Tin địa phương

Chút hoài niệm Ðà Nẵng

Cuối năm 1991, tôi lại vào Ðà Nẵng. Lần này với tư cách trưởng đoàn, chủ nhiệm đồ án Quy hoạch chung xây dựng thành phố Ðà Nẵng. Ðoàn có 11 người là các kiến trúc sư, kỹ sư chuyên ngành đô thị thuộc Viện Quy hoạch Ðô thị Nông thôn- Bộ Xây dựng.

Tác giả trình bày đồ án quy hoạch với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các lãnh đạo Quảng Nam - Ðà Nẵng.

Đà Nẵng hơn 15 năm sau ngày Giải phóng nhưng vẫn còn giữ nguyên hình ảnh của một đô thị phục vụ chiến tranh- Đà Nẵng là một khu liên hợp quân sự khổng lồ (Hải - Lục- Không quân) của chính quyền cũ trước năm 1975.

Ngày ấy, từ Huế vào Đà Nẵng phải qua đèo Hải Vân hiểm trở. Qua Liên Chiểu- Nam Ô để vào trung tâm thành phố là những cồn cát trải dài dưới chân núi Phước Tường ngập những nghĩa địa sáng lòa nối tiếp nhau. Từ Ngã ba Huế vào trung tâm là tuyến phố lớn với kiến trúc đơn điệu, thấp tầng bằng vật liệu đá rửa truyền thống của một thời gian khổ. Nhiều tuyến phố đan nhau thiếu hoạt động thương mại nên buồn tẻ, đìu hiu...

Sông Hàn, con sông làm nên giá trị không gian cảnh quan kiến trúc đô thị lặng lờ trôi, bên hai bờ sông còn nhem nhuốc. Nối hai bờ sông Hàn duy nhất có cây cầu Nguyễn Văn Trỗi và các chuyến phà từ chợ Hàn sang bãi than phía bờ Đông hãy còn nghèo khó và nhếch nhác.

Đặc biệt khu làng chài Nại Hiên Đông án ngữ cả một vùng cửa sông rộng lớn là làng nghề biển truyền thống của đô thị này. Làng chật chội, phát triển tự phát, nhà ở quay lưng ra sông Hàn với kiến trúc đặc trưng là nhà ở trên cọc vừa xấu vừa làm ảnh hưởng môi trường sông nước và mang tính địa phương khó quên trong lịch sử phát triển đô thị một thời.

Năm 2012, Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật lần thứ 3 có tên dành cho tác phẩm Quy hoạch chung xây dựng thành phố Ðà Nẵng. Tác giả bài viết này và cộng sự đã vinh dự nhận giải thưởng danh giá này do Chủ tịch nước trao tặng.

Trong tháng đầu tiên ở Đà Nẵng, tôi và đoàn công tác triển khai thực địa, khảo sát toàn thành phố và vùng phụ cận. Công việc quy hoạch quan trọng này có sự tham gia của Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng nên việc đi khảo sát thực tế có nhiều thuận lợi. Qua việc tiếp cận thực tế mới thấy việc sử dụng đất xây dựng của thành phố phần lớn là đất quân sự gồm đất xây dựng sân bay, kho tàng, bến bãi quân sự, có cả dưới lòng đất, diện tích lớn như sân bay Nước Mặn; sân bay Đà Nẵng; Tổng kho An Đồn; Kho xăng Nại Hiên. Các trại lính mà chúng ta đang sử dụng lại án ngữ cả một vùng phía Đông sân bay Đà Nẵng.

Núi Sơn Trà, cảnh quan thiên nhiên được Thượng đế ban cho Đà Nẵng, vừa che chắn gió Đông Bắc, vừa là thắng cảnh kỳ thú cho thành phố, là Vườn Quốc gia đặc biệt và cũng là một điểm quan trọng trong an ninh quốc phòng của quốc gia. Trên đỉnh Sơn Trà cao 621m là radar hải quân Mỹ được cho là biểu tượng mắt thần khu vực Đông Dương được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Xin được nhắc địa danh này để chúng ta thấy rằng trong quy hoạch thành phố Đà Nẵng, Sơn Trà có một vị thế đặc biệt quan trọng.

Đoàn chúng tôi có 5 tháng làm việc tại Đà Nẵng để tiếp cận thực tế, khai thác tài liệu, phác thảo ý tưởng, lên phương án và trình bày với các cấp tại Quảng Nam- Đà Nẵng.

Thành phố Ðà Nẵng hôm nay.

Trong phương án lựa chọn, nội dung tổ chức giao thông đô thị rất quan trọng, là bộ khung cho sự phát triển thành phố và là sự liên kết vùng có liên quan đến việc lấy đất quốc phòng và có quan hệ đến công tác an ninh quốc gia nên chúng tôi quyết định có một buổi báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Quân khu 5.

Tôi nhớ rõ, hôm ấy Trung tướng Phan Hoan- Tư lệnh trưởng quân khu 5 và các tướng lĩnh trong lãnh đạo quân khu đến rất sớm. Trong số đó có Đại tá Nguyễn Đức Soát- Anh hùng lực lượng vũ trang- người phi công bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, Sư trưởng sư đoàn không quân 371 cũng có mặt (sau này anh là Trung tướng, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam). Buổi sáng hôm ấy, tôi trình bày phương án quy hoạch thành phố Đà Nẵng và nhấn mạnh phần quy hoạch có liên quan đến đất quốc phòng và công tác quy hoạch có liên quan đến an ninh quốc phòng tại thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung.

Tôi nhấn mạnh đến sân bay Nước Mặn không còn phù hợp trong yêu cầu phát triển kinh tế của thành phố nên phải dành một phần lớn đất để xây dựng tuyến đường ven biển từ Sơn Trà đến Non Nước- Hội An… Sau khi nghe chúng tôi trình bày, Trung tướng Phan Hoan đề nghị hội nghị trao đổi và Tư lệnh quân khu 5 đồng ý với đề xuất của đoàn. Chúng tôi rất vui và coi đấy là thành công bước đầu trong giai đoạn lập quy hoạch để trình các cấp.

Sau đó, Quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Nẵng đã được tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt vào năm 1993.

Ngày ấy, trong quá trình nghiên cứu đồ án “Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng” chúng tôi đã đề xuất tách thành phố Đà Nẵng ra khỏi tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng để trực thuộc Trung ương. Ngoài phương án ranh giới hành chính thành phố Đà Nẵng như hiện nay còn có phương án thành phố Đà Nẵng có cả huyện Hòa Vang, Hội An và lấy đến sông Thu Bồn trở ra.

Phải công nhận rằng, năm 1996, khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì mới có điều kiện phát triển vượt bậc. Năm 1997, Đà Nẵng bắt đầu bứt phá với các công trình hạ tầng đô thị mà cầu quay sông Hàn là công trình ấn tượng ngay từ đầu thời kỳ thành phố được trực thuộc Trung ương.

Trong các đô thị biển Việt Nam, ngoài thành phố Hạ Long gắn bó với kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long thì thành phố Đà Nẵng là đô thị biển có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và đẹp hiếm có với biển Thái Bình Dương và Vịnh Đà Nẵng, núi Sơn Trà, núi Hải Vân, vòng cung núi Phước Tường và xa hơn là Bà Nà của dãy Trường Sơn hùng vĩ. Đà Nẵng sở hữu dòng sông Hàn làm nên sự khác biệt so với các đô thị Việt Nam.

Đà Nẵng có nhiều dự án để lại dấu ấn được đầu tư khá bài bản và tuân thủ quy hoạch trên cơ sở những điều chỉnh cần thiết và hợp lý. Ngoài hệ thống giao thông đô thị được xây dựng hiện đại, bộ khung đô thị kết nối Bắc- Nam thành phố và hệ thống cầu qua sông Hàn, sông Cẩm Lệ được nghiên cứu, lựa chọn, thiết kế và đầu tư có giá trị cao về thẩm mỹ, về kiến trúc cho từng cây cầu bắc qua sông Hàn- là những tác phẩm của kỹ thuật và nghệ thuật, có màu sắc rất riêng như cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Rồng (là một ý tưởng độc đáo), cầu Trần Thị Lý sang trọng và hiện đại, cầu Tiên Sơn và các cầu vượt sông Cẩm Lệ hướng thành phố về phía Nam để kết nối với vùng đất đầy tiềm năng phát triển.

Cảm nhận về Đà Nẵng ấn tượng nhất có lẽ là về cảnh quan sông Hàn luôn luôn là niềm cảm hứng bởi sự sáng tạo giàu chất thơ, hiện đại, bản sắc nhưng lại rất thân thiện với mọi người. Vào ban đêm, sông Hàn lung linh và huyền ảo, và điều cảm nhận đặc biệt nhất là những đêm Festival pháo hoa quốc tế được tổ chức trên sông Hàn đã làm cho sông Hàn và Đà Nẵng đẹp trạng rỡ và ghi tên tuổi của mình trên bản đồ đô thị thế giới.

Đà Nẵng là một hiện tượng đô thị biển được kỳ vọng nhất và là đô thị kiểu mẫu trong chiến lược phát triển đô thị Việt Nam. Tuy rằng trong quá trình phát triển vẫn còn có những bất cập trong quy hoạch và quản lý khi vấn đề phát triển đô thị đang là thách thức trong quá trình toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Song, những ai đã từng đến với Đà Nẵng đều cùng chung ý nghĩ với cư dân thành phố này- Đà Nẵng là thành phố đáng sống. Những người làm công tác phát triển đô thị đang mong muốn và xây dựng Đà Nẵng là thành phố thông minh- thành phố xanh xứng tầm là đô thị đi đầu cả nước về phát triển và quản lý phát triển đô thị.

Tác giả: KTS. TRẦN NGỌC CHÍNH (CHỦ TỊCH HỘI QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VN)

Nguồn tin: Báo Tiền phong

  Từ khóa: hoài niệm , Ðà Nẵng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP