Đầu tháng 7/2018, trong quá trình đưa bạn đi du lịch phố cổ Hà Nội, Hoàng Giang (SN 1987, quê ở Nam Trực, Nam Định) từng rất bất ngờ khi nhận ra sự phân biệt của một người bán hàng rong đối với khách Việt và khách Tây.
Hoàng Giang cho biết, cô và bạn vừa mua 1 kg mận Sơn La từ người bán hàng rong với giá 35 nghìn đồng/kg. Sau khi trả tiền xong, cô và bạn chưa kịp rời đi thì 3 vị khách Tây rẽ vào hỏi mua mận. Tuy nhiên thay vì bán giá 35 nghìn đồng, người phụ nữ này hét giá 50 USD/kg (khoảng hơn 1 triệu đồng).
“Bạn của tôi thấy sự bất bình nên quyết định lên tiếng, thắc mắc và nhắc nhở người bán hàng nên bán đúng giá. Ngay lập tức cô ấy bị người bán hàng lườm cháy mặt và xua đuổi.
Khi không xua đuổi được, cô ấy chửi bạn tôi té tát khiến 3 vị khách ngỡ ngàng. Chúng tôi nói sẽ báo công an, cô ta mới im tiếng và bỏ đi”, Hoàng Giang nhớ lại.
Là người bán hàng rong lâu năm ở khu vực phố cổ, chị Hoa (quê Hải Dương) cũng khá bức xúc về những người buôn bán chộp giật. |
Việc phân biệt khách Tây - khách ta và việc hét giá quá cao của người bán hàng rong khiến Hoàng Giang rất bất ngờ.
Chính vì vậy, sau khi kết thúc chuyến đi chơi, Hoàng Giang chia sẻ câu chuyện mình vừa chứng kiến trên một diễn đàn. Không ngờ, câu chuyện mà cô kể không phải trường hợp quá đặc biệt với những người sinh sống hoặc làm việc tại khu vực phố cổ.
Một người bạn của Hoàng Giang kể với cô rằng, những năm gần đây, nhờ sự quyết liệt của các cơ quan chức năng nên tình trạng chặt chém khách Tây giảm đi đáng kể.
Trước khi “hét” giá với khách Tây, những người bán hàng này thường phải liếc nhìn xung quanh để đảm bảo không có công an xuất hiện. Sau khi chặt chém khách xong, họ sẽ rời đi rất nhanh để tránh bị phát giác.
Tuy nhiên vẫn có lần người bạn này từng chứng kiến người phụ nữ bán 3 bắp ngô luộc cho khách tây với giá 100 USD (khoảng hơn 2 triệu đồng).
Về việc này, anh Lê Hoàng Anh (hướng dẫn viên du lịch) cũng cho biết trong quá trình làm nghề, anh từng chứng kiến một vài chủ hàng quần áo, giầy dép, mũ nón bán cho khách Việt với giá 50 - 60 nghìn đồng/sản phẩm. Tuy nhiên khi khách Tây vào hỏi mua thì họ lại bán giá gấp 10 lần.
Chính vì vậy mới có chuyện, khi định mua hàng, nhiều khách nước ngoài có kinh nghiệm phải nhờ các bạn người Việt hoặc hướng dẫn viên du lịch chứ không trực tiếp ra mặt.
Nạn chặt chém ở phố cổ đã giảm bớt nhưng nhiều khách du lịch vẫn không tự tin khi mua hàng một mình. |
Bên cạnh đó, anh Hoàng Anh còn chia sẻ, nhiều trường hợp, khách của anh bị “hớ” bởi một vài trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch.
Gần đây nhất, 2 vị khách Tây của anh đặt dịch vụ đi tham quan Sa Pa, Lào Cai. Giá vé di chuyển từ Hà Nội đến Lào Cai trọn gói là 400 nghìn đồng/người.
Khi đặt vé, phía cung cấp dịch vụ hứa hẹn sẽ đến tận khách sạn - nơi khách ở để đón. Tuy nhiên gần đến giờ khởi hành, họ lại yêu cầu khách phải tự bắt xe đến bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) rồi mới được tham gia chuyến đi.
Việc cung cấp dịch vụ không đúng như giao ước ban đầu khiến những vị khách du lịch rất bức xúc. Nhiều khách cho biết, số tiền họ bỏ ra mua vé không quá nhiều nhưng việc “treo đầu dê, bán thịt chó” khiến họ cảm thấy thất vọng.
Chính vì vậy, anh Hoàng Anh cũng như nhiều người làm du lịch đều hy vọng, tình trạng lừa đảo, chặt chém sẽ được các cơ quan chức năng xử lý triệt để để hình ảnh du lịch Việt tốt đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế.
Tác giả: Minh Anh - Diên Vỹ
Nguồn tin: Báo VietNamNet