LTS: Công cuộc ĐỔI MỚI dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đã đưa dân tộc Việt Nam tiến những bước dài quan trọng, có ý nghĩa lịch sử và to lớn, trong hàng ngàn năm phát triển của dân tộc. Nhưng, hơn bao giờ hết, đất nước vẫn đang đối mặt không ít khó khăn, thậm chí những thách thức có ý nghĩa sống còn từ bên ngoài và nguy hiểm hơn là ngay từ bên trong…đòi hỏi phải cấp bách giải quyết một cách kiên định, mưu lược và hiệu quả. Đó là thước đo bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng!
Nhân dịp kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của tiến sĩ Phạm Đình Đảng (bút danh Nhị Lê), Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.
Dân tộc ta vừa tạm biệt năm 2017 một cách tự tin!
Bảy mươi lăm năm trước, lúc sinh thời, ngay khi bị Tưởng Giới Thạch cầm tù tại Trung Quốc, vào những năm 1942-1943, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Nhãn quang ưng đại tâm ưng tế. Kiên quyết thời thời yếu tấn công. Thác lộ song xa dã một dụng. Phùng thời nhất tốt khả thành công”. Nghĩa là: Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ. Kiên quyết không ngừng thế tiến công. Lạc nước hai xe đành bỏ phí. Gặp thời một tốt cũng thành công.
Từ ấy, và nhất là ở thời khắc lịch sử hiện nay, năm 2017, phương châm chỉ đạo cách mạng Việt Nam đó đang là linh hồn trong mỗi quyết sách chính trị của Đảng, xuyên thấm trên mỗi bước dù thăng trầm, đặc biệt ở những khúc quanh khắc nghiệt của công cuộc đổi mới và trở thành phương châm hành xử của mỗi người Việt Nam trong cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng, đầy thời cơ nhưng cũng không ít nguy cơ, thách thức mất còn.
Dân tộc ta vừa tạm biệt năm 2017 một cách tự tin!
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì phiên họp thứ 13 về phòng, chống tham nhũng ngày 22/01 vừa qua. Ảnh: TTXVN |
Chúng ta đang sống trong thời kỳ lịch sử phát triển rút ngắn, lịch sử ngắn hạn, một ngày mang sức mạnh bằng của cả trăm năm! Và, chưa bao giờ như hôm nay, chúng ta cũng đang sống trong không gian lịch sử của một “thế giới phẳng” và cả không “phẳng”, thời cơ thường trực gắn chặt với nguy cơ, lẽ hưng vong, mất còn của một quốc gia, dân tộc khó có thể là chuyện riêng, càng khó chỉ là số phận riêng của mỗi vùng lãnh thổ, mỗi dân tộc hay mỗi quốc gia.
Nhớ lại Quốc lệnh 1946 và kiên định công cuộc chống tham nhũng sinh tử
Trên lộ trình đất nước hội nhập quốc tế không chỉ về quy mô, tốc độ và cả chiều sâu, hơn bao giờ hết, càng đòi hỏi chúng ta về tầm nhìn quảng khoát và biện chứng, về sự tỉnh táo, sâu sắc và tinh tế trong mỗi quyết sách chính trị, về tính nhân văn và bền vững trong mỗi bước đi, về sự trung thành, kiên định và sáng tạo, linh hoạt không ngừng trong mỗi phương lược hành xử… mà vấn đề cơ bản nhất, sinh tử nhất xuyên suốt mọi suy nghĩ và hành động đổi mới là, giữ vững vô điều kiện nguyên tắc bất di bất dịch: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc.
Đó là “ngọn lửa thử vàng” về tầm nhìn chính trị, về bản lĩnh nhân văn…của Đảng, Nhà nước ta, về lòng yêu nước, thương nòi…của mỗi người Việt Nam ta, về đức dám hy sinh, gan góc… đối với mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta!
Phải tự mình trở nên hùng cường, phải chủ động giữ nước khi nước còn chưa nguy, phải điềm tĩnh và quyền biến “dĩ bất biến ứng vạn biến” trước mọi sự chi phối hay sức ép dù từ bất cứ phía nào! Đó là con đường tồn tại và phát triển của dân tộc ta trải qua mấy ngàn năm nay.
Toàn Đảng, toàn dân tộc chúng ta đã và đang hành xử như thế, (như ông cha ta đã nối đời từng nguyện giữ), một cách kiên định và sáng tạo theo lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, mà đỉnh cao là sự nghiệp đổi mới của chúng ta tiến những bước dài quan trọng, có ý nghĩa lịch sử to lớn, trong tiến trình lịch sử Dân tộc Việt Nam ta.
Bởi thế, chúng ta phải tự mình hùng mạnh!
Do vậy, hơn lúc nào hết, vì quyền lợi dân tộc, vì lợi ích quốc gia, vì quyền và lợi ích của Nhân dân, trong bao nhiêu đại sự, cùng với sự nghiệp giữ gìn và phát triển đất nước, chúng ta phải song hành cuộc chiến chống nội xâm, trực tiếp phòng, chống tham nhũng, cấp bách như “vạ trong tường vách” như điều hơn năm trăm năm trước Nguyễn Trãi từng răn, quyền biến như “kiềng canh nóng mà thổi rau nguội” trước mọi cơn bĩ cực, mất còn… tới mức nguy cấp, như điều cách đây hơn bảy trăm năm Hưng Đạo Vương dạy vậy.
Tham nhũng, dưới mọi góc nhìn, trên mọi phương diện, đều là kẻ thù của mọi thể chế chính trị; và mọi thể chế chính trị, dù ở đâu, từ Đông sang Tây, từ chế độ phong kiến tới các thể chế tư bản chủ nghĩa, cũng là nơi tham nhũng nảy nòi và hoành hành, lũng đoạn, khi có cơ hội và nếu không được kiểm soát, ngăn chặn. Dưới bất cứ thể chế chính trị, dù một đảng hay đa đảng liên minh cầm quyền, ở bất cứ quốc gia, dân tộc nào trên thế giới, tham nhũng cũng sẵn sàng sinh ra và lũng đoạn, nếu cơ chế kiểm soát quyền lực chính trị không đủ mạnh, quản trị quốc gia non kém.
Chúng ta phải tự mình hùng mạnh. Ảnh: Đoàn Bổng |
Đó là căn bệnh toàn cầu và công việc mang tính toàn cầu.
Tôi cam đoan như vậy! Vì thế, ai đó nói một cách ngây ngô, phiến diện rằng: “Chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tệ tham nhũng”(!), thậm chí còn hét toáng lên kiểu như kẻ mê sảng: “Chỉ khi nào ở Việt Nam có chế độ đa đảng thì nạn tham nhũng mới có thể dẹp bỏ được”(!)… là cách nhìn của kẻ mù màu, khiếm thị và đầy kỳ thị.
Do đó, không một thể chế chính trị nào, một quốc gia, dân tộc nào từ xưa tới nay dung tha tham nhũng cả! Vì nó mà làm băng hoại không ít mọi loại thể chế. Và, mọi thể chế đều coi việc phòng, chống tham nhũng là việc sinh tử đối với mọi thể chế và tất cả những ai có lương tri.
Toàn thế giới đã sinh ra một tổ chức và thiết chế vận hành để phối hợp toàn cầu giải quyết tệ nạn toàn cầu này, mà không ai không biết, trừ những kẻ mù và điếc: Tổ chức Minh bạch quốc tế (viết tắt là TI), với Công ước Liên hợp quốc phòng chống tham nhũng (UNCAC) và các Hội nghị Quốc tế chống tham nhũng (IACC),… Con bạch tuộc tham nhũng phá hoại từ bên trong không từ một thể chế nào; và không một thể chế nào, dù một đảng hay đa đảng, dù quân chủ hay tư sản, dám nói rằng không có tham nhũng, nếu buông lơi sự kiểm soát con bạch tuộc ấy từ “ruột gan” và ngăn ngừa đồng loại nó xâm nhập từ bên ngoài thể chế, trong một “thế giới phẳng” và không phẳng hiện nay!
Đối với chúng ta, trong đại cuộc sinh tử chống giặc nội xâm này, không dung thứ bất cứ ai, bất cứ hành động nào sợ hãi, hèn nhát, những phe nhóm nào xâm phạm lợi ích của đất nước, của Dân tộc, của Nhân dân, của Đảng và của chế độ xã hội chủ nghĩa! Đó chính là đạo lý dân tộc thiêng liêng nhất, và chính là pháp lý đất nước công minh nhất!
Ai vi phạm hoặc làm vấy bẩn điều vô giá đó, người ấy không xứng đáng là người Việt Nam chân chính. Ai nhân danh đổi mới để tự “làm mới” mình, tự “đánh bóng mình”, theo kiểu “đầu cơ chính trị”, “cơ hội chính trị”… mưu lợi riêng, lại nhất là người giữ cương vị đứng đầu ở bất cứ cấp nào… là người có lỗi.
Ai vì quyền lợi của phe nhóm mình, thân tộc mình, cá nhân mình mà coi nhẹ, chà đạp, rắp mưu làm “con buôn quyền lực”, “đục nước béo cò”, tham nhũng, ăn cắp của công, “băm nhỏ”, chia phần lợi ích quốc gia thống nhất, gây nên tệ lợi ích nhóm và các nhóm lợi ích, nhằm cát cứ, cục bộ… người đó mang tội.
Ai mưu toan “xanh vỏ đỏ lòng”, “trở cờ nối giáo cho tham nhũng”, làm nhục mạ Nhân dân mình, hạ thấp vị thế và danh dự Tổ quốc mình… kẻ đó mắc trọng tội.
Ai cũng thấy, khi quyền lực chính trị cấu kết đen tối với quyền lực tài chính, khi các nhà lãnh đạo cấu kết với các doanh nghiệp… tạo nên những “liên minh tội phạm”, nảy nòi những “liên minh ma quỷ” tham nhũng, cả quyền lực, thì tai họa khôn mà lường trước, mà những người đó không thấy? Đó là những “cục nghẽn mạch” đau đớn nhất, những “khối u ác tính” nguy hiểm nhất, những “giặc nội xâm”, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở nên “hung hãn nhất”… có nguy cơ làm dân tộc suy vong, quốc gia băng hoại, thể chế tan tành.
Mời xem tiếp kỳ 2: Quốc lệnh ngày 26/1/1946 và “lò đã nóng…”
Tác giả: Nhị Lê
Nguồn tin: Báo VietNamNet