Kinh tế

Chuyên gia Nguyễn Đình Cung: “Cứ mải mê huy động và huy động, nền kinh tế sẽ xuống hố!”

Cho rằng việc huy động nguồn lực của Việt Nam hiện đang ở mức cao, đặc biệt là có tới 400 tỷ USD đang nằm trong khu vực Nhà nước nhưng lại không được sử dụng hiệu quả, ông Nguyễn Đình Cung nhận định, nếu mải mê huy động, nền kinh tế sẽ xuống hố chứ không phải là sẽ bay lên.

400 tỷ USD nằm trong khu vực Nhà nước?

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016 “Thách thức tái cơ cấu và triển vọng” đang diễn ra tại Hà Nội sáng nay (12/10), chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) chia sẻ, sắp xếp lại, tái cơ cấu nền kinh tế là vấn đề mà ông trăn trở nhiều năm nay.

Theo ông Cung, khi nói đến tái cơ cấu nền kinh tế, nhiều người thường băn khoăn “lấy nguồn lực ở đâu”.

“Từ đó, người ta mới bắt đầu hô hào “Huy động, huy động và huy động!” nhưng tôi nghĩ cách đó không phải. Cùng với huy động, điều quan trọng hơn là phân bổ lại nguồn lực và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả để khơi thông các dòng chảy của nền kinh tế. Còn nếu cứ đi huy động mãi thì chúng ta sẽ xuống hố chứ không phải là sẽ bay lên nữa!”, ông Cung bày tỏ quan điểm.


Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM

Vị chuyên gia cho rằng, trên thực tế, mức huy động cho đầu tư của Việt Nam là đã ở mức cao so với chuẩn mực, tuy nhiên, hiệu quả lại thấp hơn nhiều so với các nước có cùng thời kỳ phát triển, việc cải thiện hiệu quả đầu tư diễn ra chậm, một số chỉ tiêu về môi trường đầu tư kinh doanh đang trở nên xấu đi.

Ông Cung đánh giá, huy động qua ngân sách, chi thường xuyên đều đã ở mức rất cao, đến mức huy động không đủ để chi tiêu. Chính vì thế nên nợ công cũng tăng lên rất nhanh.

Nguồn lực để tăng trưởng vấn chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng lên tới 16-18%. Như vậy cứ 3 đơn vị tín dụng thì mới có 1 đơn vị tăng trưởng. Huy động FDI chiếm đến 26-28% tổng đầu tư xã hội, FDI chiếm đến 70% xuất khẩu.

Nói như thế để thấy rằng, trong vấn đề huy động vốn, Việt Nam đã làm rất tốt và đã đến tới hạn. Vấn đề bây giờ không phải chỉ là huy động nguồn lực mà phải sử dụng hiệu quả những nguồn lực đang có.

“Nếu không sử dụng tốt thì các dòng chảy sẽ khô cạn dần, không thể tạo được các dòng chảy, các dòng xoáy, mở rộng năng suất, hiệu quả của nền kinh tế”, ông Cung cho hay.

Viện trưởng CIEM cũng đưa ra thông tin cho hay, hiện tại một nguồn lực rất lớn đang nằm trong khu vực Nhà nước, con số này lên tới 400 tỷ USD, đó là chưa tính đến các nguồn lực như đất đai.

“Thế nhưng đáng tiếc là hiệu quả ở khu vực này rất thấp, xói mòn tiềm lực và năng lực cạnh tranh của quốc gia. Bao nhiêu dự án đầu tư thua lỗ, mất hàng chục nghìn tỷ đồng. Tôi nhìn thấy rất nhiều dự án đầu tư đội vốn đến 2-3 lần, đó cũng là một cách làm xói mòn nguồn lực quốc gia, xói mòn sự thịnh vượng của quốc gia. Một nền kinh tế mua đắt bán rẻ, không tính đến hiệu quả”, ông Nguyễn Đình Cung nhìn nhận.

Ông Cung cũng cho rằng, sự xói mòn nguồn lực này đang khiến khu vực kinh tế tư nhân bị mất đà và mất “máu lửa”. Số doanh nghiệp thông báo thua lỗ tăng lên, số doanh nghiệp sản xuất thực sự và đăng ký mới doãng ra.

Cần ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế do Thủ tướng đứng đầu

Theo khuyến nghị của ông Nguyễn Đình Cung, cần phải thay đổi lại tư duy, không phải là huy động nguồn lực nữa, mà phải phân bổ lại nguồn lực, sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của nền kinh tế. Phải thay đổi cách thức phân bổ nguồn lực theo hướng hành chính xin – cho đang tạo lên sự sai lệch, kém hiệu quả, lãng phí, thất thoát.

Trong 3 đột phá chiến lược của nền kinh tế có đột phá về thể chế, là phải thiết lập được một hệ thống thị trường về các yếu tố sản xuất – đây cần là một nhiệm vụ trọng tâm của nền kinh tế.

Trọng tâm thứ hai phải làm tái cơ cấu khu vực tài chính, phải tư duy lại rằng, không chỉ là thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước mà còn phải cơ cấu lại danh mục tài sản của Nhà nước. Nhà nước cần phải rút khỏi kinh doanh, tập trung vào xây dựng thể chế, xây dựng hạ tầng, làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình.

Ngoài ra, ông Cung cũng đề nghị, trong tái cơ cấu ngân hàng phải xử lý dứt điểm và xử lý nhanh nợ xấu. Phải tách rời nhiệm vụ xử lý nợ xấu khỏi việc trừng phạt những người gây ra nợ xấu. Theo ông Cung, đây không phải là khoan dung, cứu rỗi những tổ chức tín dụng yếu kém mà để giảm được tổn thất mà nền kinh tế phải gánh chịu, để đưa nền tài chính hoạt động trở lại một cách bình thường.

Bên cạnh đó, ông Cung cho rằng, cần thiết phải có một ủy ban, một “đội đặc nhiệm” tái cơ cấu kinh tế do Thủ tướng đứng đầu.

“Nó sẽ thay đổi cấu trúc, nguồn lực, quyền lợi nên sẽ có nhiều người phản đối, họ sẽ bảo vệ lợi ích của mình. Nên các nhà lãnh đạo phải vượt qua chính mình, phải vượt qua khỏi lợi ích cục bộ ngành địa phương... Có xu hướng là người ta chỉ làm những gì có lợi cho người ta, không có lợi thì chưa làm”, Viện trưởng CIEM cho biết.

Do vậy, theo ông Nguyễn Đình Cung, phải thay đổi lại tư duy, thay đổi cách triển khai thực hiện thì mới hy vọng mới thành công, còn không thì nền kinh tế sẽ thụt lùi.

Tác giả bài viết: Bích Diệp

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP