Tin địa phương

Cơ chế đặc thù giúp 'cởi trói' Đà Nẵng để vươn tầm đô thị quốc tế

Sau nhiều năm phát triển nhanh chóng, Đà Nẵng có dấu hiệu chững lại. Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết cho phép Đà Nẵng thực hiện nhiều cơ chế đặc thù, mô hình phát triển mới.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng, vẫn nhớ như in về cuộc “thay trời đổi đất, sắp đặt lại giang san”, của Đà Nẵng những năm 2000. Ông nhớ khi đó khoảng 100.000 hộ dân đã di dời đến nơi ở mới, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố quy hoạch lại, phục vụ sự phát triển sau này.

Đà Nẵng có được sự khang trang, hạ tầng đồng bộ, quy hoạch đâu ra đấy như ngày hôm nay có một phần rất lớn từ sự ủng hộ của người dân từ cuộc “sắp đặt lại giang san” năm đó. 100.000 hộ nhưng chưa tới 10 hộ phải cưỡng chế. Điều đó thể hiện chủ trương đúng của thành phố, vì sự phát triển tương lai của chính người dân.

Hạ tầng hiện đại và sự phát triển năng động là những điểm nhấn khi nhìn lại 15 năm Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển đô thị trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Và khi đã phát triển đến một mức nhất định, Đà Nẵng cần những cơ chế mới, đột phá hơn nữa, để thành phố có thể vươn mình lên tầm quốc tế.

Năm 2018, Đà Nẵng kỷ niệm 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ảnh: Đoàn Nguyên.

“Ngày nào cũng có khởi công, khánh thành”

Ông Nguyễn Đình An nhớ những năm 2003-2005-2010, gần như ngày nào Đà Nẵng cũng có khởi công, ngày nào thành phố cũng có khánh thành, không khí rất sôi động. Đó là minh chứng cho sự phát triển nhanh chóng và “thần kỳ” của thành phố biển trung tâm miền Trung.

Những thành tích ấn tượng của Đà Nẵng có thể kể đến như suốt từ 2013-2017, Đà Nẵng liên tục dẫn đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt bất kỳ nhà đầu tư nào. Đà Nẵng cũng là nơi đăng cai và tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2017. Khách du lịch đến với thành phố luôn tăng trưởng 2 con số mỗi năm và đạt 7,6 triệu lượt vào 2018.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, Bộ Chính trị đánh giá Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, là một trong những địa phương tiên phong trong quyết liệt cải cách và năng động phát triển.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa. Ảnh: Hoàng Hà.

Thành phố đã tập trung thu hút được nhiều nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển, dựa trên việc thực hiện linh hoạt, hiệu quả các cơ chế, chính sách với nhiều cách làm mới, sáng tạo…

Nhiều chính sách an sinh xã hội mang đậm tính nhân văn được triển khai thực hiện, gắn với chương trình “Thành phố 5 không (không người đói, không người mù chữ, không người lang thang xin ăn, không người nghiện ma túy, không có cướp của giết người), “Thành phố 3 có” (có văn hóa văn minh đô thị, có nhà ở, có việc làm); “Thành phố 4 an" (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội).

“Những thành tựu sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW là rất rõ nét”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Giải quyết những điểm nghẽn mới

Sau 5 năm dẫn đầu chỉ số PCI, 2018 Đà Nẵng đã tụt hạng và nhường ngôi số 1 cho Quảng Ninh. Nhiều người theo sát tình hình phát triển của thành phố cho rằng những chỉ số phát triển của Đà Nẵng đang có chiều hướng chững lại.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, yếu kém của thành phố như vai trò động lực, sức lan tỏa trong liên kết, phát triển vùng... còn yếu, chưa đạt được như kỳ vọng, còn khoảng cách giữa yêu cầu với thực tế hiện nay.

Kinh tế tăng trưởng nhanh, nhưng năng suất lao động tăng chưa tương xứng; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, với tỷ trọng GRDP chỉ chiếm khoảng 1,55% so với cả nước; tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm sút.

Tỷ trọng GRDP của Đà Nẵng chỉ chiếm khoảng 1,55% so với cả nước; tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm sút so với trước. Ảnh: Minh Hoàng.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, nhất là trong quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất. Các nguồn lực cho đầu tư phát triển của thành phố có chiều hướng thu hẹp, nhất là nguồn đất ngày càng cạn kiệt. Việc xây dựng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, có bản sắc, mang tầm vóc quốc tế còn nhiều vấn đề cần tiếp tục giải quyết.

Thành phố cần những cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá để thực sự bức phá, tạo sức lan tỏa mạnh tới các địa phương trong khu vực

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa

Ông Nghĩa nhấn mạnh những vướng mắc, khó khăn nêu trên đã trở thành “điểm nghẽn”, trở thành cản lực đối với sự phát triển của thành phố.

“Thành phố cần những cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá để thực sự bức phá, tạo sức lan tỏa mạnh tới các địa phương trong khu vực”, ông nói.

Để giải quyết được yêu cầu bức thiết này, ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Bí thư Đà Nẵng đánh giá đây là nghị quyết rất quan trọng, lịch sử, tạo một nguồn lực có sức động viên rất lớn đối với sự phát triển của Đà Nẵng trong thời gian tới.

Nghị quyết “cởi trói” Đà Nẵng

So với Nghị quyết 33-NQ/TW, Nghị quyết 43 có 12 điểm mới, nhấn mạnh đến chính sách ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn của Đà Nẵng.

Các lĩnh vực gồm: Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.

“Với Nghị quyết 43/NQ-TW này, Bộ Chính trị thống nhất cao, đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để 'cởi trói', xây dựng và phát triển Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước”, ông Nghĩa nói.

Một góc Đà Nẵng từ trên cao. Ảnh: Hoàng Hà.

Các cơ chế, chính sách đặc thù tập trung vào 3 lĩnh vực chính chủ yếu. Bộ Chính trị cho phép Đà Nẵng được thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương... Bên cạnh đó là việc nghiên cứu cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế. Cho phép Đà Nẵng được xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật.

Với nghị quyết này, Đà Nẵng sẽ phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn theo hướng sinh thái, thông minh, có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bảo đảm cho một thành phố biển năng động, đầy sức cạnh tranh, hiện đại ở tầm vực quốc tế.

Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ ở khu vực và là trung tâm hội nghị quốc tế.

Tác giả: Hiếu Công

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP