Đó là những dòng tâm sự đắng nghẹn của một người phụ nữ nghèo. Chị là K.T. L.(SN 1984, trú tại xã Đồng Trúc, Thạch Thất, Hà Nội).
Nhà nghèo với mẹ lao phổi và hai con tật nguyền
Chúng tôi, những PV Báo điện tử Người Đưa Tin khi biết đến câu chuyện của chị đều vô cùng xúc động. Tuy nhiên, khoảng cách mấy mươi ngàn cây số là một rào cản để chúng tôi có thể liên hệ với chị.
Tại một đất nước xa xôi và chênh lệch múi giờ, PV phải rất vất vả mới có được một cuộc nói chuyện trọn vẹn với chị. Vào khoảng 2h đêm (giờ Việt Nam) và khoảng 6 – 7 giờ tối (giờ Ả rập Xê út), lúc đó chị đang chuẩn bị ăn bữa tối tại một trại tị nạn của người Việt.
Chị L. trong trại tị nạn ở Ả rập
Sống trong trại với những người con đất Việt xa quê và phải vì một lí do nào đó, tất cả những người ở đây phải sống khốn khổ trong trại tị nạn chờ ngày được về với quê hương, tổ quốc. Chị L. kể rằng: “Em ơi, ở đây nắng, nóng khắc nghiệt lắm. Thời tiết chẳng có lấy một ngày mát mẻ, nắng nóng tới cháy da cháy thịt”.
Hầu hết những người sống trong trại tị nạn này đều là những người dân nghèo đi xuất khẩu lao động nhưng phá vỡ hợp đồng, trở thành những người bơ vơ, sống vạ vật ở một đất nước khác.
Chị L. tâm sự: “Cuộc sống trong này cũng chật vật lắm, ngày 2 bữa cơm đạm bạc. Sáng ngủ tới tối, rồi tiếp tục ngủ tiếp cho qua ngày để chờ ngày về nước”.
Về hoàn cảnh của mình, chị Kiều Thị Loan rưng rưng nước mắt. Thông qua điện thoại, PV cũng nhận ra chị đang khóc, giọng nói có phần lạc đi vì nỗi uất ức trào dâng: “Nhà chị ở Thạch Thất nghèo lắm em ạ, ruộng không có, nhà cũng chỉ là cái túp lều sống tạm bợ. Chị là lao động chính trong nhà”.
Mẹ chị, người phụ nữ lam lũ đã gần 60 tuổi bị lao phổi nặng. Đã từ lâu bà đã chẳng còn làm được việc gì nặng nhọc. Ngoài ra, chị còn có 2 đứa con bị dị tật bẩm sinh.
“Ở quê làm cả năm không đủ sống nên chị mới quyết định sang bên này làm ô sin để vơi bớt đi gánh nặng cơm áo gạo tiền”, chị L. nói.
Chị được một người tên là C., người của một Công ty xuất khẩu lao động có địa chỉ tại Hà Đông (Hà Nội). Người này có hứa với chị rằng, làm giúp việc ở Ả rập nhàn hạ mà lương khá cao nên chị đánh liều để được đổi đời. Nhưng có lẽ đó chính là quyết định sai lầm nhất của cuộc đời chị.
Đơn thư chị L. gửi đến báo điện tử Người Đưa Tin
“Trước khi đi chị không được đào tạo gì và cũng không được trợ cấp gì, chỉ đi khám sức khỏe. Đến ngày 12/12/2015, chị được anh B., người ở công ty đó đưa ra sân bay rồi bay một vòng tới Ả rập. Chị đã tới Ả rập ngày 14/12/2015, chị làm được 8 ngày thì bà chủ đưa chị đến nhà khác làm”, chị L. thừa nhận.
Chị cũng không biết, không hiểu lý do vì sao chị lại bị đưa sang nhà khác làm. Chị không hiểu tiếng, không hiểu văn hóa,... chị lạc lõng như một người câm điếc nơi xứ lạ.
Bị chủ nhà hiếp dâm, bỏ đói và không trả lương
Trong đơn thư của mình gửi cho báo điện tử Người Đưa Tin, chị L. có nói chiều ngày 22/12/2015, chị L. bị một người đàn ông không rõ danh tính cưỡng hiếp: “Khi về chị có bảo bà chủ thì bà ta bảo không sợ, bà sẽ báo Xuta (công an – PV). Và ngày hôm sau bà đưa chị về Rian cho chị ở đó làm trong 20 ngày. Chị khóc nhiều lắm và xin chủ cho tôi gọi điện thoại cho nhà nhưng chủ không cho”, chị nói.
Hợp đồng lao động của chị L.
Và đến ngày 3/1/2016, chị được chủ nhà đưa về Riat (Thủ đô của Ả rập Xê út – PV), chị làm ở đó được 1 tháng nhưng khổ quá, chị L. có nhờ chủ gọi điện về Việt Nam và được một người phụ nữ ở công ty XKLĐ khuyên nên cố gắng tiếp lục làm việc.
“Đến ngày 16/2/2016 tôi lại gọi điện cho chị ta và nhờ đổi chủ nhưng chị Hà nói với tôi, nếu đổi chủ sẽ khổ hơn xong bảo tôi cố gắng làm. Đến ngày 20/2/2016, tôi đến nhà chủ mới làm, làm được vài ngày thì tôi bị ông chủ mới bóp cổ để cưỡng hiếp. Tôi thân gái như vậy, làm sao chống cự nổi sức của người đàn ông. Hôm đó cả nhà chủ đi làm hết”, chị L. tâm sự.
Hình ảnh mẹ chị và 2 đứa con tật nguyền ở quê nhà
“Ngày 28/3/2016, tôi ho ra máu và khóc suốt cả ngày, đến tối tôi ngất đi và ông bà chủ đưa đi viện xong bỏ mặc tôi ở đó, lương cũng không trả đủ cho tôi và không cho tôi ăn. Vì vậy, tôi không có sức khỏe làm việc, tôi xin ông bà cho về nhưng ông bà không cho về và chửi và đánh tôi”, chị L. tiếp tục câu chuyện về hành trình lưu lạc của mình.
Đến đầu tháng 4, chị L. không thể chịu đựng nổi sự bạc đãi của chủ nhà, chị đã trốn về Đại sứ quán Việt Nam tại Ả rập để cầu xin sự giúp đỡ. Nhưng đến nay, sau 3 tháng về phía Đại sứ quán, cũng như Công ty đưa chị đi XKLĐ cũng chỉ ậm ờ cho qua chuyện.
“Giám đốc của Công ty đó đã hứa sẽ giải quyết cho tôi về, nhưng vẫn không cho tôi về. Đến cuối tháng 4, tôi bị cảnh sát đưa vào trại tị nạn để chờ về nước”, chị L. uất nghẹn.
Ở trong trại, chị đã cố gắng liên hệ phía bên công ty ở Việt Nam nhưng bất thành: “Tôi gọi về lần nào, họ cũng không nghe máy. Đã 3 tháng rồi, tôi ở trong này”, chị thở dài.
Mong muốn của chị hiện nay là được trở về Việt Nam để chăm sóc mẹ già cùng 2 con tật nguyện. Cuộc sống nơi đất khách đã khiến chị phải trả một cái giá quá đắt. Tiền không có, người thân cũng không, chị uất ức nhưng cũng không làm gì được.
“Tôi muốn nhờ quý báo, công an, Bộ Ngoại giao để tôi có thể trở về nhà và làm rõ trách nhiệm của công ty đã đưa tôi sang đây”, chị L. bật khóc nức nở.
Tác giả bài viết: Tiểu Lâm