác giả: Lan Anh
Nguồn tin: tuoitre.vn