Đại diện HTX Đồng Thuận (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) cho biết giá chuối cấy mô thu mua trên địa bàn đang ở mức thấp, chỉ 2.000-3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện đã bước vào cuối vụ nên sản lượng không nhiều, tình hình không nghiêm trọng đến mức phải kêu gọi "giải cứu" như năm trước. "Năm nào đến thời điểm này giá chuối cũng xuống thấp nên ngay từ đầu các doanh nghiệp (DN) thu mua đã thỏa thuận ngừng mua vào giữa vụ. Chỉ một số nhà vườn có chuối chín trễ bị thiệt hại" - đại diện HTX Đồng Thuận nói.
Theo bà Trần Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty TNHH Kim Đồng Thuận (Đồng Nai), hiện công ty vẫn mua chuối của nông dân trong vùng bao tiêu với giá 6.500 đồng/kg. Bà Nhung cho biết công ty dựa vào hợp đồng xuất khẩu để liên kết với nông dân với mức lợi nhuận vừa phải. Tuy nhiên, hiện tỉ lệ nông dân tham gia liên kết với các DN còn thấp vì họ thích làm tự do, bán cho thương lái Trung Quốc và phải chịu rủi ro về giá.
Trước đó, hồi tháng 3, khi giá chuối cấy mô lên mức 15.000-18.000 đồng/kg, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đã cảnh báo nông dân không nên chặt cây khác để trồng loại cây này do cung vượt cầu. Theo đó, diện tích chuối cấy mô của tỉnh đã đạt 650 ha và thị trường chính là xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Ngoài ra, loại chuối này chuyên để bán ăn tươi, chưa được dùng để chế biến nên khi phía Trung Quốc ngưng mua sẽ không có thị trường thay thế.
Chuối già Nam Mỹ cần kỹ thuật xử lý chín nên nông dân bị lệ thuộc thương lái |
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Trang trại và DN nông nghiệp Việt Nam, loại chuối cấy mô nông dân Đồng Nai trồng có nguồn gốc từ Nam Mỹ và giống chọn lọc phù hợp dùng để ăn tươi. "Đây là loại chuối không chín tự nhiên mà cần phải có thiết bị, kỹ thuật để làm chín. Khi thị trường hút, thương lái Trung Quốc đến lập nhà sơ chế để mua hàng của nông dân. Đến lúc họ rút đi, nông dân rất khó tiêu thụ nội địa vì tại Việt Nam số lượng DN đầu tư thiết bị xử lý chín chuối đếm trên đầu ngón tay" - ông Viên thông tin thêm.
Cũng theo ông Viên, chuối già Nam Mỹ vẫn có thể dùng để chế biến bột chuối hay snack chuối nhưng thị trường còn nhỏ nên không thể tiêu thụ hết nguyên liệu cho nông dân. "Tôi vẫn thường khuyên nông dân nên trồng các loại cây vừa có thể bán tươi vừa có thể bán cho DN chế biến để tránh bị phụ thuộc. Đầu ra chủ yếu của trái cây Việt Nam là Trung Quốc nên nông dân trồng phải né vụ thu hoạch của họ để tránh rơi vào thời điểm giá thấp. Thông thường, từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm, Trung Quốc cũng có trái cây nên hạn chế nhập khẩu và đây là thời điểm trái cây giá thấp theo quy luật" - ông Viên nhận xét.
Giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu nông sản cho biết hiện xuất khẩu chuối chính ngạch sang Trung Quốc, Hàn Quốc vẫn bình thường nhưng nguyên liệu phải mua từ các trang trại lớn trồng theo quy trình với giá mua tại vườn là 9.500 đồng/kg (loại 1), 5.000-6.000 đồng/kg (loại 2). Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (Long An), cho biết các trang trại lớn tiêu thụ vẫn bình thường do sản xuất theo hợp đồng.
Tác giả: Ngọc Ánh
Nguồn tin: Báo Người lao động