Học sinh tiểu học viết bài có trích dẫn nguồn cụ thể
Có con trai theo học tiểu học 1,5 năm tại đất nước này, anh Nguyễn Bá Lâm - cựu sinh viên Trường ĐH AUT - kể lại những điều khác biệt.
Đó là trẻ con ở đây khi tròn 5 tuổi sẽ nhập học lớp 1, thường là sau ngày sinh nhật. Buổi học bắt đầu từ 9h sáng và kết thúc lúc 3h chiều hàng ngày. Lớp học quy mô nhỏ, sĩ số ít đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nhóm cũng như hoạt động thể chất...
Anh Lâm khá bất ngờ khi có lần con đi học về, kể chuyện ở trên lớp được cô giáo hướng dẫn cho xem trên Youtube về một chủ đề thời sự lúc bấy giờ là sự cố về tràn dầu. “Các vấn đề thời sự, kiến thức khoa học được giới thiệu cho học sinh lớp 1, 2 từ rất sớm, theo cách dễ tiếp nhận và phù hợp với lứa tuổi nhất”.
Chị Đoàn Thanh Hải |
Chị Đoàn Thanh Hải - thạc sĩ marketing tại Trường ĐH Masey - thì vô cùng ngạc nhiên khi trẻ tiểu học ở đây đã có thói quen trích dẫn khi viết các báo cáo kết quả học tập.
“Các em có khi chỉ viết một câu, nhưng có tới 3 dòng trích dẫn nguồn từ đâu” – chị Hải cho hay.
Các thư viện hỗ trợ cho trẻ rất tích cực trong việc hình thành thói quen tự tìm hiểu và thu nhận kiến thức cho học sinh.
Thói quen được thiết lập từ những năm đầu tiểu học như vậy đã trở thành điều hiển nhiên ở giáo dục bậc cao hơn như phổ thông, đại học.
Nguyễn Mai Trang cũng chia sẻ những điều tương tự. Là một nữ sinh Hà Nội, Trang chọn Waiuku, một trường cấp 3 ở ngoại ô thành phố Aucland để theo học tự túc từ năm lớp 12 (sau lớp 13 học sinh sẽ tốt nghiệp THPT).
Trang cho biết trong quá trình học, thậm chí khi làm bài kiểm tra, học sinh được sử dụng tài liệu để tham khảo thoải mái, miễn là khi tổng hợp thông tin để trình bày cho bài viết của mình cần trích dẫn đầy đủ. “Sao chép nguyên văn sẽ không được chấp nhận” – Trang nói.
Với Đoàn Thanh Hải, khi theo học thạc sĩ marketing tại ĐH Masey, thì nghiên cứu được thực hiện nghiêm túc và bài bản. Khi sử dụng ý đi mượn ở đâu đó phải trích nguồn rõ ràng, đầy đủ.
“Điều này không phải là mới, ở Việt Nam cũng được nhắc đến, nhưng ở New Zealand người học tuân thủ nghiêm ngặt. Bài tập khi nộp lên website của trường đều chạy qua phần mềm để phát hiện đạo văn vì người New Zealand cực kỳ đề cao sự sáng tạo và tôn trọng chất xám của người khác” – chị Hải kể lại.
Học ít môn
Theo Minh Anh, học sinh lớp 12 trường Otaki College, tại New Zealand, các môn học trong chương trình được chú trọng đồng đều như nhau. Thay vì phải học 13 môn như ở Việt Nam, học sinh chỉ cần học trung bình 6 – 7 môn một năm.
Có khoảng 3 môn bắt buộc, còn lại học sinh được lựa chọn theo ý muốn và năng khiếu của mình. Mỗi học sinh sẽ có một chương trình học khác nhau. Giáo viên cũng không ép phải học theo khuôn khổ nào mà sẽ để học sinh tự trải nghiệm, khám phá ra những điều mới lạ.
Học hết lớp 8 ở một trường dân lập Hà Nội, Minh Anh sang New Zealand và theo học lớp 10 theo diên du học tự túc |
Còn Mai Trang sang đây, điều mà cô thích nhất ở môi trường học tập mới là toàn bộ kiến thức trong sách vở phải tự học ở nhà, khi đến lớp, thầy cô chỉ giúp giải đáp những câu hỏi của học sinh hay tổ chức các hoạt động giúp thực hành kiến thức trong thực tế.
“Như vậy, bọn mình có được hình dung tốt nhất về bài học. Vốn ham chơi, mình trở nên tự giác cao, chủ động và hào hứng với việc học” – Trang cho biết.
Từng công tác tại ĐHQG Hà Nội và tham gia quản lý một số chương trình đào tạo quốc tế, chị Thanh Hải vẫn không khỏi bất ngờ khi ở New Zealand, số môn học thạc sĩ trong kỳ “ít hơn hẳn Việt Nam hay Mỹ”.
Mỗi kỳ có tối đa 4 môn, nhưng vào từng môn thì giảng viên yêu cầu "đào" rất sâu vào tính thực tiễn. Từng bài tập của sinh viên đều phải làm về một doanh nghiệp cụ thể ở New Zealand mà trường tương tác. Bài tập phân tích tình huống hay kế hoạch marketing của sinh viên sẽ được cả giảng viên và doanh nghiệp “chấm điểm”.
Chú trọng giáo dục thể chất, tình yêu thiên nhiên
Một ấn tượng khác mà Mai Trang chia sẻ là việc thay đổi phòng học: kết thúc mỗi môn, học sinh sẽ di chuyển sang phòng học khác, hoặc tòa nhà khác tại các “phòng học bộ môn”.
"Cách tổ chức lớp học như vậy giúp chúng em có nhiều cơ hội vận động, tăng tính chủ động cho cá nhân. Ngoài ra, việc kết thúc giờ học lúc 3h chiều, em còn có thời gian vận động xung quanh trường, vừa thư giãn, vừa là hình thức vận động cơ thể rất tốt" - Trang nhận xét.
Chị Thanh Hải thì vẫn nhớ chi tiết “lau giày” trước khi vào rừng trong một lần đi dã ngoại. Khi đó, chị phát hiện ra ở bìa rừng người ta đặt máy lau giày tự động, không bắt buộc mà khuyến khích tự nguyện.
"Việc làm sạch môi trường, ngăn các vật thể, nguồn giống lạ trước khi vào rừng cho thấy xứ sở này trân trọng thiên nhiên đến như thế nào. Đó cũng là những bài học sống động nhất cho trẻ em về tình yêu thiên nhiên".
Mong môi trường được tự do, sáng tạo
Ở trường của Minh Anh, mỗi học sinh được phát một máy tính nhỏ, có tài khoản riêng. Thầy cô và học sinh có thể cùng chia sẻ một vấn đề qua “lớp học Google”, mọi thứ được giải thích rõ ràng, dễ hiểu.
Còn Minh Trang thì cho biết một số kiến thức nền tảng về toán học hay ngữ pháp tiếng Anh mà các em được học ở Việt Nam cũng là một “thế mạnh”, giúp bản thân dễ dàng theo kịp bạn bè trong lớp.
“Có những thứ “dẫu biết là tốt” nhưng ở Việt Nam không dễ gì áp dụng được với thực tế lớp học đông, số tiết học bị “bó cứng” hay điều kiện vật chất hạn chế” – cô nữ sinh mái tóc nhuộm xanh ánh tím khá ấn tượng chia sẻ.
Nhưng sự khác biệt mà các em cảm nhận thấy là môi trường giáo dục ở đất nước phát triển này giúp mọi học sinh tự do bày tỏ suy nghĩ của mình. Các em không ngại hay xấu hổ khi hỏi những câu hỏi sai hoặc trình bày một ý tưởng được cho là khác thường...
Cuối tháng 9/2017, tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) công bố chỉ số xếp hạng cho tương lai (Educating for Future Index) của 35 nền kinh tế. Chỉ số này nhấn mạnh những lĩnh vực chính yếu mà nền giáo dục các nước cần phải đầu tư, bao gồm: phương pháp dạy và học theo dự án (thay vì theo từng môn học riêng lẻ), mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, và xây dựng chương trình học trên nền tảng công nghệ. New Zealand đứng số 1 trong bảng xếp hạng này.
Ông John Laxon, Giám đốc vùng của Tổ chức giáo dục New Zealand tại khu vực Nam Á, Đông Nam Á và Trung Đông, cho hay cách tiếp cận "Think New - Tư duy mới" của giáo dục New Zealand đặt trọng tâm vào khả năng học hỏi của học sinh và phương pháp dạy và học theo dự án. Cùng với những khác biệt và nỗ lực khác, New Zealand đã đạt được kết quả nói trên.
Một con số thuyết phục khác: Trong năm 2017, số lượng visa sinh viên lần đầu tiên đến New Zealand đã tăng gần 60% so với năm 2016. Có lẽ, tinh thần không ngừng cải tiến để có kết quả vượt bậc dù đã có nhiều thành tựu trong giáo dục là điều mà quốc gia nào trong quá trình đổi mới giáo dục cũng cần soi chiếu.
Tác giả: Hạ Anh
Nguồn tin: Báo VietNamNet