Giới trẻ

Cô gái cao 93cm kiếm 100 triệu mỗi tháng

Ở tuổi 26, Đinh Thị Lý (Sài Gòn) đã thành trụ cột cho cả nhà, sở hữu 3 mảnh đất và dự định nghỉ hưu ở tuổi 30.

Đi bộ 400, 500m là một việc thực sự khó khăn với Đinh Thị Lý (quê Nam Sách, Hải Dương, đang sống tại Hóc Môn, TP HCM). Song trong thời đại công nghệ số, cô gái cao ngang mặt bàn, nặng chưa tới 30 kg này chỉ cần ngồi ở nhà đã xây dựng được thương hiệu cho hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tự lực từ khi còn sinh viên, đến nay Lý đã mua được 3 mảnh đất ở Sài Gòn và giúp bố mẹ xây nhà ở quê - điều mà bà Quyết và chồng không thể tưởng tượng được ngày con còn nhỏ.

"Tôi sinh được 4 con gái, chỉ có Lý là không may mắn về sức khỏe. Thuở các con còn nhỏ, vợ chồng tôi thường nói 'Sau này bố mẹ không lo được nữa thì đến lượt các con lo cho em'. Nhưng ngược lại giờ Lý lo cho bố mẹ và đôi khi còn giúp các chị", bà Quyết, 58 tuổi tâm sự.

Luôn đạt học bổng suốt các năm đại học, Đinh Thị Lý còn tốt nghiệp trước thời hạn.

Con gái út của bà sinh ra có cân nặng bình thường nhưng thời nhỏ rất khó nuôi vì hay ốm đau. Suốt những năm Lý 2, 3 tuổi, vợ chồng bà thường xuyên nâng con gái trong lòng bàn tay chờ mong con biết đi. "Con cũng biết nhún nhảy như những đứa trẻ khác, sao mãi không đi được", câu đó đã trăn trở trong nhiều giấc ngủ của người mẹ.

Nỗi lo tan biến khi qua 3 tuổi Lý đặt những bước đi đầu tiên. Đến khi lên 8 tuổi, bà Quyết thấy con nửa thân trên bình thường, học hành giỏi giang, duy chỉ có đôi chân không dài ra nữa. Đưa đi khám họ nhận được tin đau lòng, rằng Lý bị thiếu hoóc môn phát triển chiều cao và lúc này không thể chữa được nữa.

"Vợ chồng tôi làm nông không hiểu biết gì, thấy con không cao lớn lại chỉ nghĩ con yếu mà hại cả một đời con", bà Quyết buồn kể. Kinh tế không có, nhưng đôi vợ chồng có tình yêu. Cả gia đình càng yêu thương cô con gái út hơn. Ngày hai buổi, Lý ngồi sau yên xe của cha đến trường, nắng mưa chẳng chạm được tới em. Về đến nhà là được các chị nhường nhịn, cưng như trứng mỏng.

Nhà ở tít trong một xóm nhỏ ở thôn Nghĩa Khê (An Lâm, Nam Sách), kinh doanh là không khả thi nhưng vợ chồng bà Quyết vẫn mở một quán tạp hoá nhỏ với tâm nguyện lớn nhất để con được tiếp xúc với nhiều người. Tốt nghiệp lớp 12, Lý đăng ký thi đại học, lúc đó có nhiều người góp ý: "Nó yếu thế cho đi đại học sao được", nhưng bà Quyết và chồng xác định sẽ khăn gói theo con đến mọi nơi con muốn.

Mẹ Lý đã rời quê vào miền Nam chăm con gái học đại học, suốt 4 năm chỉ về quê thăm chồng được 2 lần. Ông Sy vào thăm vợ con ngày Lý tốt nghiệp. Ảnh: NVCC.

Tháng 8/2009, bà từ biệt chồng để vào Nam theo nuôi con gái học ngành CNTT (Đại Học Khoa học Tự nhiên TPHCM). Ngày ngày, người mẹ tuổi 50 đẩy xe lăn đưa con đến lớp. Nhà trường biết hoàn cảnh nên cũng tạo điều kiện cho bà được làm việc trong căng tin trường hay các trung tâm tiếng Anh lấy tiền nuôi con. Ở quê, ông Sy - bố Lý - tập trung cho ruộng vườn, gả chồng cho các con gái lớn.

Về phần Lý, từ năm thứ nhất đại học, cô tình cờ biết đến lĩnh vực Digital Marketing (quảng cáo số) nên đã đăng ký một khóa học, sau đó tìm tòi, làm cộng tác viên online. Cơ duyên đó đã đưa Lý đến với ngành SEO online (tối ưu hóa tìm kiếm của người dùng) và sáng lập ra thương hiệu của riêng mình từ năm 2011. "Trong thời sinh viên mình chỉ cộng tác nhỏ lẻ, còn dạy học viên mới là chính", Lý kể. Cô đã dạy miễn phí cho gần 100 học viên khuyết tật khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ngoài ra còn dạy nhiều học viên bình thường khác.

Sau khi ra trường, trong khi phần đông bạn bè còn loay hoay tìm việc, Lý đã có công việc đi vào quỹ đạo ổn định. Cô làm tại nhà, quản lý cộng tác viên online, những lúc gặp khách hàng mới phải đi ra ngoài.

Lý kể, ngoại hình nhỏ bé khiến cô bị "mất điểm" trong những lần đầu tiên gặp khách. Không ít khách hàng mới hồ nghi trước khả năng làm việc của cô. "Ban đầu tôi sợ sức khoẻ của cô ấy ảnh hưởng đến tiến độ lâu dài của dự án. Đến khi cô ấy trình bày ý tưởng, kiến thức về lĩnh vực, sự am hiểu, thật thà của cô ấy khiến chúng tôi hoàn toàn tin tưởng", chị Phạm Thị Hương - lãnh đạo một doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp - chia sẻ.

Đây cũng là một trong những dự án khó khăn nhất của Lý. Lĩnh vực cung cấp suất ăn cạnh tranh mà chi phí đầu tư không nhiều nên cần phải tìm ra chiến lược marketing hiệu quả nhất. "Ban đầu doanh nghiệp chúng tôi đặt mục tiêu 500 suất ăn, đến nay sau hơn 4 năm đã phát triển lên 5.000 suất mỗi ngày. Có được sự phát triển này là nhờ phần lớn vào chiến lược marketing hiệu quả của Lý", chị Hương cho biết.

Dự án với một doanh nghiệp nước ngoài cũng khiến Lý căng thẳng vài tháng. Do đây là một doanh nghiệp lớn, cô đã phải tìm cộng sự có hiểu biết về văn phong ngôn ngữ người bản xứ, tất cả hình ảnh phải bản quyền. Mỗi bài viết, hình ảnh trải qua 4 cấp duyệt. Cuối cùng dự án cũng hoàn thành tốt đẹp.

Cô gái bé nhỏ nhưng có đầu óc nhanh nhạy đã thành công nhờ nắm bắt được kinh doanh trong thời kỳ công nghệ số. Ảnh: NVCC.

Những lần làm việc căng thẳng như vậy dẫn đến sức khỏe cô giảm sút. Vợ chồng bà Quyết chỉ chăm lo được ăn uống cho con, chứ không thể chia sẻ công việc, nhiều lần nhìn con thức đêm làm việc mà họ cũng đứng ngồi không thể ngủ. Năm 2016, con gái lại dự định lên quận 10 mở rộng công ty, lúc này ông bà buộc phải can ngăn. "Con ơi, mở to áp lực nhiều. Con chỉ cần làm đủ tiêu là được".

Nỗi lòng của cha mẹ khiến khí thế kinh doanh của Lý chùng xuống. Cuối cùng cô nghe theo và từ đó chỉ nhận những hợp đồng dài hạn một năm trở lên và khách hàng quen.

Sự nhanh nhạy và tác phong chuyên nghiệp của Lý cũng giúp cô đầu tư vào bất động sản có hiệu quả. Cô mua mảnh đất đầu tiên vào cuối năm 2014 và xây thành nhà đang ở. Khi có nhà, Lý đón bố từ ngoài Bắc vào sống cùng. Đầu năm 2016, cô mua mảnh đất thứ 2 khi chỉ có trong tay nửa tiền. Trả xong mảnh này, năm 2017 Lý lại mua mảnh đất khác 1.000m2 với xuất phát điểm cũng chỉ có nửa tiền. Hai nơi này đều đang cho thuê.

Hiện tại, cô có thu nhập trên 100 triệu mỗi tháng. Lý dự định đến năm 2022, ở tuổi 30 sẽ nghỉ hưu, cùng bố mẹ đi du lịch và chăm sóc sức khỏe.

Thầy Hà Dương, Khoa CNTT (Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM) cho biết, Lý là sinh viên để lại nhiều ấn tượng với thầy cô trong khoa, dù đã ra trường 5 năm. "Em ấy kém may mắn về cơ thể nhưng học tập rất tốt. Tất cả các kỳ đều đạt học bổng và còn tốt nghiệp sớm nửa năm", thầy cho biết.

Anh Quảng, giám đốc một công ty bất động sản, chủ tịch CLB doanh nhân Hải Dương tại TP HCM cho biết, anh đã quen Lý 7 năm nay. Ngày đó anh rất ngỡ ngàng trước một cô sinh viên khuyết tật am tường về công nghệ 4.0. "Lý làm việc chuyên nghiệp và rất nhiều kinh nghiệm về SEO online. Ở trong câu lạc bộ, cô ấy đã tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp về sử dụng công nghệ 4.0 vào quản lý doanh nghiệp, mang lại hiệu quả".

Tác giả: Phan Dương

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: Công nghệ 4.0 , cô gái

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP