HSBC vừa công bố bảng xếp hạng 45 quốc gia về môi trường làm việc của chuyên gia nước ngoài. Năm nay, Việt Nam thăng lên hạng 19, một cải thiện khá tốt so với vị trí thứ 25 trong khảo sát năm ngoái.
Nếu chỉ tính riêng ở Đông Nam Á với 6 nước được xếp hạng (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam), Việt Nam giữ vị trí thứ 2 chỉ sau Singapore. Khoảng 35% chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam nói rằng đây là thị trường lý tưởng để phát triển sự nghiệp. Ba lý do phổ biến nhất thúc đẩy các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam là để tìm kiếm thách thức mới (46%), đi theo điều chuyển của nhà tuyển dụng (26%) và muốn cải thiện chất lượng sống (24%).
Liên quan đến thu nhập, hơn một phần ba nói rằng làm việc tại Việt Nam giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn so với tại quê nhà. Cụ thể, thu nhập trung bình của các chuyên gia nước ngoài tại Việt Nam là 103.000 đôla mỗi năm (khoảng 2,3 tỷ đồng), cao hơn mức trung bình của toàn cầu là 97.000 đôla. Trong phạm vi các nước ASEAN có khảo sát, mức thu nhập này chỉ thấp hơn Singapore và gần bằng Malaysia (104.000 đô la). Đáng lưu ý, có đến 14% số chuyên gia nước ngoài kiếm được hơn 200.000 đôla mỗi năm tại Việt Nam.
Không ít chuyên gia nước ngoài kiếm được 200.000 USD mỗi năm tại Việt Nam.
Việt Nam tạo ấn tượng tốt đối với các chuyên gia nước ngoài nhờ vào các lợi thế về kinh tế. Gần ba phần tư cảm thấy tự tin về nền kinh tế và 62% đánh giá cao sự ổn định chính trị của Việt Nam. Việt Nam cũng tạo ra nhiều cơ hội tiết kiệm với gần ba phần tư số người được khảo sát cho biết họ đã tiết kiệm được nhiều hơn và gia tăng thu nhập khả dụng kể từ lúc chuyển tới đây. Tuy nhiên, 59% cho rằng việc quản lý tiền bạc tại Việt Nam còn phức tạp và hạn chế.
Khi đề cập đến trải nghiệm, mặc dù các chuyên gia nước ngoài khá yêu thích đời sống xã hội và các hoạt động văn hóa tại Việt Nam, nhưng một tỷ lệ cao (78%) bày tỏ lo ngại về các vấn đề môi trường. Đối với những người đang làm cha mẹ, có đến 80% tin tưởng rằng con cái họ đang tận hưởng chất lượng sống tương đương hoặc tốt hơn, nhưng cùng tỷ lệ này lại nói rằng chi phí giáo dục đắt đỏ hơn so với tại đất nước của họ.
Ở quy mô toàn cầu, năm 2016 là năm thứ hai liên tiếp Singapore dẫn đầu bảng xếp hạng. Các chuyên gia nước ngoài tại đảo quốc này gặt hái những kết quả xứng đáng về mặt tài chính và được tạo cơ hội tuyệt vời để phát triển sự nghiệp. Đồng thời, họ được tận hưởng một cuộc sống chất lượng và môi trường thân thiện, an toàn.
Hơn 60% chuyên gia nước ngoài tại Singapore nói rằng nơi này thuận lợi để phát triển sự nghiệp. 62% công nhận thu nhập tăng lên kể từ lúc họ chuyển đến làm việc tại đây. Hiện thu nhập trung bình của chuyên gia nước ngoài tại Singapore là 139.000 đô la Mỹ một năm.
Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng ở góc độ kinh tế thì Thụy Sĩ là quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng. Cứ 10 chuyên gia nước ngoài ở Thụy Sĩ thì có gần 9 người cảm thấy tự tin về ổn định chính trị và 80% người tự tin về kinh tế của quốc gia này. Họ cũng có cơ hội kiếm được thu nhập tốt hơn so với tại quê nhà, với mức thu nhập trung bình là 188.000 đôla mỗi năm.
“Các chuyên gia đều nhất quán trong quan điểm rằng chuyển ra nước ngoài làm việc giúp họ đạt được các kỳ vọng về sự nghiệp và mục tiêu tài chính dài hạn, từ việc đưa con cái tiếp cận với một nền giáo dục tốt hơn cho đến đầu tư vào bất động sản và tiết kiệm hưu trí. Hầu hết chuyên gia cũng công nhận chất lượng cuộc sống của họ đã được cải thiện kể từ khi họ chuyển ra nước ngoài, và họ cũng hòa nhập tốt với người dân và văn hóa địa phương”, ông Dean Blackburn - Giám đốc Khối Chuyên gia nước ngoài Tập đoàn HSBC kết luận.
Tác giả bài viết: Viễn Thông