Trong nước

Chuyện đời bất hạnh của người mẹ sát hại con trai 15 tuổi

Mặc dù mang trọng tội, nhưng nhiều người dân địa phương lại cho rằng Chử Thị Thước đáng thương hơn là đáng giận. Người mẹ ấy đã từng rất mực thương con, chăm lo cho con từng ly, từng tý, nhưng rồi, trong một lần nóng giận, không làm chủ được hành vi, người mẹ ấy đã sát hại chính con mình.


Ngôi nhà tuềnh toàng của ba mẹ con Thước.

Từng là người phụ nữ tảo tần

Hơn một tuần trôi qua nhưng người dân thôn Ba Chữ (xã Vân Nội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) vẫn không ngớt bàn tán về việc Chử Thị Thước (SN 1969, ở địa phương) đã sát hại con đẻ của mình. Căn nhà nơi gia đình Thước sinh sống nằm ngay giữa thôn, lọt thỏm giữa nhiều ngôi nhà cao tầng khác. Trong nhà, ngoài chiếc tivi và chiếc tủ lạnh cũ nát thì chẳng còn thứ gì đáng giá. Hiện tại, Thước đã bị cơ quan công an bắt tạm giam để điều tra về hành vi sát hại con trai.

Khoảng 12h ngày 1/7, Công an huyện Đông Anh nhận được trình báo của bà Thước về việc con trai là Chử Văn Chiến (SN 2001) chết bất thường trên giường ngủ. Tại hiện trường, cơ quan điều tra phát hiện nhiều vết thương trên đầu cháu Chiến. Xác định tính nghiêm trọng của vụ việc, cơ quan điều tra đã tập trung khoanh vùng, xác minh di biến động của nạn nhân và đặt ra nghi vấn đối với Thước. Biết không thể thoát tội, Thước đã đến cơ quan công an đầu thú. Theo đó, đêm 30/6, cháu Chiến đi chơi về muộn nên hai mẹ con đã xảy ra cãi vã. Trong lúc tức giận, Thước lấy gậy đánh con trai khiến cháu tử vong. Sau khi gây án, Thước rửa sạch hung khí vứt ra sau nhà.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Chu Văn Khoa (anh trai Thước) cho biết, trong gia đình, Thước là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Chỉ học đến lớp 6, Thước phải nghỉ để theo bố mẹ ra đồng làm lụng. 27 tuổi, Thước lập gia đình với một người đàn ông ở xã Tự Lập (huyện Mê Linh, Hà Nội). Nhưng cuộc hôn nhân này được vài năm thì xuất hiện những rạn nứt, cả hai ra tòa ly hôn. Năm 2000, Thước tái giá với một người đàn ông khác ở xã Tráng Việt (huyện Mê Linh). Khi đang mang thai sắp đến ngày sinh nở, vợ chồng lại phát sinh mâu thuẫn. Sau đó, Thước ôm bụng bầu về sống nhờ bên ngoại ở xã Vân Nội. Đến ngày sinh nở, Thước sinh ra hai bé Chử Văn Chiến và Chử Thị Chinh. Một nách hai con, Thước đã phải bươn trải đủ mọi việc để nuôi dạy, mong con nên người. Làm ruộng chả đủ ăn, Thước quay trang trồng rau. Cứ như vậy, suốt mười mấy năm ròng rã chỉ một mình Thước nuôi nấng chăm bẵm các con.

Hệ quả từ những uất ức bị dồn nén?

Di ảnh cháu Chiến. Ảnh: TS

Theo anh Khoa, thấy em gái qua hai lần đò mà tay trắng vẫn hoàn tay trắng nên anh đã nhường lại ngôi nhà này cho ba mẹ con ở, còn gia đình mình chuyển sang ngôi nhà bên. Hôm xảy ra sự việc, anh không có ở nhà nên không rõ cụ thể như thế nào. Anh chỉ lờ mờ đoán rằng, vì cháu Chiến hỗn hào khiến cho những uất ức lâu ngày dồn nén nên Thước không kiềm chế được và đã nhặt cây gậy gỗ “dạy bảo” con. Chẳng ngờ sự việc đã đi quá xa.

Anh Khoa tâm sự: “Nhiều người bảo tôi phải có “biện pháp mạnh” để uốn nắn cháu Chiến nhưng tôi gần như bất lực, không nghĩ ra cách nào hơn cả. Có lần tôi cũng nhờ các anh ở UBND xã Vân Nội giúp đỡ, song cũng chưa có biện pháp nào khả dĩ. Năm ngoái khi bị xích chân vào giường, Chiến cứ khóc lóc xin mẹ tháo xích để đi học lại. Nhưng mất bao nhiêu công sức xin nhà trường cho đi học, Chiến lại biến đi chơi, chả học hành gì cả. Thậm chí, Chiến còn đến trường tiểu học để bắt nạt, trấn lột tiền của các em nhỏ. Học đến lớp 8 thì Chiến bỏ học, mẹ nói thế nào cũng không nghe. Mới tý tuổi đầu nhưng Chiến hút thuốc lào thì không ai bằng, cứ sòng sọc cả ngày cũng được”.

Bà Phạm Thị Liên (hàng xóm) chia sẻ: “Khổ từ bé nên Thước rất chịu khó, việc gì đến tay cũng làm. Những tưởng cuộc sống về sau sẽ dễ dàng hơn, nhưng ai ngờ… Hôm biết tin Thước đánh chết cháu Chiến, tôi đã chết lặng. Tôi không dám tin và cũng không muốn tin điều ấy là sự thật. Bình thường, Thước là một người rất hiền lành, chung sống với bà con hàng xóm hòa đồng vui vẻ. Dù cuộc sống có cơ cực đến đâu nhưng chưa bao giờ tôi thấy Thước kêu ca nửa lời. Có lẽ bao nhiêu cay đắng, tủi nhục dồn nén lại trong từng ấy năm đã khiến cho Thước không tự chủ được hành động của mình”.

Ông Chử Đình Tin, Trưởng thôn Ba Chữ cho biết, khi được triệu tập về UBND xã làm việc, Thước phủ nhận việc đánh con trai tử vong. Sau đó, Thước về nhà để lo cho đám tang con trai. Tối 1/7, Thước đến cơ quan công an đầu thú và thừa nhận hành vi của mình. Ông Tin cho biết: “Gia đình Thước thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh rất đáng thương. Cả nhà sống dựa vào 2 sào ruộng và đồng công đi làm thuê của Thước. Còn cháu Chiến có tật xấu là hay ăn cắp vặt, khi thì tiền, khi thì chiếc xe đạp... Cuộc sống vốn cơ cực lại thêm đứa con bất trị đã đè nặng lên đôi vai người phụ nữ này”.

Bà Nguyễn Thị H (hàng xóm của Thước) cho biết: “Có lẽ do cháu Chiến thiệt thòi từ bé nên Thước rất thương con. Thương quá đâm chiều chuộng, Chiến đòi gì được nấy. Sau này lớn lên, Chiến nhiễm bao nhiêu tính xấu, không sửa được. Chiến chỉ thích ăn chơi mà không thích làm lụng, rồi kết bạn với một lũ bạn chuyên lêu lổng, tụ tập nhậu nhẹt, hút hít. Nó cũng khiến cho mẹ bao lần phải xin lỗi hàng xóm và đi trả nợ thay. Hôm xảy ra vụ việc, Chiến lấy 2 triệu đồng của mẹ đi chơi đến tối khuya mới về. Có lẽ vì nóng giận quá nên Thước đã hành động dại dột dẫn đến thảm cảnh đau lòng này”.

Tác giả bài viết: Thanh Sơn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP