GS. Nguyễn Văn Tuấn hiện đang giữ chức giáo sư của ĐH New South Wales và ĐH Công nghệ Sydney (Úc) cho biết, hệ thống giáo dục Úc không quá máy móc các tiêu chuẩn và quy trình bổ nhiệm giáo sư. Thực tế nước này có rất nhiều trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”.
Dân trí trân trọng giới thiệu bài viết “Sự đa dạng của chức vụ và danh xưng giáo sư” của GS. Nguyễn Văn Tuấn:
Những chuyện “khó tin” về bổ nhiệm chức vụ giáo sư ở Úc
Chức danh giáo sư là một đề tài của nhiều bàn luận. Gọi “giáo sư” là học hàm, chức danh, hay chức vụ, mỗi người hiểu một cách khác nhau. Những hiểu biết đó tùy thuộc vào tầm nhìn cá nhân, bối cảnh và kinh nghiệm của người phát biểu.
Những tranh luận này thường nói lên những sự vô lí hay những tiêu chuẩn của chức danh cao nhất trong các bậc thang khoa bảng. Cũng có nhiều người so sánh tiêu chuẩn và qui trình bổ nhiệm chức danh giáo sư ở Việt Nam với nước ngoài. Ở đây, tôi chỉ chia sẻ cùng các bạn tính đa dạng của chức danh giáo sư ở nước ngoài, mà cụ thể là nước Úc này, để thấy rằng người ta không quá máy móc trong các tiêu chuẩn và bổ nhiệm như nhiều người nghĩ.
Tôi không đề cập đến những trường hợp được đề bạt hay bổ nhiệm qua một qui trình chuẩn và dựa trên các tiêu chuẩn khoa bảng nghiêm chỉnh. Theo qui trình chuẩn, các ứng viên phải trải qua những chức vụ như tutor (trợ giảng), lecturer (giảng viên) hay assistant professor (giáo sư trợ lí), senior lecturer (giảng viên cao cấp), associate professor (ở Việt Nam dịch là phó giáo sư), và professor (giáo sư thực thụ).
Nếu một người có thành tích tốt thì đoạn đường từ tutor lên professor phải tốn ít nhất 15-20 năm. Rất nhiều người chỉ dừng lại ở chức associate professor và nghỉ hưu.
Nhưng trong thực tế cũng có những trường hợp bổ nhiệm "thần tốc" trong hệ thống đại học. Và, những bổ nhiệm này hoàn toàn được phê chuẩn nghiêm chỉnh. Ở đây, tôi chỉ đề cập đến những trường hợp [có thể xem là] ngoại lệ trong việc bổ nhiệm chức vụ giáo sư ở vài đại học danh tiếng ở Úc.
Trường hợp 1: từ giám đốc tập đoàn thành giáo sư hiệu trưởng đại học
Chúng ta thường nghĩ rằng hiệu trưởng đại học phải là người trong khoa bảng, và chức danh tối thiểu phải là professor hay associate professor. Đó là cách hiểu cổ điển; đối với đại học hiện đại được xem là một "tập đoàn", thì việc bổ nhiệm người ngoài đại học là chuyện khá bình thường.
Ví dụ như Đại học New South Wales (nay đổi tên chính thức là "UNSW Sydney") từng có tiền lệ bổ nhiệm một tổng giám đốc của một tập đoàn báo chí Fairfax làm hiệu trưởng và giáo sư đại học. Thật ra, trước khi làm tổng giám đốc của Fairfax, ông cũng từng có thời làm giám đốc trường quản trị kinh doanh của UNSW Sydney.
Ông có bằng MBA nhưng không có bằng tiến sĩ. Nhưng khi ông được bổ nhiệm hiệu trưởng của UNSW Sydney, thì người ta phải tìm cho ông một chức danh cao nhất, và đó là "professor".
Trường hợp 2: chuyên viên cấp trung trở thành giáo sư đại học và nắm giữ phần nghiên cứu khoa học
Chuyện có vẻ khó tin, nhưng hoàn toàn có thật ở một đại học Úc. Ông ấy là một chuyên gia về máy tính và từng làm việc cho một tập đoàn máy tính lừng danh của Mĩ. Ông ấy chưa có bằng tiến sĩ, nhưng có bằng cao học (masters). Ông ấy được đánh giá và có tiếng là một nhà quản lí giỏi. Thế là đại học bổ nhiệm ông vào chức phó hiệu trưởng, phụ trách mảng nghiên cứu khoa học.
Nhưng ở chức vụ đó thì phải có một chức danh khoa bảng cho xứng đáng để có chính danh nói chuyện với các giáo sư khác. Thế là trường đại học đề bạt ông ấy lên chức giáo sư thực thụ (professor)! Tôi chưa thấy một đại học nào khác ở Úc có trường hợp này.
Trường hợp 3: từ lecturer (giảng viên) lên thẳng professor (giáo sư)
Trong hệ thống chức vụ khoa bảng ở Úc thì một nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp tiến sĩ và đã qua hậu tiến sĩ, phải kinh qua 3 bậc (lecturer (giảng viên), senior lecturer (giảng viên cao cấp), và associate professor (giáo sư trợ lí) trước khi đến chức professor (giáo sư) và mỗi bậc cần khoảng 3-5 năm. Nhưng có vài học Úc bổ nhiệm giáo sư không theo các nấc thang khoa bảng bình thường đó.
Ông ấy là một giảng viên thuộc một trường đại học trong nhóm Go8 (tức "Group of Eight", nhóm 8 trường đại học hàng đầu của Úc [1]), với thành tích khoa học trung bình. Nhưng đùng một cái, một trường đại học nhỏ hơn mới thành lập một trung tâm nghiên cứu về một lĩnh vực “nóng” và cần người làm giám đốc.
Thế là ông ấy được mời về làm giám đốc, và được thăng chức thẳng lên professor. Quá trình thăng chức cho ông ấy làm nhiều người trong khoa ngạc nhiên, nhưng nói chung chẳng mấy ai ganh tị, vì họ thấy ông ấy may mắn và nói cho cùng thì "việc ai nấy làm”.
Trường hợp 4: bổ nhiệm giáo sư làm quản lí
Nhiều trường đại học ngày nay, như nói trên, là những tập đoàn giáo dục. Trong những “tập đoàn” đó, ngoài giảng dạy và nghiên cứu khoa học, việc kinh doanh và đem tiền về cho đại học trở thành một áp lực cho các giáo sư. Do đó, đại học thành lập rất nhiều doanh nghiệp nhỏ trong đại học nhưng mang những cái tên rất khoa học.
Thường, các "giáo sư truyền thống" không có khả năng quản lí nên họ hoặc là làm ăn thua lỗ, hoặc không phát triển được doanh nghiệp. Trong bối cảnh như thế, trường đại học có xu hướng bổ nhiệm các chuyên gia từ kĩ nghệ làm giám đốc các doanh nghiệp con, và vì trong đại học, nên phải cho họ một chức danh khoa bảng. Chức danh cao nhất là giáo sư. Đó chính là lí do tại sao có nhiều người mang danh giáo sư nhưng họ chủ yếu làm quản lí chứ không giảng dạy và rất ít nghiên cứu.
Trường hợp 5: bổ nhiệm giáo sư với thành tích khoa học cấp giảng viên
Tại một đại học trong nhóm Go8 của Úc mới có một trường hợp cũng gây ngạc nhiên cho nhiều người trong giới khoa bảng vì người được bổ nhiệm chức vụ professor có thành tích khoa học rất khiêm tốn. Như là một qui ước bất thành văn, một giáo sư thực thụ (full professor) ở Úc phải có ít nhất 50 bài báo khoa học (thường là 100 trở lên), và tập san công bố phải thuộc loại "coi được".
Đó là chưa kể đến thành tích... xin tiền. Thế nhưng trong thực tế cũng có người trong một ngành khoa học xã hội, với số công trình (bài báo) nghiên cứu chưa đầy con số 5 và chưa bao giờ có một bài báo nào trên tập san ISI, và chưa có thành tích xin tài trợ từ các cơ quan như ARC, thế nhưng trường đề bạt lên chức giáo sư thực thụ. Sự đề bạt cũng làm nhiều người cau mày, nhưng rồi ai cũng nhún vai nói "tại thời thế, thế thời phải thế"!
Trường hợp 6: bổ nhiệm giáo sư để ... bóc lột
Chữ “bóc lột” tôi dùng có vẻ quá đáng. Một dạng bổ nhiệm khác cũng phi truyền thống là giáo sư kiêm nhiệm, hay nói theo tiếng Anh là "conjoint" hoặc "adjunct". Đây là những trường hợp mà đương sự là một nhà khoa học, thường có bằng tiến sĩ (nhưng không nhất thiết), được các đại học bổ nhiệm làm "conjoint professor" hay "adjunct professor", có thể tạm dịch là "giáo sư kiêm nhiệm".
Những người này thường là các bác sĩ cao cấp trong các bệnh viện, hay các chuyên gia cao cấp trong kĩ nghệ, họ có công đóng góp cho đại học qua việc nhận sinh viên về làm thực hành. Đại học bổ nhiệm họ không qua phỏng vấn; họ chỉ cần điền một cái đơn, và hội đồng khoa bảng của đại học xem xét và bổ nhiệm. Tiêu chuẩn bổ nhiệm chủ yếu là đóng góp cho trường qua đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Do đó, ở các trường y ở nước ngoài có rất nhiều giáo sư, nhưng họ chỉ tồn tại ở dạng kiêm nhiệm, vì họ là người của bệnh viện hay viện nghiên cứu. Họ không nhận lương của đại học, nhưng khi họ nghiên cứu và công bố khoa học thì đại học yêu cầu họ phải ghi tên đại học trong bài báo! Nhiều người xem đây là một hình thức bóc lột tri thức rất tuyệt vời!
Đại học không trả lương cũng chẳng cho phụ cấp gì cả, mà chỉ trao cho cái chức danh "conjoint professor" và kẻ được trao chức danh phải làm việc cho họ.
Trên đây chỉ là 6 trường hợp cho 6 loại giáo sư đại học ở Úc. Những trường hợp trên nói lên rằng chức danh hay chức vụ giáo sư ở nước ngoài rất đa dạng. Không phải ai có danh xưng giáo sư đều có thành tích khoa học như nhau. Lí do là vì mỗi trường có một bộ tiêu chuẩn riêng, trường danh tiếng và nặng về nghiên cứu khoa học có tiêu chuẩn có thể cao hơn trường kém danh tiếng.
Thật ra, ngay cả trong trường thì bộ tiêu chuẩn cũng khác nhau giữa các khoa và chuyên ngành. Do đó, khó có thể nói chung chung rằng "nước ngoài người ta làm như thế," vì nó còn phụ thuộc vào "nước ngoài" là nước nào và theo hệ tiêu chuẩn nào.
Những trường hợp trên đây là ở Úc, nhưng tôi biết một số nước tiên tiến trên thế giới cũng có những bổ nhiệm phi truyền thống như vừa đề cập. Khi đại học phát triển cao và có tiếng, những qui định chỉ là để tham khảo chứ không phải để tuân theo một cách máy móc. Họ đặt ra qui định thì họ có thể sửa qui định.
Nước Úc không quá máy móc trong các tiêu chuẩn và bổ nhiệm như nhiều người nghĩ (ảnh minh họa). |
Hiểu về giáo sư còn phiến diện
Nhiều người quá bận tâm với những tiêu chuẩn cân đo đong đếm hay danh xưng cá nhân, nên cách hiểu về giáo sư còn phiến diện.
Tâm lí “bộ lạc” thường ngự trị trong suy nghĩ và nhận thức về chức danh giáo sư, và thường dẫn đến những so sánh phiến diện. Những cơ sở dữ liệu trắc lượng khoa học như Scopus, ISI và Google Scholar làm cho giới khoa học trở nên ám thị về năng suất khoa học của họ và của người khác.
Nhiều người liên tục vào các trang này để xem năng suất của họ và so sánh với các đồng nghiệp khác trên thế giới; họ trở nên bồn chồn, bất an, và có khi tức tối trước thành tựu của đồng nghiệp, nhưng cũng không hài lòng với chính họ. Đó gần như là một căn bệnh thời đại.
Giáo sư là chức vụ dành cho người giảng dạy và/ hay nghiên cứu khoa học; đó là một cách hiểu cũ, không còn thích hợp cho ngày nay nữa.
Trong thực tế, các đại học phương Tây (như Úc) có 3 ngạch giáo sư. Ngạch 1 dành cho những người nghiên cứu khoa học; ngạch 2 dành cho những người giảng dạy và họ ít làm nghiên cứu khoa học; ngạch 3 là những người làm quản lí và phục vụ, họ chẳng giảng dạy cũng chẳng làm nghiên cứu khoa học, nhưng họ là quan chức cao cấp và có công lớn gây dựng đại học, nên họ cũng được đề bạt chức professor.
Không nên quá bận tâm với những chức danh hoặc danh xưng phù phiếm, mà nên quan tâm đến cống hiến mang tính thực chất. Nói cho cùng thì mức độ đóng góp vào sự phát triển của khoa học và giáo dục là một thước đo chuẩn nhất và quan trọng nhất.
Theo đuổi những danh xưng và tranh cãi về tiêu chuẩn với những con số chỉ làm cho người ta thiếu tập trung -thậm chí quên lãng - khái niệm phụng sự cho khoa học và xã hội.
GS. Nguyễn Văn Tuấn, Giáo sư tại ĐH New South Wales và ĐH Công nghệ Sydney, Úc - tác giả bài viết. |
* [1] Các đại học trong nhóm Go8 bao gồm Đại học Quốc gia Úc (ANU), Đại học Sydney, Đại học New South Wales, Đại học Melbourne, Đại học Monash, Đại học Queensland, Đại học Adelaide, và Đại học Western Australia. Đây là các đại học “nghiên cứu”, và tiêu chuẩn về chức vụ giáo sư của họ khác với các trường ngoài Go8.
GS. Nguyễn Văn Tuấn
(Giáo sư tại ĐH New South Wales và ĐH Công nghệ Sydney, Úc)
Nguồn tin: Báo Dân trí