Kinh tế

CMV được hoãn nộp phạt gần 9 tỷ đồng vì vi phạm kinh doanh xăng dầu

CMV được xác định có các tình tiết giảm nhẹ do đã tự nguyện khai báo, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính.

Công ty Cổ phần Thương nghiệp Cà Mau (HoSE: CMV) vừa có thông báo về việc hoãn thi hành một phần quyết định số 11 ngày 31/8/2022 của Chánh Thanh tra Bộ Công Thương về xử phạt vi phạm hành chính trong vi phạm kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, CMV được hoãn thi hành việc bị phạt tiền 90 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp số tiền gần 8,7 tỷ đồng.

Thời gian hoãn thi hành từ ngày 12/9/2022 đến khi kết thúc việc giải quyết khiếu nại của CMV. Hết thời gian hoãn thi hành quyết định, CMV phải tiếp tục chấp hành quyết định phạt tiền, nếu không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế.

Trước đó ngày 6/9, CMV nhận quyết định của Chánh thanh tra Bộ Công Thương xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, CMV bị phạt tiền 50 triệu đồng do có hành vi gian lận trong kê khai đăng ký hệ thống phân phối; phạt tiền 90 triệu đồng vì kinh doanh xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực.

Để khắc phục hậu quả cho hành vi kinh doanh xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực, CMV buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm từ tháng 1/2021-3/2022 với số tiền gần 8,7 tỷ đồng. Tổng số tiền CMV bị phạt và truy thu phải nộp vào ngân sách gần 9 tỷ đồng.

CMV được xác định có các tình tiết giảm nhẹ do đã tự nguyện khai báo; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm hành chính, xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, công ty cũng đã ngăn chặn làm giảm bớt hậu quả của vi phạm và tự nguyện khắc phục hậu quả.

Thương nghiệp Cà Mau được cổ phần hóa từ năm 2007 và hiện có vốn điều lệ 182 tỷ đồng. Công ty Thương mại và Dịch vụ Hưng Long là cổ đông nắm giữ lớn nhất 51%, tiếp đến là PVOil sở hữu 16,17% vốn.

Công ty này lại sở hữu 2 công ty con là Công ty TNHH MTV Bách Việt và Công ty Cổ phần In Bạc Liêu. Công ty kinh doanh ở nhiều ngành hàng như xăng dầu, hàng nông thủy sản, vật liệu xây dựng, hàng gia dụng...

Báo cáo kinh doanh nửa đầu năm 2022 cho thấy, doanh thu của CMV tăng trưởng 16% lên 2.228 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 31% so với cùng kỳ đạt gần 21 tỷ đồng. Hiện quy mô tổng tài sản đạt gần 500 tỷ đồng.

Liên quan đến đợt thanh tra 33 đầu mối xăng dầu do Bộ Công Thương tiến hành từ tháng 2/2022, ngày 31/8, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đối với 5 doanh nghiệp đầu mối gồm: Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí Tp.HCM, Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu và Công ty Cổ phần dầu khí Đông Phương.

Thanh tra Bộ Công Thương cho biết, 5 doanh nghiệp bị tước giấy phép vì không đáp ứng được điều kiện về hệ thống phân phối theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định 83 hoặc Khoản 6 Điều 1 Nghị định 95, do đó đã có hành vi "không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định" quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định 99/2020 sửa đổi.

Song, một số doanh nghiệp bị xử phạt đã có văn bản kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương kiến nghị dừng quyết định để tránh ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu.

Trên cơ sở báo cáo, kiến nghị của một số thương nhân đầu mối bị tước giấy phép và một số địa phương, để tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung xăng dầu, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã ban hành nghị quyết thống nhất tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn phải thực hiện nghiêm túc hình thức phạt tiền theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành.

Tác giả: Nguyễn Thu Huyền

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP