Thể thao

CLB Long An nhìn từ “đại án”: Một người ra đi, biểu tượng suy tàn

Từng là một thế lực hùng mạnh của bóng đá Việt Nam, CLB Long An suy tàn theo từng mùa bóng và đón nhận “đại án” lịch sử V.League như một nỗi đau khốn cùng.

Một thời là hình mẫu ước mơ

Sáu năm liên tiếp góp mặt trong Top 3, gặt 2 chức vô địch V.League cùng 1 chức vô địch Cúp Quốc gia và 1 Siêu cúp, Long An là một trong những đội bóng giàu thành tích nhất V.League.

Thậm chí, đội chủ sân Tân An từng là hình mẫu mơ ước của cả nền bóng đá Việt Nam. Bởi Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) từng đưa mô hình của CLB Long An vào Tầm nhìn châu Á. Từ cơ sở vật chất đến hệ thống đào tạo đều rất bài bản và tiên tiến nhất bóng đá Việt Nam.

Sự thành công của CLB Long An ghi nhận rất lớn dấu ấn của ông bầu Võ Quốc Thắng, người đã giúp bóng đá Long An “lột xác” và trở thành hình mẫu của bóng đá Việt Nam trong những năm 2000.

Bầu Thắng (áo trắng) từng biến Long An trở thành một thế lực hùng mạnh của bóng đá Việt Nam. Ảnh: Văn Nhân

Hơn cả thập kỷ gắn với bóng đá Long An, bầu Thắng đã đầu tư không biết bao nhiêu tiền để gây dựng một biểu tượng lớn cho bóng đá miền Tây. Với những tên tuổi lẫy lừng trong mắt người hâm mộ, từ HLV Calisto đến Phan Văn Tài Em, Minh Phương, Huỳnh Quang Thanh…

Bóng đá Long An chỉ bắt đầu đi xuống khi HLV Calisto chia tay sân Tân An sau mùa bóng 2008. Trong đó có nỗi đau lớn nhất là lần xuống hạng vào năm 2011, khi đội bóng này chỉ xếp thứ 13/14 đội tham dự.

Đó cũng là thời điểm bầu Thắng bắt đầu chủ động giảm dần tầm ảnh hưởng với bóng đá Long An và gắn bó với bóng đá trong cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) (thành lập ngày 07/12/2011).

Làm “sếp” VPF, bầu Thắng nhường lại ghế Chủ tịch CLB Long An cho em trai Võ Thành Nhiệm, tránh mang tiếng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Một cuộc thoái vị trên lý thuyết nhưng mở ra trang mới, nhuộm nỗi buồn cho bóng đá Long An…

Đến “đại án” trên sân Thống Nhất

Clip CLB Long An gây nên vết nhơ trên sân Thống Nhất:


Kể từ mùa bóng xuống hạng vào năm 2011 và bầu Thắng trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF, bóng đá Long An càng ngày càng đi xuống và đỉnh điểm là nhận “đại án” sau câu chuyện buồn trên sân Thống Nhất vào ngày 19/2/2017.
Sự nóng giận trên sân Thống Nhất của CLB Long An. Ảnh: Văn Nhân

Cần nhắc, “anh cả” bóng đá miền Tây đã phải thay tên từ ĐT.LA thành CLB Long An từ mùa bóng 2016, do tập đoàn Đồng Tâm không còn kham nổi tài chính nuôi đội bóng, dù từng là hình mẫu ước mơ được AFC đưa vào Tầm nhìn châu Á.

Và xuyên suốt lịch sử bóng đá Long An chưa bao giờ buồn như ngày 19/2 vừa qua, đau hơn nữa là bầu Thắng ngồi trên khán đài V.I.P sân Thống Nhất chứng kiến “đứa con tinh thần” gây nên trận đấu bi hài nhất lịch sử V.League.

Hậu quả nhãn tiền của “đại án” là Chủ tịch Võ Thành Nhiệm và HLV Ngô Quang Sang phải tạm “gác kiếm” 3 năm, hai cầu thủ Huỳnh Quang Thanh và thủ môn Minh Nhựt có lẽ phải giải nghệ sớm vì bị 2 năm “treo giò”.

Đến hôm qua, “truyền nhân của HLV Calisto”, Giám đốc kỹ thuật Huỳnh Ngọc San vẫn chưa thay đổi quyết định xin rút lui.

Khán giả Long An đang lo lắng cho số phận của đội nhà ở V.League 2017. Ảnh: Văn Nhân

Trước cảnh Long An chẳng còn một biểu tượng để bám víu trong lúc khó khăn, hẳn nhiều người yêu bóng đá Long An đang rất nhớ bầu Thắng cùng thời vàng son của bóng đá nơi này.

Cũng như hôm xảy ra "đại án", nếu thời điểm Long An hùng mạnh thì có thể mọi thứ rất khác. Đội chủ sân Tân An chẳng phải tự ti chấp nhận là "kẻ yếu thế" so với tân binh TP.HCM, như nguyên Chủ tịch Võ Thành Nhiệm nói "Long An thua kém về tài chính so với TP.HCM". Họ cũng chẳng cần lao vào ăn thua với trọng tài vì suy nghĩ o ép từ một tình huống phạt đền.

Tiếc rằng hôm xảy ra "đại án", bầu Thắng không đi xuống cứu rỗi Long An. Ông Thắng chỉ ngồi trên khán đài lặng lẽ nhìn mọi thứ trong sự im lặng, có gì đó quá nhạt nhòa dù chính ông từng đổ không biết bao nhiêu tiền bạc lẫn công sức vào đội bóng này.

Bóng đá Long An sẽ đi về đâu sau “đại án”? Đó là câu hỏi được nhiều khán giả Long An quan tâm nhất lúc này. Nó giống như ngày bầu Thắng bước vào ngôi nhà VPF và mỗi trận đấu trên sân Tân An đến xem với tư cách “khách V.I.P”, nhìn “đứa con tinh thần” suy tàn. Cũng không loại trừ mọi thứ sẽ tồi tệ hơn... vì chẳng còn ai để bám víu.

Tác giả bài viết: Hoài Anh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP