Nguyễn Thị Chi, một cô gái xinh xắn, dễ thương, đang là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội, đã được chọn để trở thành mục tiêu thu hút các đối tượng có nguy cơ thực hiện hành vi quấy rối. Trong khi đó, những thành viên còn lại trong êkíp được giao nhiệm vụ quay phim và bảo vệ nhân vật nữ trong những trường hợp nguy hiểm.
Trải nghiệm đáng nhớ
“Chúng em khoét một lỗ trên túi, khéo léo giấu ống kính máy quay nhỏ ở phía trong mà không để ai phát hiện, các bạn nữ sẽ đi cạnh nhân vật trải nghiệm trong một khoảng cách an toàn để ghi nhận được đầy đủ hành vi quấy rối ở nơi công cộng” - Phạm Lê Dung, thành viên của nhóm, chia sẻ.
Sau khi lên kế hoạch tỉ mỉ và lựa chọn các địa điểm công cộng mà các bạn cho rằng phái nữ thường xuyên bị quấy rối, cả nhóm bắt tay vào thực hiện phóng sự. Đầu tiên, Chi - nhân vật trải nghiệm đóng vai một cô học sinh cấp 3 chạy xe đạp trên đường. Trong một bộ trang phục khác, Chi vào vai một hành khách để đến Bến xe Nước Ngầm. Với trải nghiệm ban đêm, Chi mặc bộ váy rất bắt mắt, một mình đi dạo trên các tuyến phố, qua nhà chờ xe buýt, đến cầu đi bộ, thậm chí là lên tận cầu Nhật Tân…
Nhớ lại quá trình đó, Chi tâm sự: “Trước khi tham gia trải nghiệm, em nghĩ cùng lắm là mình chỉ bị trêu chọc. Nhưng thực tế thì em đã bị nói nhiều lời khiếm nhã, bị động chạm đến cơ thể. Bất ngờ hơn, khi em cảm thấy mọi người nghĩ chuyện quấy rối như thế hết sức bình thường, thậm chí thờ ơ với những hành động đó. Nếu không có đoàn làm phim ngụy trang, em chắc hẳn không đủ dũng khí để tham gia trải nghiệm từ đầu đến cuối”.
Những cái động chạm cố tình, lời trêu ghẹo khiếm nhã, bình phẩm về thân thể luôn chực chờ phái nữ ở nơi công cộng. Ảnh cắt từ clip
Đủ kiểu quấy rối
Trong phóng sự sau đó được nhóm công bố, có thể thấy ở bất cứ đâu trong các môi trường công cộng, nhân vật trải nghiệm đều bị quấy rối với nhiều hình thức khác nhau. Đó có thể là cái động chạm cố tình của những người lơ xe hay xe ôm ở bến xe, đó có thể là một câu nói trêu chọc đầy khiếm nhã hay một câu đùa hướng đến thân thể của nhân vật.
Tuy nhiên, theo nhóm thực hiện phóng sự, những gì được nhóm công bố chỉ là một phần của hiện thực bởi còn có những hình ảnh, lời nói ở mức độ cao hơn được nhóm lược bỏ vì không phù hợp hay do lỗi kỹ thuật.
“Có người còn xé giấy nhét vào áo của nhân vật nữ, có bạn ném hạt hướng dương về phía bạn ấy nữa” - Nhung, một thành viên của nhóm, chia sẻ.
Dù đã dự phòng cả phương án can thiệp khi nhân vật nữ gặp nguy hiểm hoặc bị quấy rối ở mức độ cao, tuy nhiên rất may nhóm chưa lần nào phải sử dụng đến biện pháp này.
“Có một tình huống rất vui là bọn em có gắn một máy quay GoPro (camera hành trình) ở bên đường để lấy một số cảnh, tuy nhiên có lần bọn em thực hiện cảnh quay đó ở gần công trường thì công nhân ở đó tưởng máy ai rơi nên vô tư đến nhặt, bọn em phải thuyết phục mãi mới nhận lại được máy của mình” - Dung cho biết.
Để hoàn thành phóng sự này, nhóm tám người đã phải quay trong bốn ngày, trong đó có những thời điểm cả nhóm phải quay đến 2 giờ sáng. Tiếp đến, nhóm phải mất hai tháng để hoàn thiện sản phẩm này.
Phóng sự camera giấu kín của nhóm sau đó đã được tổ chức Plan International sử dụng trong việc gây quỹ cho giai đoạn tiếp theo của dự án “Thành phố an toàn và thân thiện với em gái” tại Hà Nội. Đồng thời, phóng sự cũng được tổ chức này dùng để truyền thông, vận động cho những thay đổi trong chính sách liên quan đến vấn đề an toàn và sự tham gia của trẻ em gái ở khu vực đô thị. Đại diện nhóm chia sẻ về phóng sự đã thực hiện. Ảnh: Đ.TRUNG
|
Tác giả bài viết: Viết Thịnh