Đòn phủ đầu và sự thận trọng
Cuối tháng 6/2016, một NHTM thuộc tốp đầu tại Việt Nam đã cảnh báo và khuyến cáo khách hàng về ứng dụng công nghệ ML có thể làm mất tài khoản ngân hàng điện tử.
Trước đó, vài ngân hàng khác cũng có khuyến cáo tương tự đối với một số ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính, kể cả khi ứng dụng đó đạt các giải thưởng lớn trong và ngoài nước, với cả triệu lượt tải trên toàn cầu.
Câu chuyện trở nên nóng hơn khi một loạt sự cố mất tiền trong tàu khoản của nhiều ngân hàng, giá trị từ vài trăm triệu tới vài chục tỷ đồng, xảy ra sau đó. Nguyên nhân có cả việc khách hàng bị mất thông tin tài khoản do truy cập một số trang web không tin cậy.
FinTech mang đến nhiều dịch vụ tiện ích.
Ông Jan Bellens, Phó TGĐ phụ trách Thị trường mới nổi toàn cầu, Thị trường Ngân hàng và vốn thuộc EY Singapore, cho biết, một trào lưu công nghệ mới đang nở rộ, phát triển dữ dội rộng khắp và sẽ đổi mới mọi mặt lĩnh vực dịch vụ tài chính, trong đó có ngân hàng.
FinTech (FT), những startup làm về lĩnh vực kinh tế - tài chính, hay còn được định nghĩa là các tổ chức kết hợp giữa mô hình kinh doanh sáng tạo với công nghệ tiên tiến để thúc đẩy, tăng cường và tạo đột phá trong cung cấp dịch vụ tài chính, là ngành được đầu tư với tốc độ rất cao, lên tới 15 tỷ USD trong 2015 và dự kiến 25 tỷ trong 2016. ML là một trong những doanh nghiệp như vậy, một ứng dụng quản lý tài chính cá nhân trên smartphone và máy tính.
Trên thực tế, tại Việt Nam, rào cản gia nhập ngành tài chính đã giảm và sẽ còn giảm theo các cam kết hội nhập, nên sự xuất hiện của các FT ngày càng nhiều. Các tổ chức phi tài chính ngày càng hứng thú hơn với mảng dịch vụ tài chính. Nhiều FT tham gia vào cho vay như LoanV, thanh toán như Payoo, 123Pay, VninaPay, VTCPay, MoMo, SenPay,... rồi cả tài chính cá nhân ML, TM, MobiVi, và quản lý và hỗ trợ POS,...
Ông Nguyễn Hòa Bình, chủ tịch NextTech, một DN có nhiều công ty con tham gia FT, cho rằng, vấn đề thanh toán trực tuyến ở Việt Nam rất khó khăn. Các ngân hàng ở Việt Nam chưa mạnh về vấn đề này khiến việc thanh toán trên mạng bất tiện. Nhiều dịch vụ gắn kèm hoạt động ngân hàng lại chưa phát triển. Các ngân hàng cũng chưa thực sự hào hứng, mở lòng với các startup FT để phục vụ khách hàng tốt hơn cũng như quét sâu hơn tới những đối tượng mà khó có thể trở thành khách hàng của ngân hàng.
Cũng theo ông Bình, trên thực tế, có những doanh nghiệp FT như những kẻ phá bĩnh. Họ kết hợp cho vay ngang hàng, người có tiền cho vay người không có tiền (P2P lending), khiến ngân hàng bị ra rìa. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều mà phần lớn là theo hướng hợp tác cùng có lợi với ngân hàng.
FinTech hứa hẹn giúp các ngân hàng bứt phá nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro an ninh mạng.
Âm thầm sung sướng
Theo ông Bellens, trên thế giới, sự phát triển của FT là như vũ bão nhờ sự nhận thức của các cổ đông, của doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm, của các cơ quan quản lý,...
Gần đây, một ngân hàng của Singapore tuyên bố mở cánh cổng công nghệ để cho các doanh nghiệp FT thông qua đó tương tác với các dịch vụ của ngân hàng, tự do sáng tạo xây dựng thêm các dịch vụ đính kèm, thay vì phải tìm cách lách.
Một ngân hàng của Hà Lan cũng vừa quyết định đầu tư hàng tỷ USD để chuyển sang ngân hàng số (digital banking), sẽ thay thế gần 6.000 người bằng máy móc, hoạt động lại an toàn và hiệu quả hơn. Chi phí đầu tư dự kiến thu về trong 2 năm. Một số nhà băng ở châu Âu cũng có kế hoạch hoàn thành “số hóa” vào năm 2020 rồi áp dụng trí tuệ nhận tạo để phục vụ khách hàng.
Khoảng 2 năm qua, tại Việt Nam cũng có một ngân hàng quy mô tầm trung đã và đang triển khai ngân hàng số, hoạt động không cần chi nhánh thực với rất nhiều dịch vụ tiện ích, nhằm bứt phá trong thời gian tới.
FT hiện đang tấn công mạnh mẽ vào nhiều lĩnh vực: ngân hàng, tài chính bảo hiểm,... để đưa ra những dịch vụ tốt nhất, mức phí hợp lý nhất, sát nhất và nhanh nhất. Một khảo sát của EY cho thấy, có tới gần 16% số người sử dụng 1 hoặc 2 sản phẩm dịch vụ FT trong 6 tháng gần đây.
Theo ông Bellens, Việt Nam là một thị trường rất hấp dẫn đối với FT, nhất là lĩnh vực ngân hàng. Thị trường Việt Nam có đặc điểm thú vị là: chưa nhiều người dùng dịch vụ ngân hàng, mới 20% sở hữu tài khoản, 3% sử dụng thẻ tín dụng,... Đây là một khoảng trống nếu có công nghệ có thể đáp ứng được nhóm khách hàng này theo một cách tiết kiệm chi phí nhất. Và nhiều ngân hàng có thể bứt phá lên trong thời gian rất ngắn.
Tác giả bài viết: V. Hà